Vì sao chỉ giới thiệu một người ứng cử Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam?
(Dân trí) - Ông Đỗ Ngọc Thịnh - Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam được Hội đồng Luật sư toàn quốc đồng ý giới thiệu ứng cử Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam khóa III nhiệm kỳ 2021-2026.
Tại buổi gặp gỡ báo chí sáng 22/12, ông Đỗ Ngọc Thịnh - Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III, nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ được tổ chức vào ngày 25-26/12 tại Hà Nội, với sự tham dự của 458 đại biểu đại diện cho 63 đoàn luật sư tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và khách mời từ các cơ quan, Bộ, ban, ngành Trung ương…
"Đại hội diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt, đất nước đang bước vào những ngày cuối cùng của năm 2021 với những biến động hết sức to lớn dưới tác động của đại dịch Covid-19. Đây cũng là năm đầu tiên toàn Đảng, toàn quân và toàn dân triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; công cuộc cải cách tư pháp đạt được nhiều thành tựu nổi bật sau 15 năm triển khai chiến lược cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị; theo đó, vị trí, vai trò của luật sư, nghề luật sư không ngừng được nâng cao trong xã hội"- ông Thịnh cho hay.
Liên đoàn Luật sư Việt Nam xác định phương châm hành động nhất quán, xuyên suốt cho nhiệm kỳ tới là xây dựng đội ngũ luật sư có phẩm chất chính trị vững vàng, có đạo đức liêm chính, trong sáng, có chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng nghề nghiệp tinh thông để có thể cung cấp dịch vụ pháp lý có chất lượng cho khách hàng và cộng đồng xã hội. Đồng thời đoàn kết thống nhất trong tổ chức; tiếp tục củng cố niềm tin vững chắc với Đảng, Nhà nước và cộng đồng xã hội về chất lượng đội ngũ luật sư.
Ngoài thảo luận, thông qua báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ II (2015 - 2021) và phương hướng công tác nhiệm kỳ III (2021- 2026), thông qua báo cáo công tác tài chính, dự thảo điều lệ, Đại hội đại biểu Liên đoàn Luật sư Việt Nam sẽ tiến hành bầu các cơ quan và các chức danh lãnh đạo chủ chốt cho nhiệm kỳ 2021- 2026.
Theo ông Đỗ Ngọc Thịnh, công tác nhân sự đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, dân chủ, đúng điều lệ. Bộ Tư pháp đã có ý kiến đồng ý với danh sách nhân sự do Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội đồng Luật sư toàn quốc trình.
"Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh được Hội đồng Luật sư toàn quốc đồng ý giới thiệu ứng cử Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam khóa III nhiệm kỳ 2021-2026"- ông Thịnh thông tin.
Ngoài ra, 6 luật sư khác gồm luật sư Phan Trung Hoài, luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh, luật sư Lưu Tiến Dũng, luật sư Nguyễn Hải Nam, luật sư Nguyễn Thế Phong, luật sư Đào Ngọc Chuyền được giới thiệu ứng cử Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam khóa III để đại hội bầu.
"Còn đại hội bầu không thì phải đợi"- ông Đỗ Ngọc Thịnh nói.
Trả lời thắc mắc của báo chí về việc tại sao nhân sự Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam chỉ giới thiệu một người, ông Đỗ Ngọc Thịnh nói: Đề án nhân sự của Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho phép có thể giới thiệu thêm một người nữa nhưng Hội đồng Luật sư toàn quốc chỉ giới thiệu một người ra đại hội.
"Ra đại hội mọi người có quyền tự ứng cử và nhận đề cử, chứ không phải hạn chế quyền đó. Nếu ra đại hội, không ai tự ứng cử, đề cử thì phải giới thiệu một người, bầu một người thôi. Điều lệ quy định như thế nào thì phải làm đúng như vậy"- ông Đỗ Ngọc Thịnh cho hay.
Được biết, tại thời điểm Liên đoàn Luật Việt Nam tổ chức Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ II (tháng 4/2015), số lượng luật sư cả nước là 9.436 luật sư; đến ngày 31/9/2021 đã tăng lên 16.134 luật sư (sau hơn 6 năm số lượng luật sư tăng gần 6.700 luật sư tương đương 40%).
Số lượng luật sư tăng đều hàng năm, trung bình mỗi năm tăng khoảng 1.000 luật sư. Trong đó, sự phát triển về số lượng luật sư vẫn chủ yếu tập trung ở thành phố Hà Nội (4.752 luật sư) và TPHCM (6.489 luật sư), chiếm hơn 2/3 tổng số luật sư của cả nước; còn lại 61 đoàn luật sư có số lượng luật sư là 4.893 luật sư.
Cùng với việc tăng số lượng luật sư, số lượng tổ chức hành nghề luật sư cũng tăng đáng kể. Hiện nay cả nước đã có trên 4.000 tổ chức hành nghề luật sư. Số người tập sự hành nghề luật sư hiện nay có trên 5.000 người.
Đến nay, đội ngũ luật sư đã đảm nhận 100% việc bào chữa trong các vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu. Kể cả các đoàn luật sư có ít luật sư như Đoàn luật sư tỉnh Kon Tum, Lai Châu, Hà Giang, có từ 9-14 luật sư nhưng đoàn luật sư đã thực hiện tốt công tác này.