1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vì sao Bộ GTVT bỏ yêu cầu tiêm vắc xin, xét nghiệm Covid khi đi liên tỉnh?

(Dân trí) - Bộ GTVT có chức năng xây dựng kế hoạch tổ chức giao thông, việc hành khách đi lại phải đáp ứng điều kiện về tiêm vắc xin ra sao, yêu cầu xét nghiệm SARS-CoV-2 như thế nào cần hướng dẫn của Bộ Y tế.

Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho PV Dân trí biết như vậy khi trao đổi về kế hoạch tổ chức hoạt động vận tải hành khách của 5 lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, trong thời gian các địa phương nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Nguyên tắc y tế đi lại liên tỉnh chờ… Bộ Y tế

Trong dự thảo về kế hoạch tổ chức giao thông mới nhất của Bộ GTVT, nguyên tắc y tế đối với hành khách không nêu yêu cầu phải tiêm 2 mũi vắc xin, xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 và có giấy xác nhận đã điều trị khỏi Covid-19 trong vòng 6 tháng... Nhiều người cho rằng điều này vô hình trung sẽ tạo điều kiện "quá thoáng" trong kiểm soát lưu thông trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

Trao đổi với PV Dân trí, lãnh đạo Bộ GTVT - người phụ trách trực tiếp việc xây dựng dự thảo về kế hoạch tổ chức giao thông nêu rõ: Bộ GTVT chỉ xây dựng kế hoạch về tổ chức giao thông, còn nguyên tắc y tế theo phương án nào phải theo quy định của Bộ Y tế.

"Bộ GTVT không có chức năng y tế nên không thể nêu quy định y tế trong kế hoạch tổ chức giao thông được. Việc hành khách đi lại phải đáp ứng điều kiện về tiêm vắc xin ra sao, yêu cầu xét nghiệm SARS-CoV-2 như thế nào cần hướng dẫn của Bộ Y tế. Hiện chúng tôi đang rất cần Bộ Y tế cho ý kiến sớm nhất, nhanh nhất về các tiêu chí và quy định cụ thể, từ đó thống nhất kế hoạch tổ chức giao thông để ban hành. Nếu Bộ Y tế cho ý kiến sớm, chúng tôi dự kiến ban hành kế hoạch trong một - hai ngày tới" - lãnh đạo Bộ GTVT cho hay.

Vì sao Bộ GTVT bỏ yêu cầu tiêm vắc xin, xét nghiệm Covid khi đi liên tỉnh? - 1

Bộ GTVT đang chờ ý kiến về việc áp dụng điều nguyên tắc y tế được đi lại giữa các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội (Ảnh: Quân Đỗ).

Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, đây vốn là phương án của điều kiện bình thường nhưng phải điều chỉnh trong trạng thái chống dịch. Đến nay, tình hình dịch dần được kiểm soát và các địa phương nới lỏng giãn cách đảm bảo đủ điều kiện thì tổ chức giao thông lại được chuyển từ trạng thái chống dịch về bình thường. Bộ GTVT xây dựng tổ chức giao thông theo từng giai đoạn và phù hợp với từng loại hình vận tải hành khách.

"Việc triển khai vận tải hành khách theo tuyến cố định đường dài là bất khả thi vì những đặc thù của loại hình này, khó có thể kiểm soát được hành trình trên đường của phương tiện, việc đón khách dọc đường hay nơi đi, điểm đến của hành khách để đảm bảo an toàn dịch bệnh. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh tại từng địa phương cũng chưa cho phép vận tải xe khách liên tỉnh được hoạt động bình thường.

Trong giai đoạn đầu, hàng không và đường sắt sẽ được ưu tiên vận chuyển hành khách đường dài đủ điều kiện về y tế. Khách đi lại bằng máy bay, tàu hỏa có hành trình và điểm đi, điểm đến rõ ràng nên kiểm soát dịch bệnh tốt hơn. Cùng đó, tổ chức kết nối đường bộ cự ly ngắn với các nhà ga sân bay, bến tàu để vận chuyển hành khách theo quy định." - lãnh đạo Bộ GTVT thông tin.

Đề cập tới các tiêu chí về ứng dụng "thẻ xanh Covid" và "hộ chiếu vắc xin" không có trong dự thảo kế hoạch tổ chức giao thông, vị lãnh đạo cho biết đó thực chất đó là những khái niệm liên quan tới việc tiêm vắc xin và điều kiện sức khỏe của hành khách, vấn đề này thuộc quy định và trách nhiệm hướng dẫn của Bộ Y tế, vì vậy Bộ GTVT không đưa vào dự thảo. Để thực hiện được kế hoạch tổ chức giao thông trong tình hình mới cũng phải có sự đồng thuận của các tỉnh, thành phố và bản thân các địa phương cũng có các kịch bản để triển khai phù hợp.

"Khi tổ chức giao thông, tùy theo tình hình phòng chống dịch tại địa phương để duy trì hoạt động của các chốt kiểm soát ở cửa ngõ, đối tượng kiểm soát sẽ giãn dần để tạo thuận lợi cho lưu thông, vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, nguyên tắc chống dịch của địa phương phải trên cơ sở nguyên tắc chống dịch chung của cả nước, địa phương không thể đặt ra biện pháp và quy định riêng không phù hợp, gây khó khăn cho lưu thông vận tải" - lãnh đạo Bộ GTVT nhấn mạnh.

So sánh điều kiện Việt Nam và các nước

PGS, TS Nguyễn Hồng Thái - Phó trưởng Khoa Vận tải - kinh tế, Đại học Giao thông - cho rằng tổ chức giao thông, khôi phục vận tải hành khách thời điểm này là hợp lý. Hiện đã có sự thay đổi về biện pháp chống dịch, các cơ quan quản lý Nhà nước và người tham gia giao thông cũng có kinh nghiệm hơn, cùng với các biện pháp về công nghệ thì tổ chức giao thông thời gian tới sẽ tốt dần.

Vì sao Bộ GTVT bỏ yêu cầu tiêm vắc xin, xét nghiệm Covid khi đi liên tỉnh? - 2

Chuyên gia cho rằng, cần thiết áp dụng các điều kiện phù hợp đối với người tham gia giao thông liên tỉnh khi nới lỏng giãn cách xã hội (Ảnh: Đỗ Linh).

Nói về nguyên tắc y tế đối với hành khách, ông Thái nêu quan điểm cần áp dụng các điều kiện phù hợp để đảm bảo yêu cầu về "đối tượng xanh" tham gia giao thông. An toàn dịch bệnh phải đặt lên hàng đầu, vì vậy cách thức tổ chức giao thông như thế nào là việc rất quan trọng.

"Điều này sẽ có tác động tới nhiều phía cả về trách nhiệm và ý thức. Bản thân cơ quan quản lý Nhà nước phải có trách nhiệm đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, mỗi người dân cũng phải có trách nhiệm về việc tiêm vắc xin. Các ngành, cơ quan liên quan phải có trách nhiệm về dịch tễ khi cần thiết, người tham gia giao cũng phải nêu cao tinh thần, ý thức để đủ điều kiện tham gia vào luồng xanh vận tải…" - ông Thái nói.

Cần phải nói thêm rằng, việc nới lỏng quá nhanh và mở cửa quá sớm đã có những bài học thất bại ở Mỹ và các nước châu Âu, trong khi đó điều kiện về hạ tầng và nhận thức tham gia giao thông ở Việt Nam còn những hạn chế. So sánh về việc mở cửa giữa Việt Nam và các nước, ông Thái cho rằng mọi mặt đều có những khác biệt nên khó có thể đánh giá hết.

"Các nước có thể làm phép thử và dù đã từng thất bại về mở cửa hay liên thông đi lại thì họ vẫn có những thế mạnh rất lớn khi là người chủ động trong nghiên cứu và sản xuất ra vắc xin, thuốc điều trị Covid-19 và các sinh phẩm y tế, họ có tiềm lực về kinh tế, y tế. Quan điểm của người dân các nước về dịch bệnh cũng khác; hạ tầng, phương tiện và văn hóa giao thông cũng tốt, vậy nên cơ chế quản lý của nhà chức trách cũng khác.

Ở Việt Nam, giao thông là hỗn hợp và tổ chức đa phương tiện, người tham gia giao thông chủ yếu đi xe máy, nhận thức về dịch bệnh cũng hạn chế nên sẽ có những khó khăn, việc người dân xếp hàng đi mua bánh trung thu giữa lúc căng thẳng dịch bệnh hay đổ xô ra đường đi chơi đêm trung thu là ví dụ rõ ràng" - ông Thái nói và cho rằng cần tập trung vào việc tổ chức và quản lý để đạt được hiệu quả tốt nhất về chống dịch và phục hồi kinh tế.