1. Dòng sự kiện:
  2. Cơn bão Yagi
  3. Người hùng cứu tài xế gặp nạn ở cầu Phú Mỹ

Vì sao bão Yagi liên tục tăng cấp?

Nguyễn Hải Hải Nam
Cơn bão Yagi

(Dân trí) - Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, từ lâu chưa có bão trên biển Đông nên năng lượng biển cũng như độ ẩm thuận lợi để bão Yagi phát triển, tăng cấp.

Chiều 4/9, Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tổ chức buổi thông tin về công tác ứng phó với bão số 3 (tên quốc tế Yagi).

Tại cuộc họp, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết đến chiều 4/9, bão Yagi đã mạnh lên cấp 12-13 trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông. 

Theo ông Lâm, đến chiều 4/9, các dự báo về quỹ đạo và xu hướng của bão Yagi giữ nguyên so với những ngày trước đó nhưng độ mạnh nhất về bão có nhận định tăng hơn so với trước đây. 

Cụ thể đến chiều 6/9, bão số 3 có thể đạt cường độ mạnh nhất giật cấp 15-16, vị trí ở phía Đông đảo Hải Nam, Trung Quốc.

Sau đấy do ma sát, tiếp xúc với đảo Hải Nam (Trung Quốc), bão số 3 sẽ suy yếu khi vào Vịnh Bắc Bộ. 

"Khi bão số 3 vào Vịnh Bắc Bộ, chúng tôi nhận định bão sẽ tăng cấp. Khả năng 70-80% bão Yagi sẽ đi vào Vịnh Bắc Bộ nhưng vẫn có khoảng 20-30% khả năng bão vào bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc)", ông Lâm nói.

Vì sao bão Yagi liên tục tăng cấp? - 1

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Ảnh: Mạnh Quân).

Lý giải về nguyên nhân bão Yagi liên tục tăng cấp trong 24 giờ qua, ông Lâm cho rằng hiện nay nhiệt độ ở Bắc Biển Đông đang rất cao (31 độ C), duy trì nhiều ngày và từ lâu chưa có bão trên biển Đông nên năng lượng biển cũng như độ ẩm đều thuận lợi để bão phát triển. 

Bên cạnh đó, các điều kiện về hoàn lưu khí quyển, khí áp, dòng dẫn cũng đều rất thuận lợi để bão tăng cấp và sẽ còn tăng cấp trong thời gian tới. 

"Trong vòng 24-48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục tăng cấp, cường độ cực đại của bão sẽ rơi vào chiều 6/9, trước khi vào đảo Hải Nam, Trung Quốc", ông Lâm nói và nhận định, thời tiết oi nắng hiện nay ở Bắc Bộ có thể xuất hiện dông lốc trước bão.

Cụ thể, vào chiều 6/9, khi bão còn cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 400-500km, khu vực Bắc Bộ trong đó có TP Hà Nội có thể xuất hiện mưa dông do thời tiết nóng ẩm.

Đối với thời điểm bão đổ bộ đất liền, ông Lâm cho rằng, do hoàn lưu bão rộng nên trước khi tâm bão vào bờ đã gây mưa to, gió mạnh.

Theo dự báo hiện nay, đêm 6/9, bão số 3 sẽ vào Vịnh Bắc Bộ và từ rạng sáng đến trưa 7/9, khu vực ven biển từ Quảng Ninh đến Ninh Bình có gió mạnh, mưa tăng rõ rệt.

Đêm ngày 7 và sáng 8/9 là cao điểm của mưa to và gió mạnh trong đất liền.

Vì sao bão Yagi liên tục tăng cấp? - 2

Nhân viên Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia theo dõi diễn biến của bão Yagi (Ảnh: Mạnh Quân).

Nếu xét về diện rộng bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp toàn bộ khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ còn trọng tâm là các tỉnh Quảng Ninh đến Ninh Bình.

Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định bão số 3 sẽ trở thành "siêu bão", đạt cấp 16 trên khu vực biển Đông, khi ở phía Đông đảo Hải Nam, Trung Quốc.

Khi vào Vịnh Bắc Bộ, bão Yagi có thể không còn là "siêu bão". 

Đối với Vịnh Bắc Bộ, ông Lâm đưa ra cảnh báo từ ngày 5/9 gió sẽ mạnh dần lên và sau đó có thể đạt cường độ cực đại trên khu vực Tây Bắc của Bắc Biển Đông ở cấp 15-16 và giật cấp 17. 

Đối với khu vực Bắc Biển Đông, hiện sóng cao 5-7m, đến ngày 6/9, sóng biển có thể cao 10-12m.

Thông tin về mưa trước trong và sau bão, ông Lâm cho biết sẽ có trong bản tin khẩn cấp về bão Yagi bắt đầu phát từ chiều 5/9. 

Do bão khi vào đất liền di chuyển nhanh nên mưa, gió cũng sẽ đi qua nhanh và lượng mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn có nguy cơ gây ngập lụt, sạt lở cao cho khu vực Bắc Bộ từ ngày 6 đến 8/9. 

Ông Lâm đánh giá, bão Yagi là cơn bão có cường độ mạnh trong 10 năm qua.

Do đó các tàu thuyền trên biển cần sớm vào nơi tránh, trú bão an toàn. Người dân cần chủ động chằng chống nhà cửa để phòng, chống bão.

Dòng sự kiện: Cơn bão Yagi