Vì sao ban ngày cũng nên bật đèn xe máy?
(Dân trí) - “Chúng ta không thể biết được lúc nào xảy ra tai nạn giao thông nên không thể nói rằng lúc nào thấy nguy hiểm thì mới bật đèn, hay khi nào thấy nguy hiểm thì mới đội mũ bảo hiểm. Bật đèn xe sẽ nâng cao được khả năng nhận biết và khả năng phòng vệ cho chính bản thân mình khi tham gia giao thông”.
Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia - chia sẻ quan điểm với PV Dân trí khi trao đổi xung quanh việc sẽ xúc tiến giải pháp bật đèn xe máy ban ngày khi tham gia giao thông.
Phóng viên: Thưa ông, tuy mới chỉ là nêu ra việc tiến tới áp dụng quy định bật đèn xe máy ban ngày khi tham gia giao thông, nhưng ý kiến này đang thu hút sự quan tâm của nhiều người. Xin ông cho biết, ưu điểm của giải pháp này là gì và tại sao lại xúc tiến áp dụng?
Ông Khuất Việt Hùng: Ưu điểm là dễ thực hiện, công nghệ đơn giản, chi phí không đáng kể và giúp giảm đáng kể số vụ tai nạn giao thông.
Một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tai nạn giao thông giữa ô tô và xe máy là khả năng người lái ô tô nhận biết về xe máy, hay giữa xe máy với xe máy nhiều khi cũng khó nhận biết. Có nhiều nghiên cứu về giải pháp giảm tai nạn giao thông, nhưng đây là giải pháp dễ áp dụng và không tốn kém.
Được biết trên thế giới đã có nhiều nước bắt buộc người tham gia giao thông phải bật đèn xe phía trước vào ban ngày, ông đã ghi nhận được những kết quả cụ thể nào từ giải pháp này?
Nhiều nước trên thế giới quy định bắt buộc xe cơ giới đường bộ (bao gồm mô tô, xe máy) phải có đèn chiếu sáng ban ngày (Daytime Running Light) để nâng cao khả năng nhận biết cho phương tiện khi tham gia giao thông.
Ở châu Âu, ngoại trừ nước Anh thì toàn châu Âu đang áp dụng việc bật đèn xe ban ngày để tham gia giao thông, giải pháp này cũng được áp dụng đối với toàn bộ khu vực Bắc Mỹ. Ở châu Á, Nhật Bản đã áp dụng từ rất lâu, Đài Loan cũng đã thực hiện quy định này, Ấn Độ sẽ bắt đầu áp dụng từ tháng 4/2016. Tại Đông Nam Á, chỉ có 3 nước là Việt Nam, Campuchia và Myanma chưa quy định, các nước còn lại đều đã áp dụng quy định bật đèn xe ban ngày khi tham gia giao thông.
Kết quả đánh giá tại các nước đã áp dụng cho thấy, ở Nhật Bản đã giảm được 40% số vụ tai nạn giao thông, Malaysia giảm được 29%, nhiều nước giảm từ 10 - 30% số vụ tai nạn giao thông.
Nhưng nhiều người đặt vấn đề rằng ban ngày trời sáng thì bật đèn xe để tham gia giao thông là không phù hợp?
Trong 1.000km đường chúng ta đi thì xác xuất rơi vào tình huống không nhận biết hoặc kém nhận biết là rất thấp. Cũng giống như cái mũ bảo hiểm, mũ này chỉ có tác dụng khi xảy ra tình huống người tham gia giao thông bị ngã xe và đập đầu xuống đường, còn những trường hợp lưu thông bình thường thì cái mũ bảo hiểm không có tác dụng.
Thực tế, ở các quốc gia đang áp dụng quy định bật đèn xe ban ngày họ coi đó là giải pháp để phòng vệ nhằm nâng cao khả năng nhận biết cho các phương tiện khác đối với xe máy chứ không phải là giải pháp để chống ngay. Giải pháp này có tác dụng lớn khi các phương tiện tham gia giao thông tại các nút giao, đặc biệt giữa ô tô và xe máy thì đèn này giúp tăng khả năng nhận biết và giảm nguy cơ tai nạn giao thông.
Chúng ta không thể biết được lúc nào xảy ra tai nạn giao thông nên không thể nói rằng lúc nào thấy nguy hiểm thì mới bật đèn, hay khi nào thấy nguy hiểm thì mới đội mũ bảo hiểm. Nếu ngay từ điểm xuất phát chúng ta coi đây là giải pháp phòng vệ thì sẽ nâng cao được khả năng nhận biết, nâng cao được khả năng phòng vệ cho chính bản thân mình khi tham gia giao thông.
Mùa hè nắng như đổ lửa ở Việt Nam vốn đã khiến người tham gia giao thông bằng xe máy khó chịu, nhưng khi đi ra đường lại thêm đèn xe làm tăng nhiệt, thậm chí bị đèn chiếu vào mặt thì sẽ rất ức chế. Ông có nghĩ như vậy?
Người ta chỉ ức chế khi bị đèn xe chiếu thẳng vào mặt, còn ở đây đèn phía trước xe máy chỉ chiếu gần đủ để nhận biết có phương tiện. Các nước nóng hơn Việt Nam rất nhiều nhưng họ vẫn áp dụng và đã thấy rõ hiệu quả. Tăng nhiệt độ và tăng tiêu hao nhiên liệu không phải vấn đề trong giải pháp này, đặc biệt với công nghệ đèn led hiện nay thì công suất đèn chỉ từ 4-6W nên nhiệt độ này rất thấp.
Các nhà sản xuất xe máy nói gì về giải pháp này? Nếu giải pháp này khả thi, chúng ta có áp dụng thí điểm hay triển khai đồng loạt không thưa ông?
Họ nói rằng muốn có lộ trình phù hợp và nếu có quy định thì họ sẽ tuân thủ.
Chúng ta sẽ tiếp thu kinh nghiệm và hiệu quả của giải pháp ở các nước đã áp dụng nên không nhất thiết phải thí điểm. Dự kiến chúng ta sẽ học hỏi kinh nghiệm của những nước có điều kiện giao thông tương đồng như Ấn Độ, Thái Lan, nhưng cũng phải căn cứ vào quy định của pháp luật để thực hiện cho phù hợp.
Theo ông sẽ có khó khăn gì trong việc thực hiện giải pháp này, đã có dự tính nào về chi phí chưa?
Khó khăn lớn nhất là nhận thức của người dân về việc sử dụng đèn xe. Chúng ta cũng cần thống nhất xây dựng lộ trình chuyển đổi cho phương tiện nhằm hướng dẫn việc đấu nối đèn xe tự động theo phương án của nhà sản xuất xe, để khi mở khóa là đồng thời đèn sẽ sáng (giống như xe space).
Chủ phương tiện sẽ không phải mua sắm thiết bị gì cả vì thiết bị ở đây chỉ là sợi dây để đấu nối nhằm kích hoạt đèn tự động, sẽ chỉ mất 20.000 -30.000 đồng cho cơ sở sửa chữa xe để thuê họ đấu nối.
Ông tin chắc khi áp dụng giải pháp bật đèn xe ban ngày khi tham gia giao thông thì tai nạn sẽ giảm?
Từ hiệu quả mà các nước đã thực hiện và tính khả thi của giải pháp, tôi tin chắc chắn tai nạn giao thông sẽ giảm nếu Việt Nam áp dụng.
Trong lộ trình hài hòa các tiêu chuẩn của ASEAN, năm 2016 bắt đầu áp dụng 19 tiêu chuẩn về đảm bảo an toàn giao thông trong đó có giải pháp bật đèn xe máy ban ngày, giai đoạn sau đó sẽ áp dụng 32 tiêu chuẩn. Việt Nam là thành viên của ASEAN thì việc thực hiện lộ trình hài hòa này là đương nhiên, chỉ có điều là áp dụng sớm hay muộn, và để có thể áp dụng thì chúng ta phải thúc đẩy hoạt động này.
Thúc đẩy bằng cách nào thưa ông?
Hiện nay Việt Nam có 42,5 triệu xe máy nhưng chưa có quy định về niên hạn, cũng chưa có quy định phải bật đèn xe máy phía trước khi tham gia giao thông, vì vậy việc đầu tiên phải tuyên truyền phổ biến cho người dân về lợi ích của giải pháp an toàn giao thông này. Năm 2016, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia sẽ có kế hoạch tuyên truyền để người dân nhận thức được (giống như quy định đội mũ bảo hiểm trước kia), sau đó sẽ đề xuất các Bộ, ngành nghiên cứu sớm.
Xin cảm ơn ông!
Châu Như Quỳnh (thực hiện)