Vi phạm tại các công trình thủy lợi là vấn đề gây bức xúc

(Dân trí) - Để xảy ra sự cố tại thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh) là do quản lý bất cẩn. Khi xảy ra sự cố, người quản lý không có mặt tại hiện trường và cũng không có ai mở cống. Khi người quản lý quay về thì toàn bộ đường dây điện đã bị hỏng…

Nhiều vấn đề bất cập

Hiện nay, cả nước có gần 6.650 hồ chứa thuỷ lợi với tổng dung tích trữ khoảng 11 tỷ m3, trong đó 560 hồ chứa lớn có dung tích trữ trên 3 triệu m3, 1.752 hồ có dung tích trữ từ 0,2 đến 3 triệu m3; còn lại là 4.336 hồ có dung tích nhỏ hơn 0,2 triệu m3.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, chương trình đảm bảo an toàn hồ chứa đã đạt nhiều kết quả khích lệ. Đến nay, các hồ có dung tích lớn hơn 100 triệu m3 đã được sửa chữa, nâng cấp ở mức bảo đảm an toàn cao, các hồ chứa có dung tích hơn 10 triệu m3 và một số hồ có dung tích từ 3 triệu m3 nước trở lên bị xuống cấp cơ bản đã được sửa chữa, bảo đảm an toàn.

Thực tế cho thấy có tới hơn 96% các hồ chứa ở Việt Nam có dung tích dưới 3 triệu m3 nhưng số lượng hồ chứa này được sửa chữa lại không nhiều. Số hồ có dung tích dưới 1 triệu m3 cần sửa chữa nâng cấp còn lại rất lớn, ước tính khoảng 1.150 hồ chứa bị hư hỏng xuống cấp và thiếu khả năng xả lũ cần phải sửa chữa, nâng cấp đảm bảo an toàn.

Hồ chứa nhỏ nhưng nguy cơ mất an toàn cao
Hồ chứa nhỏ nhưng nguy cơ mất an toàn cao

“Phần lớn các hồ này đều được đầu tư xây dựng từ những năm 1960-1970 nên thiếu tài liệu thiết kế, chất lượng thi công không tốt, công tác duy tu, bảo dưỡng không được quan tâm thích đáng nên các công trình bị xuống cấp nghiêm trọng”, đại diện từ Công ty Tư vấn Xây dựng Thủy lợi Việt Nam (HEC 1) khẳng định tại Hội thảo “Đảm bảo an toàn hồ đập-thực trạng, thách thức và giải pháp” do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 10/7 tại Hà Nội.

Theo vị đại diện này, tình trạng mất an toàn đập phổ biến thường là đập không đủ cao độ chống lũ theo tiêu chuẩn của Bộ NN&PTNT và tiêu chuẩn hiện hành; công trình đầu mối xuống cấp. Điều này là do hầu hết các công trình này thiếu hệ thống quan trắc, tài liệu quản lý vận hành, tràn không cửa hoặc có cửa nhưng hệ thống đóng mở lạc hậu, đường quản lý không có hoặc quy mô không đáp ứng được yêu cầu cho công tác quản lý vận hành.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng chủ trì hội thảo
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng chủ trì hội thảo về an toàn đập

Bên cạnh đó, việc nắm bắt thông tin trong mùa mưa bão của các địa phương còn hạn chế do số lượng hồ quá lớn, hầu hết do các xã hoặc hợp tác xã quản lý và giao cho một vài cá nhân trông coi nhưng không có kiểm soát. Vì vậy, việc triển khai các phương án ứng cứu công trình khi xảy ra sự cố thường chậm trễ, nếu có sự cố sẽ gây tác hại không nhỏ cho các khu vực gần khu dân cư và các khu canh tác nông nghiệp.

Đối với các hồ chứa xuống cấp nghiêm trọng, trong mùa mưa lũ 2011 và 2012 một số đập đã bị vỡ hoặc nước tràn qua ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, và Tuyên Quang.

Về hồ thủy điện, hiện cả nước có 75 hồ thủy điện lớn có dung tích dưới 500 triệu m3, trong đó có 18 hồ có dung tích dưới 10 triệu m3. Tuy nhiên các hồ do các công ty cổ phần và tư nhân làm chủ đầu tư thường có nguy cơ mất an toàn cao hơn do họ tiết kiệm trong quá trình xây dựng, dẫn đến những sự cố đáng tiếc như tại thủy điện Hố Hô, Sông Tranh 2.

“Để xảy ra sự cố tại thủy điện Hố Hô vừa qua là do quản lý bất cẩn. Khi xảy ra sự cố người quản lý không có mặt tại hiện trường, không có ai mở hố. Khi người quản lý quay về thì toàn hộ đường dây điện đã bị hỏng,” GS. TSKH Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển Nguồn nước Việt Nam cho biết.

Quản lý kém…

Tỉnh Nghệ An, địa phương thường xuyên chịu hậu quả nặng nề của thiên tai, lũ lụt. Hiện trên toàn tỉnh có trên 625 hồ chứa. Phần lớn các hồ đã sử dụng từ 30 - 40 năm, một số hồ đã sử dụng trên 50 năm. Phần lớn các hồ ở Nghệ An có nhiều nguy cơ mất an toàn đập.

Ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An cho biết, trong tổng số 59 hồ chứa do Công ty TNHH Thủy lợi quản lý chỉ có 2 hồ là Vực Mấu và Sông Sào tràn xả sâu đã có quy trình.

Rất ít hồ chứa có quy trình quản lý lũ
Rất ít hồ chứa có quy trình quản lý lũ

Trong khi đó còn rất nhiều tồn tại như việc duy tu sửa chữa không được thực hiện thường xuyên, công trình bị xuống cấp, rò nước, tổn thất nước lớn; nhiều địa phương không có hồ sơ công trình, tài liệu thiết kế ban đầu, coi nhẹ công tác quản lý hồ đập; người quản lý ở địa phường không có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chưa qua các lớp đào tạo…

Cũng theo ông Đệ, hiện nay chưa có hồ đập nào cắm mốc đường viền lòng hồ, vi phạm chỉ giới công trình, nên việc xâm canh, xâm cư, lấn chiếm lòng hồ, hành lang an toàn đập, xây dựng công trình ảnh hưởng đến việc thoát lũ khá phổ biến.

“Trong khi lĩnh vực an toàn giao thông có cảnh sát giao thông đứng ra xử lý vi phạm, vi phạm trong lĩnh vực xây dựng cũng có cơ quan xử lý thì công tác xử lý vi phạm lấn chiếm các công trình thủy lợi là vấn đề bức xúc hiện nay”, ông nói thêm.

Để cải thiện tình hình trên, bà Keiko Sato, Giám đốc phụ trách Danh mục Đầu tư - Ngân hàng Thế giới cho rằng nhiệm vụ cấp bạch hiện nay là phải hiểu về an toàn hồ đập, quản lý hiểm hoạ thiên tai. Hơn nữa, cần đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan.

“Việt Nam cần chú trọng công tác quản lý đê hạ lưu, công tác điều hành hồ đập để triển khai việc sử dụng nước phục vụ thuỷ điện và tưới tiêu; áp dụng hệ thống công nghệ vận hành hiện đại, quản lý nguồn nước tổng hợp phục vụ tưới tiêu và thuỷ điện trong tương lai với chất lượng cao, bà Keiko Sato khuyến nghị.

Thảo Nguyên