1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Vi phạm hàng loạt dẫn tới sập sàn công trình đường sắt Cát Linh - Hà Đông

(Dân trí) - Không kiểm tra đầy đủ điều kiện ổn định của hệ thống đà giáo, thi công không hợp lý, đổ bê tông lệch một phía… Đặc biệt, đơn vị thi công đã không phong tỏa giao thông khi tiến hành đổ bê tông nên đã gây tai nạn cho 1 xe taxi.

Đó là khẳng định của Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông khi kiểm tra hiện trường xảy ra sự cố tại Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội).

Tại thời điểm kiểm tra cho thấy, kết cấu xà mũ trụ gồm 135 m3 bê tông; 43,5T thép các loại, nhà thầu đã đổ được khoảng 70/135m3 bê tông và đổ lệch về phía bị sụt đổ (cánh hẫng bên phải tuyến hướng Hà Nội - Hà Đông). Chân đà giáo, móng phía dưới không bị lún, các tấm bê tông kê đà giáo không có hiện tượng hư hỏng. Kết cấu đà giáo dùng cho xà mũ trụ H7, nhà thầu đã thi công hoàn chỉnh 3 xà mũ trụ tương tự trước, đến trụ thứ tư thì xảy ra sự cố.

Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông cho biết, Tổng thầu là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc (EPC), tư vấn giám sát, nhà thầu phụ không thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Bộ GTVT, không kiểm tra đầy đủ điều kiện ổn định của hệ thống đà giáo, thi công không hợp lý, đổ bê tông lệch một phía, mặt bằng thi công không gọn gàng, sắt thép để ngổn ngang… Đặc biệt, đơn vị thi công đã không phong tỏa giao thông khi tiến hành đổ bê tông nên đã gây tai nạn cho 1 xe taxi.

Hiện trường sự cố tại Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sau 2 ngày xảy ra (ảnh: Hữu Nghị)

Hiện trường sự cố tại Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sau 2 ngày xảy ra (ảnh: Hữu Nghị)

Theo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, nguyên nhân xảy ra sự cố theo đánh giá của Cục Quản lý là do đà giáo thi công không chịu được tải trọng của khối bê tông và nhà thầu đã thi công đổ bê tông lệch về một phía, đà giáo bị biến dạng làm sụt đổ phần bê tông chưa ninh kết, bê tông sụt rơi xuống đường.

Về trách nhiệm quản lý của mình, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông cho biết đã tham mưu cho Bộ GTVT trong công tác quản lý nhà nước 6 văn bản trong khoảng thời gian hơn 2 tháng kể từ khi nhận bàn giao từ Cục đường sắt Việt Nam về Bộ, 6 văn bản này chủ yếu yêu cầu về công tác an toàn lao động, an toàn giao thông, chất lượng công trình thực hiện đầy đủ việc hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các chủ thể tham gia dự án. Cục này cũng giải thích việc không thể thường xuyên liên tục đứng ngoài hiện trường để chỉ đạo thi công thay Ban Quản lý dự án, Tư vấn giám sát, Nhà thầu thi công vì hiện nay Cục đang rất thiếu cán bộ chuyên ngành về đường sắt.

Sau sự cố, việc xử lý trách nhiệm được kiến nghị lên Bộ GTVT, áp dụng đối với Tổng thầu EPC là phải chịu trách nhiệm chính khi để xảy ra sự cố nêu trên và chịu toàn bộ chi phí để khắc phục sự cố, Tổng thầu EPC thuê nhà thầu phụ để thi công các hạng mục công trình, trong quá trình triển khai dự án đã xảy ra nhiều sự cố.

“Kiến nghị Bộ GTVT xem xét lại hợp đồng với EPC và có Công hàm gửi Đại sứ quán Trung Quốc để có biện pháp chấn chỉnh. Rà soát lại toàn bộ năng lực, kinh nghiệm… các nhà thầu phụ thi công dự án, kịp thời chấn chỉnh để không xảy ra tình trạng tương tự” - Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông kiến nghị.

Đối với Ban Quản lý dự án Đường sắt, các cá nhân trực tiếp phụ trách hạng mục cần có bản tường trình, làm rõ trách nhiệm. Ban Quản lý dự án Đường sắt chỉ đạo tư vấn giám sát, nhà thầu phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định.

Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông cũng xin chịu trách nhiệm trước Bộ GTVT về quản lý nhà nước khi để xảy ra sự cố công trình, tập thể, cá nhân kiểm điểm và chịu hình thức kỷ luật theo quy định. Ngoài ra, Cục này cũng kiến nghị các hình thức xử lý đối với nhà thầu, tư vấn giám sát và các cá nhân có liên quan.

Châu Như Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm