Vị Đại sứ ăn Tết Việt Nam thương những người Việt "kẹt" ở nước ngoài

Thái Anh

(Dân trí) - Đại sứ Palestine Saadi Salama bày tỏ, Tết không chỉ là những thứ xem được, ăn được mà sự gắn kết, đoàn tụ dịp Tết rất đặc biệt. Đón Tết tại Việt Nam, ông "thương những người Việt ở nước ngoài".

Tết Tân Sửu 2021 là năm thứ 19 Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama ăn tết tại Việt Nam. Trong câu chuyện ngày xuân, chia sẻ những cảm nhận về Tết Việt, Đại sứ cho biết, ông vừa sửa sang nội thất tại nhà riêng trên con phố yên tĩnh gần hồ Hoàn Kiếm, đã kịp sắm cành đào trưng ở phòng khách, rồi cũng bận bịu tặng quà và đón quà Tết của bạn bè.

Tết với ông cũng nhất thiết phải có quất có đào, có chậu phong lan, có ấm trà, chút hạt bí, mứt sen để tiếp khách. "Chàng rể" của Hà Nội còn chu đáo bổ sung thêm quả chà là và món bánh truyền thống của Palestine.

Vị Đại sứ ăn Tết Việt Nam thương những người Việt kẹt ở nước ngoài - 1
Đại sứ Saadi Salama chia sẻ hình ảnh ông đi chợ Tết chọn mua đào.

"Mùi" của Tết thay đổi nhiều lắm

Đại sứ Saadi Salama cho biết, kể từ lần đón Tết đầu tiên tại Việt Nam năm 1981, trừ những nhiệm kỳ công tác tại các quốc gia khác thì chưa bao giờ ông không "ăn tết" Việt.

"Đây là dịp để vui cùng các bạn Việt Nam. Tôi tặng quà bạn bè và cũng đón nhận quà tết của bạn bè. Đây cũng là dịp được thưởng thức một bầu không khí rất… khác thường, sự khác thường đẹp đẽ" - Đại sứ Salama nói.

Ông còn nhớ những cái Tết thời bao cấp, nghe tiếng pháo khắp nơi và mùi thuốc pháo len vào mũi là thấy bầu không khí Tết bắt đầu lan ra khắp Hà Nội. Chiều 30 Tết hoặc sáng sớm mùng 1, cả Hà Nội nghe nhữngbài hát từ băng cát-sét. Trong ký ức của Đại sứ Salama tràn ngập những ấn tượng về Tết xưa, thời mà ai cũng mua thiệp chúc tết, gia đình nào cũng luộc bánh chưng, thức trông bánh qua đêm, các ông các bà đi chúc tết bằng xích lô, mặc áo dài rất đẹp.

Ông so sánh, giờ Tết không còn pháo nữa, người dân cũng không chỉ nghe bài hát, mà ngồi ở nhà có thể xem cả nước đón tết.

Đại sứ chia sẻ: "Tết không chỉ là những bữa cơm tất niên những món ăn đặc trưng, mà Tết còn là bầu không khí, là đi dạo quanh Bờ Hồ xem người Hà Nội trang trí thành phố thế nào, xem người bán đào trên phố, xem những người đi xe máy mà có thể mang theo những cành đào rất to hoặc những người chở hàng hóa tết. Vì thế, tôi rất thương những người Việt Nam sống ở nước ngoài, chỉ nhìn được Tết, nhưng không ngửi được mùi vị Tết".

"Để nói về mùi Tết sau này so với trước thì thay đổi nhiều lắm, khi không còn pháo nữa, nhưng tất nhiên phải chấp nhận. Ngày nay, ít ai muốn dành tận 12 tiếng để luộc bánh chưng như ngày xưa. Alô là có liền. Nhưng khi chúng ta tự luộc bánh chưng và tự nấu cỗ thì Tết có ý nghĩa khác, là chuyển cho thế hệ mai sau truyền thống. Mọi người chỉ nghĩ là bánh chưng giờ không ai ăn nhiều nữa thì không cần phải bỏ quá nhiều công, nhưng cái mất đi là giá trị ngày Tết cổ truyền của Việt Nam".

Giữ Tết giúp thế giới biết tới Việt Nam nhiều hơn!

Điều ít thay đổi nhất, ở Tết Việt, theo nhận xét của vị Đại sứ luôn tự nhận mình là người Hà Nội, chính là sự gắn kết, đoàn tụ của các gia đình Việt.

Hà Nội có gần 8 triệu dân nhưng những ngày Tết vơi đi hơn một nửa, vì người ở các tỉnh đều đổ về quê ăn Tết với gia đình. Các gia đình Việt Nam luôn giữ nếp sống kính trọng người cao tuổi nên gia đình thường có nhiều thế hệ. Đó là cơ sở vững chắc để xây dựng xã hội Việt Nam. Gia đình có vai trò rất lớn trong  việc xây dựng một xã hội kỷ cương, nếp sống văn minh. Nếu gia đình tan nát thì chưa chắc xã hội đã vững chắc.

Đại sứ Palestine nhấn mạnh, để bảo vệ gia đình thì phải bảo vệ truyền thống, phải bảo vệ những phong tục tâp quán tốt đẹp, bảo vệ những giá trị văn hóa mà các thế hệ trước đã để lại, trong đó có giá trị của Tết Đoàn viên, Tết gắn kết.

Vị Đại sứ ăn Tết Việt Nam thương những người Việt kẹt ở nước ngoài - 2
Đại sứ Palestine tại Việt Nam tham gia mọi hoạt động vui xuân, đón Tết với cộng đồng người Việt.

Chính vì thế, Đại sứ Plestine tại Việt Nam nêu quan điểm không đồng tình với ý kiến cho rằng Việt Nam nên gộp luôn Tết Nguyên đán với Tết Dương lịch để hạn chế sự ảnh hưởng về kinh tế, khi mà có thể sản xuất và giao thương bị gián đoạn.

"Với sự phát triển của khoa học công nghệ thì nghỉ Tết cũng không ảnh hưởng đến phát triển kinh tế lắm, nên không cần thiết phải gộp, nên giữ Tết cổ truyền để có những trải nghiệm riêng, đó cũng giữ cho sự đa dạng của văn hóa thế giới, cũng giúp cho thế giới biết đến Việt Nam nhiều hơn. Kinh tế là rất quan trọng nhưng giá trị văn hóa của người Việt Nam cũng rất quan trọng. Văn kiện Đại hội đảng XIII của Việt Nam có nói, phát triển văn hóa phải đi cùng với sự phát triển kinh tế" - ông Saadi Salama bày tỏ.

Vị Đại sứ có sự gắn bó đặc biệt với mảnh đất hình chữ S cũng chia sẻ về một ấn tượng ông thích ở Tết Việt là cảm nhận về sự vị tha của người Việt dành cho nhau mỗi dịp Tết đến xuân về. Ai có xích mích thì cho qua, ai có điều kiện hơn về kinh tế thì chia sẻ với người khó khăn hơn để mọi người, mọi nhà đều được vui hơn trong dịp năm mới.

Ông nhận xét, đặc điểm này là nét tương đồng giữa Tết Việt Nam và Tết của Palestin.

"Tết ở quê hương tôi là dịp để mọi người làm từ thiện nhiều hơn. Người ta cũng dành thời gian đi thăm và chúc tụng nhau, cũng mừng tuổi nhưng không mừng tuổi đàn ông từ 18 trở lên, chỉ mừng tuổi trẻ em và phụ nữ. Đặc biệt, Tết là dịp để tất cả thành viên trong gia đình đều có mặt ở nhà, đi thăm hỏi họ hàng và bà con làng xóm" - Đại sứ chia sẻ.