1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Venice thu nhỏ” giữa lòng Cố Đô

(Dân trí) - Trận mưa lớn thứ 2 trong mùa lũ đã khiến hơn 70% tuyến đường TP Huế ngập ứ cục bộ. Ở những tuyến đường thấp, nước đã ùa vào nhà, khiến cuộc sống người dân bị xáo trộn nghiêm trọng.

TP Huế chìm trong biển nước
 
Trận mưa bất thường từ khoảng 2h đến 10h sáng 25/10 đã khiến nhiều tuyến phố ngập sâu trong nước. Đặc biệt, những tuyến trũng như “phố Tây” Phạm Ngũ Lão, Trần Quang Khải, Hùng Vương, Bến Nghé… nước dâng tới 0,8-1m, làm giao thông tê liệt gần như hoàn toàn.
 
Các loại ô-tô gầm thấp “chào thua”, xe máy cũng chỉ trở thành “gánh nặng” cho người tham gia giao thông vì chết máy liên tục, phải dắt bộ về nhà. 8h sáng, “đỉnh lũ” khiến xe cộ trên các đường phố chính như Hà Nội, Đống Đa, Hùng Vương kẹt kéo dài tới gần 1 km. Trong tình cảnh ngập nặng, phương tiện đi lại hữu hiệu nhất trên phố là... thuyền và lội bộ.
 
“Venice thu nhỏ” giữa lòng Cố Đô - 1

Chèo thuyền giữa phố, chuyện thường ngày trong mùa mưa ở Huế
 
Các hộ nhà dân xây nền thấp đều phải đứng nhìn nước ứ tràn vào nhà, có nơi nước cách nền nhà đến đầu gối, khiến người dân phải sơ tán đồ đạc, “bó gối” ngồi trên giường.
 
Nước ngập khiến bao nhiêu thứ rác rưởi từ cống “chui” lên, nổi lềnh phềnh trên mặt phố, nước bốc mùi tanh tưởi, hôi thối và không ít người vừa lội nước vừa gãi sồn sột.
 
“Venice thu nhỏ” giữa lòng Cố Đô - 2

Nhóm bạn trẻ dắt xe đạp lội lụt giữa đường Hùng Vương

Ở các chợ xép, bánh mỳ, mỳ tôm, thực phẩm tươi sống bán chạy như tôm tươi. Các hàng cơm “bụi” trên phố Trần Quang Khải, Nguyễn Thái Học cũng “được thể” tăng giá gấp rưỡi, gấp đôi ngày thường.

Trong khi người dân địa phương dáo dác lo thu vén đồ đạc, đóng cửa hàng quán và tích lũy lương thực, thực phẩm, khách du lịch tỏ ra khá thích thú với những “con sông” giữa phố phường.

Theo ghi nhận của PV trước một số khách sạn, du khách nườm nượp lên… thuyền đi dạo phố với tâm trạng rất vui vẻ dù vẫn lùng bùng trong áo mưa.

Sinh viên, lao động nghèo “đón” lụt

Chị Loan (sinh viên năm 3 trường ĐH Sư phạm) quần xắn cao quá gối một quãng dài “bất tận”, một tay che ô, một tay lễ mễ bưng 2 thùng mỳ ăn liền cười méo xệch: “Nước lên nhanh chóng mặt, khoảng 6 giờ em đang ngủ trong nhà nghe tiếng sét đánh ỳ ầm nên tỉnh giấc, thấy nước đã vào lấp xấp dưới gầm giường”.

Chị Loan cho biết, đã 3 năm nay cứ mùa lũ đến là giá thực phẩm ở các chợ xép tăng đột biến, khiến sinh viên nghèo chi phí cho ăn uống hết sức chật vật. Sáng nay, thịt lợn, rau muống, cá… đều tăng bình quân 20-30%. Cũng như nhiều sinh viên ngoại tỉnh phải đi thuê trọ, “cứu cánh” cho mùa lũ của chị Loan là mỳ tôm, gạo dự trữ và cá khô, nước mắm.

Sinh viên thuê trọ ở các phố thấp sau khi cho đồ đạc lên giường, lên gác xép đều rầm rập kéo nhau ra chợ tranh mua, tranh bán. Khu chợ xép trên đường Trần Quang Khải cũng giải tán, ra “tạm trú” ngay giữa đường Nguyễn Thái Học.
 
“Venice thu nhỏ” giữa lòng Cố Đô - 3

Chợ tạm họp giữa lòng đường Nguyễn Thái Học

Trời mưa lũ, khiến anh Hòa (37 tuổi, làm nghề xe ôm ở ngã tư Bến Nghé - Đội Cung) phải “nghỉ phép” bất đắc dĩ. Do đường ngập không về được nhà, anh Hòa đành chọn một góc trong quán cà phê “cóc” trên đường Bến Nghé trú chân. “Về nhà ngập kiểu này, tiền thay nhớt, xịt bu-gi còn bằng 10 lần tiền cà phê, nên thôi thà ngồi hút thuốc, ngó người ta chạy lụt còn hơn”, anh Hòa tâm sự.

Có vẻ thảnh thơi là thế, nhưng bụng anh Hòa không thôi nhẩm tính: một ngày tạnh ráo ít nhất được 50-70 nghìn đồng, đủ để nuôi 3 “cái tàu há mồm”, còn mưa lũ thế này chỉ còn biết dựa vào xe mỳ dạo của bà xã.
 
“Venice thu nhỏ” giữa lòng Cố Đô - 4

Hai nữ sinh viên tranh thủ mua cá, giải thích "sẽ kho mặn, ăn dài ngày"

Trên những trục đường nhiều khách sạn, nhà nghỉ như Hùng Vương, Nguyễn Tri Phương, nhiều anh xích lô đội mưa lượn lui lượn lại nhằm tìm được vị khách Tây ưa ngắm nước lụt. Người không có khách thì mặt buồn xo, người có khách thì bặm môi nhấn từng vòng xe nặng nề trong “biển nước” ngập tới quá nửa bánh xe. Chẳng biết ai khổ hơn ai. Thấy PV cầm máy ảnh lên chụp, một bác xích lô não nề: “Báu bở gì mà chụp hả anh?”.

Ở những khu phố vốn ồn ào và tấp nập nhất nhì xứ Huế như Hùng Vương, Lê Lợi... người qua lại thưa thớt. Chỉ có những cô cậu sinh viên tất bật mua bán, những bác xích lô cố “vớt” nốt ít đồng mua gạo và vài đôi tình nhân mới yêu che chung ô, rúc rích cười giữa dòng nước ì oạp.

Một cơn mưa khiến nhịp sống Huế thay đổi nhiều, dù có vẻ như người Huế đã quá quen với nước ngập, lũ lụt. Và có vẻ như “với Huế, ngập lụt đã trở thành một nét văn hóa”, như lời nhận xét của một cô bạn “Huế 100%”.

Bài, ảnh: Nguyên Sa