Những ngày giáp Tết, về huyện lúa Yên Thành ngược đường tỉnh lộ Dinh Lạt lên xã miền núi Kim Thành, bắt gặp những chuyến xe hàng cuối năm chở đầy những cành đào Tết về xuôi. Thấp thoáng sau những xóm thôn trù phú là những khu vườn nhà rực rỡ hoa đào đầy những chồi non lộc biếc, khoe sắc dưới ánh nắng xuân. Ở các khu vườn tấp nập du khách thập phương tìm đường về đây để chiêm ngưỡng và cũng tự mình chọn được cành đào vừa ý để đặt bên bàn thờ tổ tiên trong mấy ngày Tết.
Phong trào trồng đào ở xã Kim Thành lâu nay tuy chưa phải là nghề truyền thống, nhưng hoa đào vùng này đã trở thành tâm điểm chú ý của mọi người khi Tết đến Xuân về, bởi cây Đào Kim Thành có một vẻ đẹp tự nhiên, không cầu kỳ , nhưng lại có thế gợi dáng cổ kính, khi mang vẻ thanh tâm.
Theo bà con cho biết đây là giống đào phai bản địa, trước đây thường mọc tự nhiên trong các khu rừng, thân cành dẫu dãi nắng dầm sương điểm rêu phong, nhưng vào dịp Tết vẫn khai hoa 5 cánh hồng mịn. Đặc biệt từ khi có chủ trương của Nhà nước về giao đất giao rừng đến từng hộ dân thì giống đào này được người dân chăm sóc bảo vệ và được nhân giống trồng trên các triền đồi hoặc đưa về trồng tại vườn nhà.
Xác định đây là loại cây có nhiều tiềm năng lợi thế, dễ trồng, ít phải đầu tư lại phù hợp với điều kiện khí hậu và đất đai địa phương, chỉ sau 2 năm đã cho hoa kết trái. Theo kinh nghiệm của bà con, để đào năm nào cũng ra nhiều hoa và nở đúng đúng vào dịp Tết thì trước hết phải nắm được đặc tính của cây đào, bởi đây là cây chịu hạn, nếu đem trồng ở những nơi rợp bóng, ít ánh nắng và đất ẩm thì lá sẽ xanh quanh năm, đến mùa rất ít hoa.
Chăm sóc vườn đào
Thế đào quê
Vì vậy đào phải trồng ở những nơi cao ráo, quang đãng, sau mỗi vụ thu hoạch chỉ cần bón bổ sung một lượng phân chuồng và NPK thì cây phát triển nhiều tán sum suê, mùa sau sẽ trổ hoa nhiều hơn và màu sắc đẹp. Thông thường thì đào ra hoa lác đác từ trung tuần tháng Chạp và nở rộ vào dịp Tết cho đến trung tuần tháng Giêng năm sau, song không phải năm nào cũng vậy, thực tế cho thấy nếu cuối năm thời tiết ấm dần thì đào sẽ nở sớm và nếu thời tiết lạnh kéo dài thì đào sẽ nở muộn.
Anh Nguyễn Văn Sơn, Kim Thành, Yên Thành cho biết, năm nay gia đình anh trồng được gần 600 gốc đào phai. Chính nhờ đúc rút được kinh nghiệm, nên chỉ cần nắm được diễn biến của thời tiết thì có thể điều chỉnh cho hoa đào nở theo ý muốn, dự kiến dịp Tết năm nay cũng cho thu nhập trên 20 triệu đồng.
Chăm sóc, tạo thế cho cây đào
Đào quê bắt đầu nở
Không riêng gia đình anh Sơn mà hiện nay gần 130 hộ dân ở xóm Đồng Bản, xã Kim Thành đều có kinh nghiệm trồng đào, nhà có điều kiện thì trồng hàng trăm gốc, nhà ít thì cũng có 10 -15 gốc.
Những ngày giáp Tết, cả làng rộn rịp người đến mua và chiêm ngưỡng vẻ đẹp đào quê, theo giá bán tại vườn chỉ 100 ngàn đồng là có một cành đào vừa ý, nhưng cũng có cây khách hàng trả giá lên đến tiền triệu. Nhờ vậy vào dịp cuối năm, nhà nào ở đây cũng có thu nhập từ bán hoa đào và có điều kiện làm cho mâm cỗ Tết đủ đầy hơn.
Ông Nguyễn Văn Đàn - Chủ tịch UBND xã Kim Thành cho biết hiện tại xã đã xây dựng nghị quyết chuyên đề trong việc phát triển kinh tế vườn đồi, trong đó chú trọng mũi đột phá về cây đào. Trước mắt xã đã cử cán bộ kỹ thuật đi học tập kinh nghiệm ở những vùng có truyền thống trồng đào, sau đó sẽ trở về truyền đạt hướng dẫn cho bà con cùng nhau nhân rộng mô hình. Đồng thời xác định đây là một trong những loại cây chủ lực, xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
Vẻ đẹp đào quê
Thái Dương