1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thanh Hóa:

Về nơi rốn lũ xem bà con ăn Tết

(Dân trí) - Dù cơn lũ lịch sử quét qua, nhiều bà con ở Mường Lát mất nhà cửa, tài sản thế nhưng những căn nhà mới khang trang, những cành mai, đào bung nở, tiếng khèn, tiếng khặp đã vang lên trên những bản làng ngày cận Tết đã khiến nơi này như hồi sinh. Tết thật sự đã về với bà con miền biên viễn này.

Tết ở vùng cao

Có mặt tại các bản vùng cao ngày 30 Tết. Khắp các bản làng đều rộn lên tiếng khèn, điệp  khúc “Người Mông ơn Đảng”. Hòa vào tiếng khèn, điệu xòe bên vò rượu ngô, rượu sắn là màu xanh áo lính, là tiếng cười nói, là lời chúc tụng năm mới hạnh phúc và bình an.

Đặc biệt đối với bà con người Mông người Thái ở các bản thuộc diện khu tái định cư, Tết này là tết đầu tiên, bà con dân bản được đón Tết trên nơi ở mới, nhà mới nên họ vô cùng phấn khởi.

Về nơi rốn lũ xem bà con ăn Tết - 1

Các bản làng hối hả gói bánh chưng.

Từ 27, 28 Tết, đồng bào nơi đây đã mổ lợn Tết. Những con lợn to béo nhất được lựa chọn để làm mâm cỗ cúng gia tiên. Khắp bản làng đâu đâu cũng rộn rã tiếng cười nói, tiếng dao thớt lanh canh, tiếng vang từ những bước chân vội vã trên mỗi nếp nhà sàn.

Khói từ những căn nhà sàn tỏa ra, khói từ những đụn rơm được đốt ngoài sàn, hương rượu nồng nàn lan tỏa, hòa quyện vào nhau trong không khí ngày xuân ấm áp rộn ràng.

Về nơi rốn lũ xem bà con ăn Tết - 2
Về nơi rốn lũ xem bà con ăn Tết - 3

Bà con dân bản tập trung nấu bánh chưng, hong xôi, làm bánh dì

 

Để chuẩn bị đón Tết, bàn thờ tổ tiên được dọn dẹp kỹ lưỡng. Trên bàn thờ bày biện bánh kẹo, rượu, thịt lợn, thịt gà để dâng cúng tổ tiên.

Bên bếp lửa hồng, khi nồi bánh chưng đang sôi rền, thơm mùi nếp mới, anh Lò Quốc Tính, xã Tam Chung vui mừng phấn khởi cho biết: “Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước sự giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ, Tết này cả bản mình không có nhà nào thiếu đói, những nhà bị lũ cuốn trôi nay đã được về nhà mới trên khu tái định cư rồi”.

Về nơi rốn lũ xem bà con ăn Tết - 4

Những cô gái xúng xính váy áo đẹp quây quần bên nồi bánh chưng trò chuyện.

Chúng tôi tiếp tục theo chân cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế Quốc phòng 5, từ thị trấn Mường Lát, dọc theo Sông Mã, men theo suối Sim, vượt qua gần 40km để hòa chung trong không khí đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi của bản Na Chừa, xã Mường Chanh.

Bản nằm lọt thỏm giữa sự che chắn của 4 dãy núi cao, gần 70 nếp nhà đang vang lên tiếng chày giã gạo để chuẩn bị cho nồi bánh chưng ngày Tết. Những năm trước kia, mỗi hộ dân ở cách nhau hàng cây số, nằm dọc hai bên bờ suối Sim. Lũ về, gần 70 hộ dân của Bản Na Chừa đã bị lũ cuốn trôi hoàn toàn nhà cửa.

Về nơi rốn lũ xem bà con ăn Tết - 5

Cô gái Thái hoàn thiện nốt tấm thổ cẩm dang dở.

Mùa Xuân Kỷ Hợi này, cả bản tập trung tại một khu dân cư. Những ngày này, ở đó,  tiếng nói cười của tình quân và dân miền biên giới đã xua đi những khó khăn, mất mát của  bà con. Tết về, người gánh gạo, người bắt gà, kẻ mổ lợn, phơi măng, hai ba hộ mổ chung một con lợn, quây quần bên chiếu gói bánh chưng, giò lụa…

Trong căn nhà còn thơm mùi gỗ mới, bà Vi Thị Cùng, bản Na Chừa, tay thoăn thoắt đơm từng suất cơm nếp đang còn nghi ngút khói chia sẻ: "Gia đình mình biết ơn bộ đội nhiều lắm. Cơn lũ quét qua nhà cửa mất hết, nhà mình được Nhà nước hỗ trợ 45 triệu đồng và được sự góp công của bộ đội nên năm nay gia đình được đón Tết trong ngôi nhà mới… Ăn Tết chung cùng bộ đội vui lắm. Bộ đội còn tổ chức cho 3 đến 5 hộ chung nhau một con lợn; tổ chức gói bánh chưng tặng các hộ nghèo, gói giò, tổ chức bữa cơm đoàn kết, vui văn nghệ. Tết này bản mình là vui nhất từ trước đến nay đấy…

Về nơi rốn lũ xem bà con ăn Tết - 6

Họ cùng nhau múa những điệu khặp để đón mùa xuân về.

Thượng tá Nguyễn Đình Tấn, Phó Chính ủy Đoàn Kinh tế Quốc phòng 5 Quân khu 4, cho biết: “Với phương châm không để người dân vùng lũ nào không có Tết. Bên cạnh công tác đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ biên giới, đơn vị còn phân công cán bộ, chiến sĩ xuống từng thôn, bản tham gia tổ chức các hoạt động văn hóa dân gian độc đáo và giàu bản sắc như thi gói bánh chưng, giã bánh dày hay các phần thi kéo co, ném còn, đẩy gậy...

Về nơi rốn lũ xem bà con ăn Tết - 7

Bà Cùng chia sẻ cùng PV.

Các hoạt động này đã góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết, gắn bó, thể hiện nét đẹp truyền thống tương thân, tương ái cũng như sức mạnh tập thể, sự chung sức đồng lòng giữa quân dân các dân tộc trên địa bàn. Đây cũng là dịp để người dân cùng cán bộ, chiến sĩ gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thắt chặt tình đoàn kết, giữ vững biên cương, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Bình Minh