1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh:

Về nơi “in dấu” chân Người

(Dân trí) - Trong ánh nắng chan hòa của những ngày tháng 5 lịch sử, chúng tôi về huyện Sơn Dương - nơi có những địa danh gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của ông Ké - Bác Hồ - Vị cha kính yêu của dân tộc.

Năm tháng qua đi, Sơn Dương hôm nay - "Quê hương cách mạng dựng nên Cộng Hòa” năm xưa, không ngừng “chuyển mình” đi lên.
 
Về nơi “in dấu” chân Người
Bác Hồ ở chiến khu (Ảnh tư liệu)
 
Theo con đường nhỏ, qua những cánh đồng lúa xanh bạt ngàn chúng tôi tìm đến gia đình bà Vi Thị Hồi, thôn làng Sảo, xã Hợp Thành (huyện Sơn Dương). Năm nay đã 85 tuổi nhưng khi chúng tôi hỏi những kỷ niệm về cụ Hồ, khuôn mặt bà bỗng rạng rỡ lạ thường, giọng kể sang sảng: Niềm vinh dự lớn nhất của gia đình tôi đó là được phục vụ Bác trong thời gian Người hoạt động ở đây năm 1947. Từ làng quê nghèo với hơn 80% số hộ đói, hôm nay làng Sảo không còn hộ đói. Ngày ấy chẳng có ai biết chữ, ngày nay lớp học xây ngay tại thôn... Chúng tôi biết ơn cụ Hồ nhiều lắm!

Đến xã Tân Trào những ngày này niềm vui của người dân nơi đây như được nhân lên khi Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt cho Di tích lịch sử Tân Trào. Theo Ban quản lý Khu du lịch lịch sử văn hóa và sinh thái Quốc gia đặc biệt Tân Trào, từ đầu năm đến nay khu du lịch đã đón 856 đoàn khách tham quan, với trên 165.000 lượt du khách. Đặc biệt, những ngày lễ như 30/4, 1/5, số lượng du khách thường tăng gấp 4 đến 5 lần/ngày.

Bà Nông Thị Mơ, dân tộc Tày, thôn Tân Lập, xã Tân Trào - người vinh dự được Bác Hồ tặng quà trong ngày cưới, năm nay đã bước sang tuổi 88, nhưng mỗi khi đến dịp kỷ niệm ngày sinh nhật Bác, bà lại cảm thấy xúc động bồi hồi. Bà Mơ nhớ lại: Những ngày tham gia Việt Minh ở căn cứ địa cách mạng Tân Trào, hình ảnh "ông Ké cách mạng" vẫn in sâu trong tâm trí tôi và những người dân nơi đây.
 
Ngoài thời gian làm việc, Bác Hồ dành sự quan tâm, thăm hỏi mọi người trong làng. Người còn cùng với bà con lao động, nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ, động viên phụ nữ hăng hái tăng gia sản xuất. Bữa cơm hàng ngày của Bác Hồ và các chiến sỹ đạm bạc nhưng luôn vui vẻ, lạc quan. Có lần thấy tôi và các chị em khác giã gạo, nấu cơm, Bác Hồ ân cần bảo "Các cô nấu cơm cho bộ đội cũng là đánh giặc đó".

Đồng chí Trần Khắc Viện, Bí thư Đảng uỷ xã Tân Trào tự hào cho biết: Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, những năm qua Tân Trào không ngừng vươn lên thi đua lao động sản xuất phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng. Toàn xã hiện có trên 1.000 hộ, với hơn 4.000 nhân khẩu, gồm 5 dân tộc anh em Tày, Nùng, Dao, Cao Lan, Kinh cùng chung sống. Là trung tâm Thủ đô khu giải phóng, Thủ đô kháng chiến, trên địa bàn xã Tân Trào có 47 di tích lịch sử văn hóa.
 
Nhiều điểm di tích gắn liền với những năm tháng hoạt động cách mạng của Đảng, Bác Hồ như lán Nà Lừa, đình Hồng Thái, đình Tân Trào, cây đa Tân Trào, lán Hang Bòng... Cùng với những mái nhà sàn truyền thống và tấm lòng mến khách, mỗi năm Tân Trào thu hút hàng trăm ngàn lượt du khách trong nước và quốc tế đến tham quan. Đặc biệt, Tân Trào đã nhận được sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương, các đơn vị doanh nghiệp, đầu tư xây dựng, tôn tạo các điểm di tích lịch sử, xây dựng cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm, bảo vệ cảnh quan, môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa, giúp Tân Trào khai thác tốt tiềm năng du lịch, phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần nhân dân.

Cùng với xã Tân Trào, các xã: Hợp Thành, Trung Yên… những nơi Bác đã ở và làm việc trong kháng chiến chống thực dân Pháp, những ngày này, trên từng con đường, khu phố, thôn xóm đâu đâu bà con cũng náo nức chào mừng ngày sinh nhật Bác. Đặc biệt, trong dịp này, huyện Sơn Dương tổ chức nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ kỷ niệm 122 năm ngày sinh của Bác và tuyên truyền Hội nghị điển hình tiên tiến học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Các hoạt động này nhằm khẳng định vị trí, tầm vóc và giá trị lịch sử, công lao to lớn của Bác dành cho Tổ quốc ta. Đồng thời, cũng thể hiện ý chí kiên cường sắc son một lòng của thế hệ hôm nay quyết tâm đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.

Bà Nguyễn Thị Huề, Bí thư Huyện ủy Sơn Dương vui mừng cho biết: Ðảng bộ huyện Sơn Dương vinh dự và tự hào được trưởng thành từ cái nôi của cách mạng, quê hương Tân Trào lịch sử, từ 5 đảng viên ngày đầu, nay đảng bộ đã có hơn 7.200 đảng viên với 64 tổ chức cơ sở đảng. Những năm qua, phát huy truyền thống quê hương cách mạng và thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cùng với triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, Đảng bộ và nhân dân Sơn Dương đã xây dựng chương trình hành động cụ thể và sát với điều kiện thực tế của địa phương để phát triển.
 
Trong đó, tập trung vào bốn lĩnh vực đột phá là: thu hút đầu tư phát triển công nghiệp; hạ tầng giao thông; du lịch; giáo dục và dạy nghề. Huyện Sơn Dương phấn đấu năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 2.300 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 30 triệu người/năm; 80% số hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hoá… để xứng đáng là quê hương cách mạng giàu truyền thống.
Vũ Quang Đán
TTXVN