Nam Định:

Về làng thợ hồ nghe chuyện người đi xây đảo Trường Sa

(Dân trí) - Hơn 20 năm qua, biết bao nhiêu thế hệ ở làng Bỉnh Di, huyện Giao Thủy nối tiếp nhau đi xây công trình biển đảo Trường Sa và các đảo lân cận. Với người dân Bỉnh Di, Trường Sa là máu thịt thiêng liêng của tổ quốc, là ngôi nhà thứ hai của họ.

Làng Bỉnh Di là một làng nhỏ chỉ với 3 xóm, vốn là vùng đất giáp biển, người dân nơi đây chủ yếu là làm nông nghiệp suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Làng vốn giáp biển nên quỹ đất nông nghiệp nhỏ. Hàng năm, qua vụ màu, trai làng Bỉnh Di lại lập thành một tổ thợ hồ đi khắp nơi làm ăn kiếm thêm thu nhập.

Anh Phan Văn Bảy hào hứng kể lại chuyện tham gia xây dựng công trình biển đảo Trường Sa.
Anh Phan Văn Bảy hào hứng kể lại chuyện tham gia xây dựng công trình biển đảo Trường Sa.

Câu chuyện thế hệ người làng Bỉnh Di nối tiếp nhau đi xây công trình biển đảo Trường Sa bắt đầu vào năm 1991. Lúc này Trung tá Hoàng Kiền, là người làng Bỉnh Di, đang là Trung đoàn trưởng Trung đoàn Hải quân 8, biết ở quê có nhiều người là thợ hồ có kinh nghiệm và tay nghề cao nên ông đã về tuyển một tổ thợ giỏi ra xây một ngôi nhà 2 tầng, ngọn hải đăng và cột mốc ở đảo Nam Yết, thuộc quần đảo Trường Sa.

Cũng từ đấy, các thế hệ Bỉnh Di noi gương theo lớp cha anh đi trước, hăng hái tham gia các đợt tuyển người đi xây dựng ở đảo Trường Sa và các đảo lân cận. Cũng từ đấy người dân Bỉnh Di mới lưu truyền đoạn thơ của trung tá Hoàng Kiền nói về chuyện xây dựng đảo của người làng Bỉnh Di.

“Sóng xô phai bạc mái đầu

Lòng dân với đảo áo nâu sáng ngời

Bỉnh Di làng nhỏ đẹp tươi

Đảo xa in dấu chân người nông dân”

Gia đình anh Bảy có đến 8 thành viên gồm con, cháu tham gia xây dựng công trình biển đảo.
Gia đình anh Bảy có đến 8 thành viên gồm con, cháu tham gia xây dựng công trình biển đảo.

Ngoài những thế hệ đi trước, gia đình ông Phan Trọng Phán có lẽ là gia đình nổi tiếng nhất khi được mệnh danh là “đại gia đình biển đảo”. Gia đình ông Phán có tổng cộng 8 thành viên gồm cả con và cháu từng tham gia xây dựng trên đảo Trường Sa.

Tiếp chúng tôi, anh Phan Văn Bảy (sinh năm 1976), con út của ông Phan Trọng Phán người cũng tham gia xây dựng trên đảo Trường Sa tự hào kể lại cơ duyên của gia đình đến với việc xây dựng đảo. Làng Bỉnh Di trước đây vốn nghèo đói, thiếu thốn đủ thứ, nhà anh Bảy cũng chẳng lấy gì làm khấm khá. Ngoài nghề trồng lúa, dân làng chủ yếu làm thợ hồ kiếm thêm thu nhập. Cũng từ chính cái nghề này đã làm cầu nối đưa anh em, con cháu gia đình anh Bảy có điều kiện cống hiến cho biển đảo tổ quốc.

Trong gia đình anh Bảy, tham gia đi xây dựng đảo đầu tiên là hai anh Phan Trung Thông và Phan Văn Phông. Nơi đầu tiên hai anh đến xây dựng công trình là đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), cùng các đảo lân cận khác. Tiếp nối theo hai người anh trai, lần lượt từng thành viên trong gia đình anh Bảy bắt đầu rời xa gia đình in dấu chân trên nhiều vùng biển đảo của tổ quốc.

Anh Phan Văn Bốn (anh trai anh Bảy) chụp ảnh lưu niệm ở đảo Nam Yết.
Anh Phan Văn Bốn (anh trai anh Bảy) chụp ảnh lưu niệm ở đảo Nam Yết.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất với anh Bảy là vào năm 2011, anh Bảy cùng các anh trai Phan Văn Bốn, Phan Văn Năm và 5 cháu trong gia đình cùng 40 công nhân xây dựng của Đội xây dựng số 1, Xí nghiệp 2, Công ty Xây dựng Tân cảng Sài Gòn ra Trường Sa. Đây cũng là lần thứ ba anh Bảy đi xây mà có đông thành viên trong gia đình nhất.

Anh Bảy tâm sự: “Năm 2011 gia đình chúng tôi có đến 8 người đi xây dựng những công trình dân sinh, bờ kè biển ở Đảo Nam Yết. Nhiều người thợ mới lần đầu đi xa trên biển không quen nên rất mệt mỏi vì say sóng. Nhưng khi vừa đặt chân đến đảo Nam Yết sau 2 ngày đêm hành trình, mấy anh em quên cả mệt nhọc, chỉ kịp ổn định chỗ ở rồi bắt tay vào làm việc luôn”.

Cũng từng tham gia xây dựng các công trình trên đảo Trường Sa, hai bố con ông Nguyễn Văn Dũng và Nguyễn Văn Nhất vẫn còn nhớ như in những ngày tháng lênh đênh làm bạn với sóng biển để cố gắng hoàn thành những công trình vững chắc góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước. Vẫn còn đó kỷ niệm và kỷ vật là những con ốc đảo mà những người lính đã tặng ông Dũng. Với ông, đó là những thứ mà ông không bao giờ quên.

Điều kiện làm việc sinh hoạt trên đảo khác hẳn với điều kiện làm việc trên đất liền, theo như lời anh Bảy và ông Dũng cho biết, việc xây dựng phụ thuộc hoàn toàn vào mực nước biển. Thông thường công việc của họ bắt đầu từ lúc 17h chiều, là lúc nước rút và kết thúc vào lúc 2h sáng ngày hôm sau khi mực nước bắt đầu dâng lên.

Chính vì điều kiện làm việc khác hoàn toàn so với đất liền nên những người thợ hồ được đi xây dựng đảo ngoài tay nghề giỏi phải có sức khỏe, khéo léo, kiên nhẫn và một tinh thần thép. Ngoài điều kiện làm việc khó khăn, việc sinh hoạt cũng không phải dễ dàng gì. Người thợ xây ngoài việc chống chọi với nắng gió biển đảo thì sống ở đảo thiếu nước ngọt, rau xanh luôn là nỗi lo thường trực.

Kỷ vật sau những lần đi xây dựng công trình biển đảo là những con ốc biển.
Kỷ vật sau những lần đi xây dựng công trình biển đảo là những con ốc biển.

Ông Dũng tâm sự: “Lúc đầu mới ra anh em chúng tôi đều không quen với khí hậu biển đảo, cộng thêm nỗi nhớ nhà nên công việc cũng không hiệu quả lắm. Nhưng cứ nghĩ đến chuyện các công trình chưa hoàn thành đúng tiến độ, anh em lại động viên nhau cố gắng làm việc. Có hôm bão gió triền miên, chuyện vài tháng phải ăn đồ khô, đồ hộp là bình thường. Thời ấy nước ngọt trên đảo còn khan hiếm, một người chỉ được dùng đúng 10 lít nước/ngày để tắm giặt và vệ sinh …”.

Anh Phan Văn Phông - anh trai anh Bảy cho biết: “Sức khỏe bây giờ của tôi không còn cho phép, chứ nếu có sức khỏe tôi vẫn xin được ra đảo làm, ở nhà mà nghĩ đến những ngày tháng cùng anh em đồng nghiệp và lính đảo làm việc thấy thiếu thốn quá. Mong làm sao cho anh em đồng nghiệp luôn khỏe mạnh tiếp tục xây những công trình lớn để anh em lính đảo chắc tay súng bảo vệ vững chắc từng tấc đất biển đảo”.

Gần 20 năm qua đi, Bỉnh Di với từng lớp thế hệ với biết bao lượt người thay nhau ra xây dựng các công trình biển đảo quê hương. Cũng gần 20 năm qua, làng Bỉnh Di còn được người dân gọi với cái tên “làng xây dựng đảo”.

Đức Văn