Về làng gốm sứ Bình Dương
(Dân trí) - Từ hòn đất vô tri, qua bàn tay nhào nặn của các nghệ nhân, những sản phẩm gốm sứ tiêu dùng đậm chất nghệ thuật đã ra đời...
Trong những năm qua, gốm sứ Bình Dương không những đã xuất ngoại để thu về nguồn lợi lớn, mà còn giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương.
Cùng với các làng nghề gốm sứ Bát tràng, Tràng An, Biên Hoà… gốm sứ Bình Dương cũng nổi tiếng trong và ngoài nước. Bình Dương hiện có gần 200 cơ sở làm nghề gốm sứ ở xã Thuận Giao, huyện Thuận An, huyện Tân Uyên… Tuy nhiên, gốm sứ Bình Dương đang tồn tại 2 thái cực trái ngược nhau. Một bên là hàng trăm cơ sổ gốm sứ truyền thống với các lò nung bằng củi, than đá, sản xuất theo phương pháp thủ công. Một bên, đại diện là gốm sứ Minh Long, với những ứng dụng máy móc, dây chuyền sản xuất hiện đại.
Việc bảo tồn một ngành nghề truyền thống và việc ứng dụng khoa học kỹ thuật tân thời để đưa gốm sứ Bình Dương vươn ra thị trường quốc tế cũng là một bài toán nan giải.
Nhằm tôn vinh giới thiệu một trong những nghề truyền thống có từ lâu đời và nổi tiếng đặc sắc của tỉnh Bình Dương; đồng thời khẳng định vị trí, tiềm năng của nghề gốm sứ trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương hiện tại và tương lai, UBND tỉnh đang lên kế hoạch tổ chức Festival Gốm sứ 2010 vào tháng 9/2010.
Đây cũng là cơ sở, điều kiện hình thành Trung tâm bảo tồn gốm sứ Việt Nam sau này.
Cuối tuần qua, đi cùng với Sở Thông tin truyền thông khảo sát một số địa điểm để làm đề án cho “Festival gốm sứ Việt Nam - Bình Dương 2010”, PV Dân trí đã kịp ghi lại một số hình ảnh đẹp về nghề làm gốm sứ độc đáo tại địa phương này.
... sẵn sàng cho những cơ hội xuất ngoại.
Công Quang - Thu Hà