1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Về lại tọa độ lửa Truông Bồn

(Dân trí) - Những hố bom, những mảng đồi nham nhở vết bom cày đạn xới đã được thay bằng màu xanh của cây cỏ, màu no ấm của những mái nhà, của tượng đài sừng sững khí phách những người thanh niên xung phong thủa ấy. Truông Bồn ngày trở lại rưng rưng…

 

Tọa độ lửa

Quần thể di tích Truông Bồn (Mỹ Sơn, Đô Lương, Nghệ An) tạm dừng xây dựng trong ít ngày để phục vụ du khách thập phương hành hương trong những ngày tri ân tháng Bảy. Trong dòng người như bất tận ấy, nhiều, rất nhiều những du khách trong màu áo xanh của những chàng trai cô gái bạt núi san đường thủơ trước. Chỉ khác một điều, những nếp nhăn đã in hằn trên khuôn mặt, mái tóc đã pha màu gió sương. Tiếng chuông ngân giữa bảng lảng khói hương như nối hiện tại ngược về quá khứ đã gần 50 năm trời trên tọa độ lửa này.

truongbon-3-c35a8

Tượng đài TNXP trong quần thể khu di tích Truông Bồn.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Truông Bồn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng là “tuyến đường độc đạo”, nơi kết nối các huyết mạch giao thông từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Phát hiện đây là “yết hầu” của tuyến vận tải chiến lược nên từ 1964-1972 đối phương liên tục đánh phá ác liệt.

Từ tháng 6 đến tháng 10/1968, Truông Bồn hứng chịu 2.692 quả bom, hàng trăm quả rốc-két. Có những ngày cao điểm, địch huy động hàng trăm lượt máy bay oanh tạc Truông Bồn hòng cắt đứt giao thông trên tuyến đường 15A.

truong-bon-dinh-thi-lieu-27-72015-98094

Cựu TNXP Đinh Thị Liễu đạp xe hơn 50km đến Truông Bồn thăm đồng đội.

Dưới mưa bom bão đạn, bất chấp nguy hiểm, hàng ngàn TNXP, bộ đội, dân công hỏa tuyến vẫn ngày đêm bám trụ Truông Bồn với khẩu hiệu “Sống anh dũng bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm!”; “Tim có thể ngừng đập, đường không thể tắc!”. Tại đây, hơn 200 cán bộ, chiến sỹ bộ đội phòng không, bộ đội công binh QK IV và Đại đội 317 TNXP Nghệ An đã hy sinh, bị thương. Thất bại trên các chiến trường, Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc từ ngày 1/11/1968.

Chỉ không đầy một ngày trước thời điểm đó, ngày 31/10/1968, 13 TNXP (11 nữ, 2 nam) thuộc tiểu đội 2 của Đại đội 317, Đội 6, Tổng đội TNXP Nghệ An chống Mỹ đã ngã xuống trong những trận bom ác liệt cuối cùng của địch tại Truông Bồn. Hầu hết những người hi sinh đều đã hoàn thành nhiệm vụ và có quyết định ra quân, có người đã có quyết định đi học, có người đã định ngày cưới... Chỉ có 6 liệt sỹ được tìm thấy thi thể, 7 người còn lại thân thể đã hòa vào đất.

truongbon-tnxp2-83662

Những ngày này, rất nhiều TNXP năm xưa về thăm lại đồng đội đã ngã xuống ở “tọa độ lửa” Truông Bồn.

Ghi nhận địa danh Truông Bồn, ghi nhận sự cống hiến và hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sĩ trên cung đường huyền thoại Truông Bồn, đặc biệt là sự cống hiến và hy sinh anh dũng của 13/14 chiến sĩ “Tiểu đội thép” thuộc Đại đội TNXP 317, ngày 12/1/1996, Bộ Văn hóa Thông tin đã có quyết định công nhận di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn. Ngày 23/9/2008, Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Tập thể 14 chiến sĩ TNXP thuộc Đại đội 317 – Đội 65 - Tổng đội TNXP chống Mỹ cứu nước, tỉnh Nghệ An.

Năm 2012, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt Dự án xây dựng Khu di tích lịch sử cách mạng Truông Bồn để ghi mãi chiến công của TNXP, tri ân và tôn vinh các anh hùng liệt sĩ, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Khu di tích lịch sử Truông Bồn được xây dựng, bảo tồn, tôn tạo trên diện tích 217.327m2, gồm 21 hạng mục công trình.

Xanh lại Truông Bồn

truongbon-anhhung-a2c80

Lớp lớp thanh niên về tri ân những người anh hùng.

Từ xã Diễn Tháp (huyện Diễn Châu, Nghệ An), bà Đinh Thị Liễu (đại đội 304) đạp xe hơn 50 km lên thăm đồng đội ở Truông Bồn. “Ngày trước tôi đi thanh niên xung phong, khác đơn vị với 13 TNXP ở đây nhưng cùng phục vụ chiến đấu, san rừng, bạt núi ở tọa độ lửa này. Thời đó, gian khổ, hiểm nguy nhưng vui lắm. Bom nổ thì nhảy xuống hầm, hết bom lại lên san đường. Con gái cả, mới 18 đôi mươi nhưng nào biết đến phấn son, gương lược. Sau một đêm thông đường trở về, mặt đứa mô cũng lấm lem khói bom, bụi đất… Chúng nó giờ nằm lại đây cả rồi…”, người cựu TNXP như nghẹn lại.

Các đồng đội nằm xuống, họ - những người còn sống vẫn tiếp tục phần việc của mình vì miền Nam đang gọi phía trước. Hết chiến tranh, người nằm lại chiến trường, người trở về với thương tật trên cơ thể. Quá lứa, lỡ thì, bà đành ở vậy rồi vào miền Nam làm giúp việc cho người ta. Mấy năm nay, sức khỏe kém nên bà về quê ở hẳn. “Năm mô cũng rứa, ngày ni với ngày 31/10 tui lại đạp xe lên đây. Giờ Nhà nước quan tâm, cho xây cái tượng đài và nhiều công trình như thế này, khắp nơi mọi người về thăm, cũng ấm lòng những người nằm lại đây”, bà Liễu như độc thoại với chính mình khi bày những bông huệ trắng lên bàn thờ đồng đội.

truongbon-tnxp-6c724

Thắp một nén tâm nhang trước anh linh đồng đội.

Từ thị xã Thái Hòa (Nghệ An), cụ Trường, năm nay 95 tuổi cùng đoàn cựu thanh niên xung phong về thăm Truông Bồn. Mẹ đi, từng bước chậm rãi, bàn tay nhăn nheo cầm nén hương thơm cắm lên bàn thờ các con. Đứng thật lâu trước bức tượng đồng của một thanh niên xung phong, mắt mẹ như phủ một lớp khói sương.

Về lại Truông Bồn, dấu vết của những trận bom không còn nữa. Màu xanh đã thay thế những đau thương, xoa dịu nỗi đau của những người cha, người mẹ hiến dâng cho Tố quốc những khúc ruột của mình. Trong hàng trăm loài cây, loài hoa từ khắp nơi hội tụ về đây, cây bồ kết đã bén rẽ, xanh tươi. Có phải các chị đang cười râm ran, đưa những bàn tay chai sạn lưỡi cuốc, lưỡi xẻng hái những bông hoa đang rung rinh trong nắng thắm. Thứ quả này sẽ giúp các chị giữ mãi màu xanh trên mái tóc, như thủa tuổi 20? Như những ngày các chị trở về sau mỗi trận chiến lấm lem khói bụi, xõa mái tóc con gái vào chậu nước bồ kết sánh như mật ong.

truongbon-6-01506

thắp nén hương thơm trước bức tượng đồng cô TNXP Truông Bồn.

Những bông hoa mua tím biếc, những khóm hoa bông trang đỏ thắm, những cây lộc vừng nhú những mầm xanh… Sự sống đã hồi sinh trên mảnh đất đau thương mà bi tráng. Tiếng chuông ngân giữa rừng xanh lộng gió, phải chăng các anh, các chị về chứng kiến lòng thành của lớp cháu con?

Hoàng Lam