1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Về căn cứ địa của Xứ ủy Trung Kỳ

(Dân trí) - Căn nhà nhỏ của nhân sỹ yêu nước Hoàng Viện trở thành căn cứ hoạt động của Xứ ủy Trung Kỳ trong suốt giai đoạn lịch sử 1930-1931, 1939-1945. Nhiều lãnh đạo của Đảng như cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Chu Huy Mân, Bùi San, Trần Quỳ, Trần Văn Quang… đã từng lưu lại nơi đây.

xu-uy-trung-ky-lang-phuc-my-07082015-d28cd

Đường về thôn Châu Sơn thuộc làng Phúc Mỹ hôm nay.

Trước cách mạng tháng Tám, Hưng Châu (Hưng Nguyên, Nghệ An) là xã chuyên độc canh về nông nghiệp. Đất đai ở đây pha cát, khí hậu khắc nghiệt, nắng nóng gay gắt, mưa bão, lụt lội xảy ra liên miên. Thêm vào đó là ách áp bức bóc lột của bọn thực dân phong kiến làm cho cuộc sống của nông dân vốn đã nghèo khổ càng trở nên điêu đứng.

Làng Phúc Mỹ như một lòng chảo nằm giữa xã Hưng Châu, phía Tây Bắc là núi Nhón, phía Nam là sông Lam. Từ làng Phúc Mỹ ra sông Lam có thể lên ngược về xuôi, ra ga Yên Xuân đi xe lửa vào Nam ra Bắc. Với vị trí như vậy, năm1930-1931, Xứ ủy Trung Kỳ đã chọn làm nơi hoạt động để chỉ đạo phong trào cách mạng vùng Hưng Nguyên, Nam Đàn.

 

nha-ong-hoang-vien-07082015-b19e9

Căn nhà của ông Hoàng Viện nhường cho cán bộ cốt cán Xứ ủy Trung Kỳ ở trong những ngày hoạt động bí mật tại đây.

Tháng 4 năm 1931, Xứ uỷ Trung Kỳ cử phái viên về bắt liên lạc với nhóm cộng sản có bí danh là Trúc - Lam - Giang để phát triển cơ sở Đảng các làng dọc theo sông Lam ở Nam Đàn, Hưng Nguyên, Đức Thọ. Lúc này, ở làng Phúc Mỹ đã thành lập được tổ chức Đảng. Được sự giác ngộ, nhiều quần chúng tích cực đã tham gia hoạt động cách mạng, trong đó có ông Hoàng Viện.

Ông Hoàng Viện cùng 3 quần chúng khác được kết nạp vào Chi bộ Phúc Mỹ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Phúc Mỹ vùng lên đấu tranh hòa chung với khí thế mạnh mẽ của toàn Phủ Hưng Nguyên.

 

gieng-nha-ong-hoang-vien-07082015-9da49

Không chỉ nhường nhà, ông Hoàng Viện cùng vợ, con phục vụ cơm nước, giặt giũ, bảo vệ các nhà hoạt động cách mạng.

Khi phong trào đấu tranh đạt đến đỉnh cao, nhiều cuộc biểu tình lớn diễn ra ở Nam Đàn, Hưng Nguyên, Anh Sơn, Thanh Chương, Can Lộc, Đức Thọ..., chính quyền Xô Viết ra đời. Tuy nhiên, phong trào cách mạng nơi đây nhanh chóng bị địch đàn áp đẫm máu, nhiều cơ sở Đảng tan vỡ, nhiều Đảng viên bị bắt, tù đày.

 

noi-dong-dung-muc-in-truyen-don-070820015-84c31

Chiếc nồi đồng được người dân trong thôn Châu Sơn, làng Phúc Mỹ hiến tặng để dựng mực in truyền đơn, tài liệu.

Trước tình hình đó, Xứ ủy Trung Kỳ quyết định chuyển cơ quan từ Hưng Dũng, Lộc Đa (thị xã Vinh) lên Phúc Mỹ để tiếp tục chỉ đạo phong trào cách mạng. Nhà ông Hoàng Viện trở thành trụ sở chính của Xứ ủy Trung Kỳ.

 

hien-vat-lich-su-nha-ong-hoang-vien-07082015-d8946

Nhiều hiện vật quý phục vụ cách mạng trong giai đoạn 1930-1931, 1939-1945 đang được lưu giữ tại đây.

Ông Hoàng Viện có hai ngôi nhà. Nhà trên được ngăn thành hai phòng, phòng trong có gác xép làm nơi ăn nghỉ cho cán bộ, phòng ngoài là nơi hội họp, tiếp khách. Phía sau nhà có cửa thông ra núi Nhón. Ngôi nhà ngang nhỏ hơn có 3 gian để nấu ăn. Sau nhà ông Hoàng Viện được đào thêm 2 căn hầm thông sâu vào núi Nhón làm nơi in ấn cất dấu tài liệu và ẩn nấp Khi cần thiết thì cán bộ xuống hầm, vòng ra sau núi để thoát.

 

an-loat-in-truyen-don-07082015-62314

 

Các gia đình trong xóm như nhà ông bà Hoàng Tuân, Hoàng Em, Hoàng Xí, Nguyễn Thị Mỹ, Lê Thị Năm... đều là cơ sở in ấn và nuôi dấu cán bộ Đảng. Tại đây, báo “Lao khổ”, “Tiến lên” số tháng 9, 10 và 11 năm 1930 được in ấn và phát hành, kịp thời cổ vũ tinh thần đấu tranh cho quần chúng nhân dân.

but-khac-chu-len-thach-cao-07082015-36860

Với kỹ thuật in thạch, nội dung truyền đơn sẽ được khắc trên những khuôn in thạch cao bằng chiếc bút sắt này.

Để đảm bảo an toàn cho cơ quan Xứ ủy, đội tự vệ Hưng Châu được thành lập với 60 đội viên ngày đêm canh gác tuần tra. Một số đảng viên như Hoàng Viện, Hoàng Nhị, Nguyễn Thuyên, Nguyễn Hứa tích cực vận động quyên góp kinh phí cho Xứ ủy hoạt động.

 

phieu-an-cua-tong-bi-thu-nguyen-van-linh-07082015-958ff

Những tấm phiếu tặng phẩm của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tặng cho 3 người dân ở Phúc Mỹ vì có những đóng góp trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ cán bộ cốt cán của cách mạng.

Tuy nhiên, phong trào đấu tranh cách mạng ở Hưng Nguyên bị địch đàn áp đẫm máu. Nhiều cán bộ, Đảng viên, quần chúng cách mạng bị bắt giữ. 3 Đảng viên của Chi bộ Phúc Mỹ bị địch xử bắn ngay lại đình làng để uy hiếp tinh thần đấu tranh của quần chúng nhân dân. Trước tình hình đó, Xứ uỷ Trung Kỳ quyết định chuyển đến địa điểm khác để đảm bảo yếu tố bí mật, an toàn…

Tháng 10/1939, các đồng chí Bùi San, Trần Quì, Chu Huy Mân, Trần Văn Quang - cán bộ chủ chốt của Xứ ủy Trung Kỳ về Hưng Châu hoạt động. Cuối năm 1940, tại nhà ông Hoàng Viện. cơ quan Xứ ủy Trung Kỳ đã đón đồng chí Mười Cúc (tức Nguyễn Văn Linh) cán bộ Trung ương về trực tiếp lãnh đạo phong trào, chỉ đạo Xứ ủy chuẩn bị mọi điều kiện cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945.

 

to-quoc-ghi-cong-hoang-vien-07082015-b7255

Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ, tặng Bằng có công với nước cho gia đình bà Hoàng Thị Viện.

Dưới sự lãnh đạo của Xử ủy Trung Kỳ, cùng với nhân dân toàn tỉnh và nhân dân cả nước, nhân dân Hưng Châu đã vùng lên lật đổ chính quyền phong kiến tay sai và là 1 trong 4 địa phương (cùng 2 xã Quỳnh Đôi, Sơn Hải thuộc huyện Quỳnh Lưu và xã Nam Thanh thuộc huyện Nam Đàn) giành được chính quyền sớm nhất tỉnh Nghệ An.

Năm 1964, sau khi cụ Hoàng Viện mất, ngôi nhà chuyển cho con trai ở. Với giá trị lịch sử to lớn trong giai đoạn cách mạng 1930-1931, 1939-1945, năm 1991 nhà ông Hoàng Viện đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Hoàng Lam

(Trong bài có sử dụng tài liệu của Bào tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh)