1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vào thu, đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan

(Dân trí) - Thời tiết miền Bắc đã bước vào thu, nhưng mấy ngày qua, người dân nơi đây chỉ được hưởng cái se lạnh vào đêm và sáng sớm, còn trưa đến là những cơn nắng oi bức. Vì sao lại có kiểu thời tiết này?

Theo ông Vũ Anh Tuấn, Trưởng phòng dự báo khí tượng hạn ngắn (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương): Do nằm sâu trong phần phía nam của lưỡi cao lục địa khô với gió bắc đến đông bắc tồn tại từ tầng thấp đến độ cao 5.000m nên các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ trời ít đến quang mây, đêm không mưa, ngày nắng, nhiệt độ cao nhất ban ngày tăng nhanh.

Tuy nhiên, so ảnh hưởng của bức xạ nên ban đêm nhiệt độ xuống thấp, nền nhiệt độ phổ biến trong khoảng 21-24 độ C, riêng vùng núi phổ biến ở mức 15-17 độ C, đêm và sáng sớm trời se lạnh.  

Nền nhiệt độ này chưa phải là ngưỡng của nắng nóng, nhưng do độ ẩm trong không khí cao nên chúng ta mới cảm thấy oi bức, nhiều khi mũi có cảm giác bị khô là như vậy.  

Đợt gió mùa đông bắc mạnh cấp 3, cấp 4 tràn về Bắc bộ và Bắc Trung bộ ngày 17/9 vừa qua chỉ “đánh dấu” bằng một cơn mưa ngập đường, ngập phố vào tối cùng ngày. Từ đó tới nay, đợt gió mùa này vẫn tồn tại, nhưng chỉ gây ra se lạnh vào đêm và sáng sớm. 

 

Theo ông Tuấn, kiểu thời tiết này còn kéo dài trong 2-3 ngày tới, với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến trong khoảng 30-33 độ C. Tuy nhiên, người dân cần đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan khi mùa thu về.  

Vậy đối với miền Nam, đặc biệt là các vùng ven biển do ảnh hưởng bởi rìa của cơn bão Wipha trong vài ngày qua?

Trong khi Bắc bộ và Bắc Trung bộ ngày nắng, se lạnh vào đêm và sáng sớm, thì các tỉnh miền Nam, từ Đà Nẵng trở vào lại có kiểu thời tiết khác hẳn. Trời âm u cả ngày, độ ẩm trong không khí lớn và mưa kéo dài từ sáng đến đêm. Chính ảnh hưởng rãnh áp thấp đi qua Trung bộ, cùng với gió mùa Tây Nam phát triển mạnh đã gây mưa chủ yếu ở Tây Nguyên và Nam bộ. Các tỉnh ven biển từ Đà Nẵng đến Bình Thuận có mưa vừa đến mưa to chủ yếu ở phía nam.  

Tính đến 13h ngày 20/9, lượng mưa phổ biến trên cả nước từ 5-15mm, một vài điểm có lượng mưa cao hơn như: An Khê (Gia Lai): 49mm, Đắc Nông: 27mm, Phước Long (Bình Phước): 51mm, Cao Lãnh (Đồng Tháp): 32mm, Bạc Liêu: 30mm, Tuy Hoà (Phú Yên): 28mm, Nhà Trang 44mm….. 

Dự báo thời tiết cho các miền trong những ngày tới là gì, thưa ông? 

Kiểu thời tiết này sẽ tồn tại ở hai miền Bắc và Nam trong 2-3 ngày tới. Hiện các tỉnh miền Bắc từ Nghệ An trở ra vẫn còn nằm sâu trong lưỡi áp cao lục địa khô nên trời quang mây, độ ẩm không khí thấp, thời tiết se lạnh vào sáng sớm và buổi tối khuya, ban ngày trời nóng, biên độ nhiệt giao động lớn, chênh lệch ban ngày và ban đêm khoảng từ 9-11 độ C.  

Các tỉnh miền Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng của gió Tây Nam cường độ ổn định nên thời tiết ở Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và có dông; độ ẩm trong không khí từ 65-70%. 

Đây có phải kiểu thời tiết điển hình của mùa thu không và nó có gì khác biệt so với năm ngoái, thưa ông? 

Mùa thu là mùa chuyển tiếp từ mùa nóng sang mùa lạnh, khi thời tiết có tác động của một khối không khí khác sẽ biến đổi rất nhanh và rất dễ gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như: mưa lớn, dông mạnh đôi khi kèm theo tố lốc và có thể có mưa đá. Điển hình là cơn mưa tối ngày 17/9 vừa qua, khi không khí lạnh về, miền Bắc đã có một cơn mưa rất to vào đêm, nhưng trời lại quang mây ngay ngày hôm sau.  

Mặc dù có xen lẫn hiện tượng thời tiết cực đoan, nhưng đây chính là nét đặc trưng của thời tiết mùa thu, kéo dài từ nay cho đến tháng 10. Và so với thu năm ngoái, thu năm nay không có dấu hiệu khác biệt nhiều.  

Xin cảm ơn ông!

An Hạ
(Thực hiện)