1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vào lò chuyên chế... cân “điêu”

Chỉ với 20 ngàn, chiếc cân bình thường bỗng trở thành cân gian biết “nhảy múa”. Những chiếc cân biết “nhảy” này giá trị nhỏ nhất cũng phải vài lạng, lớn nhất là vài chục ký. Cứ như thế, mỗi ngày người tiêu dùng bị móc túi bởi cân gian mà không hề hay biết.

Dân “buôn gian bán lận” rỉ tai nhau chỉ cần bỏ ra mấy chục ngàn đồng đi “độ” cân gian thì có thể mang lại siêu lợi nhuận đối với những mặt hàng mà mình xác định buôn bán. Từ những câu chuyện kháo nhau của những dân buôn đó, chúng tôi trong vai những khách hàng có nhu cầu gian manh trong kinh doanh đã thâm nhập vào lãnh địa của dân “độ” cân.

Chợ Kim Biên thuộc quận 5, TPHCM được biết đến là khu chợ nổi tiếng vào thuộc loại bậc nhất của Sài thành. Tại đây, người tiêu dùng có thể mua bất cứ thứ gì kể cả những chất cấm độc hại như hoá chất, cho đến những đồ dùng gia đình…và hơn thế nữa, nơi đây còn là thủ phủ của dân “độ” cân điêu.

Những chiếc cân như
thế này khi được hô biến sẽ trở thành cân gian

Những chiếc cân như thế này khi được "hô biến" sẽ trở thành cân gian

Xung quanh chợ Kim Biên, ở nhiều con đường xuất hiện những lò “độ” cân chuyên nghiệp với nhiều chiêu “độc”. Chỉ cần bước vào nhiều tiệm cân và hỏi: “Độ cân được không?”, các thượng đế sẽ nhận được sự chào đón niềm nở của chủ cửa hàng và nhân viên. Họ sẽ không ngớt lời cho biết những kiểu “độ” mà dân buôn nghe thấy phù hợp là cân được “phẫu thuật” từ A tới Z.

Ở chợ Kim Biên, ngay từ sáng sớm đã có đông người ra vào mua bán tấp nập với nhiều mặt hàng khác nhau. Cũng như không khí mua hàng của khách ở những cửa hàng khác, tiệm “độ” cân cũng sôi động không kém, người ra vào cười nói rôm rả và xen lẫn âm thanh của con người là tiếng gõ búa, cạy kìm của nhân viên độ cân vang lên làm không khí khu chợ càng trở nên náo nhiệt.

Vào vai khách đi “độ”, chúng tôi ghé vào cửa hàng H.D trên đường Hải Thượng Lãn Ông, quận 5, yêu cầu được “độ” chiếc cân. Nhân viên là một nam thanh niên đứng ra mời chào nồng nhiệt và hỏi: “Làm như thế nào hả anh? Làm non lại hay già đi?”. Tôi vờ như không hiểu và hỏi lại: “Già đi và non lại nghĩa là sao?”. Người này quay sang tiếp lời: “Nếu anh bán hàng đi cho khách thì “độ” nó già đi, còn mua vào của người khác thì “độ” non lại”.

Như đã hiểu được diễn giải của nhân viên, tôi nói: “Nhà bán thịt bò ngoài chợ vậy anh làm cho chiếc cân già đi giùm em”. “Là bao nhiêu?”, nhân viên hỏi. Thấy vậy tôi phân trần: “Anh biết đó, thịt bò giá trị rất đắt, người mua lẻ nhiều nên anh xem độ như thế nào hợp lý thì mách nước giùm em”.

Nhân viên tư vấn: “Nếu vậy thì làm già đi giá trị sai lệch nhỏ thôi, chứ nhiều khi khách mua có vài lạng mà ăn nhiều quá họ phát hiện đó. Em sẽ làm cho anh mỗi ký ăn được 2 lạng, và mỗi lạng ăn được 2 gam. Khách mua càng nhiều thì ăn được giá trị càng lớn”.

Nói xong, nam nhân viên đi vào phía bên trong lấy ra một chiếc kìm màu đỏ, một chiếc lò xo trắng rồi bắt đầu ngồi xuống sàn nhà thực hiện những chiêu thức “đại phẫu” cho cân.

Trong lúc nhân viên say sưa với ca “mổ” cho chiếc cân, tôi vội rảo mắt nhìn quanh không gian cửa hàng và thấy vô vàn các loại cân đồng hồ cũ, mới xen lẫn những chiếc cân điện tử được chất đầy trong không gian nhỏ hẹp và những tiếng động inh ỏi của kìm, búa vang lên.

Nhiều chiêu “độ” thượng hạng

Trong âm thanh hỗn tạp của khu chợ, tại lò “độ” chốc lát lại có khách đi vào yêu cầu chủ tiệm làm “ảo thuật” cho chiếc cân của mình. Bên trong, chủ cửa hàng H.D là một phụ nữ khoảng 40 tuổi ngồi trên bàn giấy liên tục ghi chép.

Thấy một khách nam đi vào hỏi, chủ liền dừng bút và bắt đầu cuộc nói chuyện về cân “độ” rất say sưa. Bên cạnh, vừa nhìn nhân viên “độ” cân, chúng tôi vừa nghe được lời mời chào ngon ngọt của chủ đối với khách và trong đoạn đối thoại đó vô tình đã cho tôi biết được nhiều chiêu “độc” của dân “độ” cân gian.

Người khách cho biết mình mới mở cửa hàng kinh doanh gạo và được một vài người buôn bán hàng rong giới thiệu đến đây nhờ gắn “bùa” cho cân. Ông khách vừa nói xong, chủ cửa hàng được dịp nổ: “Cửa hàng tôi ngày nào chả có người đến đây yêu cầu làm cân, dân buôn bây giờ không làm bùa cho cân sao buôn bán kiếm lời?”, và chủ không quên bật mí cho khách những chiêu độc để “bịp” dễ dàng hơn khi bán hàng.

Nhân viên đang
phù phép cho cân tại chợ Kim Biên

Nhân viên đang "phù phép" cho cân tại chợ Kim Biên

Vừa dứt lời chủ quay sang cầm một chiếc cân nâng lên ngang người rồi chỉ tay nói: “Cùng là độ nhưng chúng tôi có thể làm nhiều cách khác nhau, anh muốn làm kiểu gì tụi tôi cũng chiều lòng anh”.

Theo đó, “độ” đơn giản nhất là thay, mài hoặc giũa lò xo làm cho nó sai lệch nhưng chỉ ăn được lượng giá trị rất ít mà không an toàn. Đang say sưa “đại phẫu” cho chiếc cân của tôi, nhân viên sửa cân cắt ngang giọng bà chủ, miệng nhoẻn cười: “Anh muốn cân “khiêu vũ” mà cũng có ăn không?”.

Cả khách và tôi lớ ngớ chưa kịp hiểu chuyện gì thì người này trấn an: “Nói cho vui ấy chứ, tụi anh muốn độ theo kiểu lắc, tụi em làm cho. Khi bán hàng, nếu có gì bất trắc gặp người tiêu dùng khó tính hay quản lý thị trường thì cân đang ở giá trị sai có thể lắc sang trái hoặc phải là cân trở về với giá trị đúng như ban đầu. Như vậy yên tâm hơn là độ theo kiểu để cho cân luôn ở giá trị sai”.

Thấy ông khách tỏ ý chưa hài lòng lắm, bà chủ chen lời: “Anh muốn ăn nhiều, an toàn thì chơi hàng độc, nhưng giá của nó thì cũng không mềm đâu. Nếu độ theo kiểu lắc giá 3 trăm ngàn, còn độ như thế này là 5 triệu đó là còn tuỳ vào yêu cầu của anh ăn nhiều hay ít”. Người khách lần đầu đi “độ” cân vẫn chưa hết bỡ ngỡ, khuôn mặt tỏ vẻ ngạc nhiên và tất nhiên chủ quán không để khách phải đợi lâu.

“Độ theo kiểu gắn “đồ chơi” hiện nay được giới buôn bán lớn ưa sử dụng, chỉ cần mở chiếc cân ra, gắn vào đó một chip nhỏ và dùng điều khiển từ xa nhấn nút ăn tiền khỏi phải đứng canh vừa mệt lại hồi hộp. Khi nào không muốn ăn nữa thì nhấn nút tắt lập tức cân sẽ trở lại giá trị đúng”.

Khi cuộc nói chuyện giữa chủ quán và khách hàng kết thúc được vài phút thì nhân viên “độ” cũng kết thúc ca “đại phẫu” thông thường cho cân của chúng tôi. Rút ra 20 ngàn đưa cho nhân viên, chúng tôi ra về và tiếp tục tìm đến những lò “độ” khách “mục sở thị” những chiêu “hô biến” móc túi người tiêu dùng.

Theo Minh Kha - Ninh Khánh
Infonet