1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Vành đai 3 TPHCM sẽ tạo động lực cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Phương Nhi

(Dân trí) - Tại hội thảo, lãnh đạo các địa phương có Vành đai 3 TPHCM đi qua, nhận định, dự án sẽ tạo động lực cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kết nối liên vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.

Chiều 2/12, hội thảo "Thúc đẩy dự án Vành đai 3 - Động lực cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam" do báo Tuổi Trẻ và Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức diễn ra tại TPHCM.

Dự hội thảo có Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Dành, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, Long An, các sở ngành và các chuyên gia, nhà khoa học.

Vành đai 3 TPHCM sẽ tạo động lực cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - 1

Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: Phương Nhi).

Đây là dịp để đưa ra những giải pháp thu hút thêm các nguồn lực xã hội gắn liền với sự phát triển của đường Vành đai 3 TPHCM nói riêng và các dự án kết nối vùng khác nói chung; góp phần vào sự phát triển mạnh mẽ của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Vành đai 3 TPHCM sẽ tạo động lực cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - 2

Ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TPHCM (Ảnh: Phương Nhi).

Tại hội thảo, ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TPHCM thông tin, dự án Vành đai 3 TPHCM có tổng chiều dài khoảng 76,34 km, đi qua địa phận TPHCM và 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An; được chia thành 8 dự án thành phần.

Quy mô dự án hoàn chỉnh sẽ gồm 8 làn xe cao tốc. Tổng mức đầu tư dự án là hơn 75.000 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ năm 2022-2027. UBND TPHCM đang chỉ đạo triển khai 2 dự án thành phần 1 và thành phần 2 trên địa bàn theo kế hoạch, để kịp khởi công dự án vào tháng 6/2023.

Dự án Vành đai 3 TPHCM có tầm quan trọng đặc biệt trong việc kết nối hạ tầng giao thông, thúc đẩy liên kết vùng, tạo không gian và động lực phát triển kinh tế - xã hội TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Do đó, ông Bùi Xuân Cường đề nghị hội thảo tập trung thảo luận các nội dung chính như vai trò, sứ mệnh, giải pháp xây dựng và khai thác hiệu quả dự án…

Hội thảo có 3 tham luận từ Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên cao cấp Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright và ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM.

Trong đó, các tham luận xoay quanh một số vấn đề về cơ chế, chính sách cần tháo gỡ để thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam Bộ; đánh giá tác động của dự án hạ tầng đô thị đối với phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cùng với các phân tích về giá trị: thu hút đầu tư, kết nối vùng, chi phí logistic… khi các tuyến đường vành đai hoàn tất.

Vành đai 3 TPHCM sẽ tạo động lực cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - 3

Các diễn giả thảo luận tại hội thảo (Ảnh: Phương Nhi).

Trong phần thảo luận, các diễn giả xoay quanh vấn đề quy hoạch kết nối các đô thị vệ tinh, hoàn thiện hệ thống giao thông liên vùng, quy hoạch đồng bộ mạng lưới khu công nghiệp, khu dân cư; khai thác nguồn tài nguyên liên quan; đặc biệt đề xuất các chính sách tài chính đất đai; sự chuẩn bị của các doanh nghiệp để đón đầu dự án…

Phát biểu bế mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết, qua những ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học đã thảo luận, trao đổi về dự án Vành đai 3 TPHCM, có thể rút ra 3 vấn đề cần tiếp thu và nghiên cứu thực hiện.

Thứ nhất, việc triển khai công tác quản lý, điều hành dự án để triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đảm bảo tiến độ, hiệu quả, chất lượng và đúng mục tiêu. Qua thông tin của Sở GTVT TPHCM và các tỉnh, tiến độ cơ bản đáp ứng và đảm bảo được theo tinh thần các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về việc triển khai dự án.

Thứ hai, những động lực mới từ dự án Vành đai 3 TPHCM, trong đó nổi bật là việc mở rộng không gian phát triển đô thị trong quá trình tổ chức lại quy hoạch và quy hoạch mới. Với nhóm vấn đề này, có nhiều việc phải làm trong thời gian tới, để Vành đai 3 TPHCM không chỉ là tuyến giao thông mà còn kết nối, tạo động lực phát triển vùng.

Nhóm vấn đề cuối cùng là những bài học kinh nghiệm, hạn chế và đề xuất những cơ chế mới để TPHCM cùng các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An tiếp tục phối hợp, triển khai đồng bộ dự án. 

"Qua hội thảo, chúng tôi thấy rằng đây là dự án quan trọng cần tiếp tục xác định là công việc ưu tiên, mang tính đột phá và là dự án kiểu mẫu trong giải phóng mặt bằng tái định cư có sự phối hợp giữa 4 bên là chính quyền; người dân; doanh nghiệp; các chuyên gia, nhà khoa học", ông Cường nhấn mạnh.