Quảng Nam:
“Vàng tặc” và những hầm lò khai thác... rợn người
(Dân trí) - Bất chấp cảnh quan môi trường bị tàn phá, tính mạng bị đe dọa vì hầm lò có thể sạt lở bất cứ lúc nào, hàng trăm người ngày đêm vẫn lén lút khai thác quặng vàng trái phép tại thôn Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, Phú Ninh, Quảng Nam).
Gần một ngày theo chân lực lượng an ninh của mỏ vàng Bồng Miêu, chúng tôi chứng kiến hàng chục hầm lò vẫn hoạt động “ì xèo” tại các khu vực thác Trắng, Hố Gần, bãi số 6...
Hỏi chuyện một “phu vàng” tên Nguyễn Hữu Cường, được biết Cường mới từ ngoài Bắc vào đây xin việc làm, được chủ trả 3 triệu đồng một tháng. Hỏi không sợ sập hầm sao? Cường nói nhà nghèo quá, biết nguy hiểm nhưng không làm thì không biết lấy gì để sinh sống. Hầu như những "vàng tặc" mà chúng tôi gặp ở đây đều chung một câu trả lời như thế.
Đa số “vàng tặc” là người dân xã Tam Lãnh và các xã lân cận của huyện Phú Ninh và Núi Thành, đặc biệt từ Tết Nguyên đán đến nay một lực lượng lớn lao động từ các tỉnh phía Bắc vào, trong đó đa phần là người dân ở huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) vào làm công cho các chủ lò.
Ông Võ Hoàng Anh, Trưởng giám sát an ninh của mỏ vàng Bồng Miêu cho biết: Lực lượng an ninh của mỏ vàng Bồng Miêu chỉ có quyền đẩy đuổi “vàng tặc” ra khỏi khu vực mỏ đã được Nhà nước giao chứ không được bắt giữ người, dẹp các lán trại và dụng cụ đào đãi vàng trái phép. Công việc giữ người, dẹp phá các máy móc và lán trại của “vàng tặc” là của lực lượng công an xã và huyện nên tình hình khai thác vàng trái phép cứ tái đi tái lại.
“Khi nào có lực lượng của địa phương phối hợp đẩy đuổi thì tình hình tạm lắng một thời gian, sau đó thì vẫn như cũ”, ông Anh cho biết.
Bên cạnh những lán trại lo hậu cần là những miệng hố sâu thăm thẳm ăn vào lòng núi. Cạnh đó là hàng chục ống dẫn nước vào để xay quặng và ống dẫn quặng đã xay ra các bể lọc bên ngoài. Chưa kể các chất độc để tuyển vàng như thủy ngân và cyanua được “vàng tặc” thải ra làm ô nhiễm nguồn nước con sông Bồng Miêu và ảnh hưởng đến khu dân cư phía dưới.
Ông Võ Hoàng Anh cho biết, kể cả lực lượng chức năng cũng chỉ có thể đẩy đuổi, thu giữ máy móc và dẹp các lán trại chứ không thể nào chui vào các hầm lò này để “mời vàng tặc” ra vì rất nguy hiểm.
“Mặc khác khi biết có lực lượng chức năng đi kiểm tra là hàng trăm “vàng tặc” cố thủ trong lòng hầm lò hàng tuần, họ đem lương thực, nước uống tự nấu ăn trong đó nên muốn dẹp được cũng khó”, một cán bộ an ninh cho biết.
Trong khu vực hầm lò (nơi công ty vàng Bồng Miêu chưa khai thác), có khoảng 30 máy xay đang hoạt động trong lòng hầm lò. Tại các khu hầm lò AD1, AD2, AM... có khoảng 150 người đang “cố thủ” khai thác trái phép.
Tại khu vực dân cư có 27 máy đang hoạt động xay đá, xái quặng khai thác trái phép từ trong mỏ làm ô nhiễm môi trường tại khu dân cư...
Ông Bùi Quang Minh, Chủ tịch xã Tam Lãnh, cho biết từ sau Tết Nguyên đán đến nay, lực lượng chức năng của xã và huyện Phú Ninh đã tổ chức truy quét 2 đợt thu tổng cộng 21 máy xay đá quặng, 7 máy phát điện, đẩy đuổi 200 người ra khỏi khu vực, tạm giữ 21 xe máy, phá hủy trên 20 lán trại, tịch thu 7 tạ quặng... Ngoài ra, lực lượng chức năng còn san lấp gần 20 hầm lò trái phép tại khu vực thác Trắng.
Tuy nhiên, sau khi lực lượng chức năng rút đi, tình hình vẫn tiếp diễn như cũ, và hàng trăm “vàng tặc” vẫn cương quyết “bám trụ” để khai thác quặng vàng vì ngoài công việc sản xuất nương rẫy và trồng lúa nước, thời gian nông nhàn họ không có công ăn việc làm nào khác. Đặc biệt, nguồn thu từ khai thác vàng quá lớn so với làm các nghề khác nên khó có thể dẹp hết.
Cạnh một cửa lò khác, nước từ trong chảy ra đỏ quạch, bốc bùi khó chịu
Một cửa lò trên núi Hố Gần đã bịt kín nhưng vẫn bị “vàng tặc” khoét ra để chui vào khai thác
Hạ gỗ to và xẻ ra để làm đà chống lò
Một bể lọc đã bị “vàng tặc” đậy lại và bỏ trốn khi biết có đoàn kiểm tra
Bể nhỏ bên cạnh bể lớn để vàng lắng xuống
Lực lượng chức năng đang kiểm tra một bãi khai thác vàng trái phép
Có khi máy bị lấp đất hòng phi tang