1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Vàng, đất hiếm được đề xuất là khoáng sản chiến lược của Việt Nam

Thế Kha

(Dân trí) - Cục Khoáng sản Việt Nam đề xuất danh mục khoáng sản chiến lược, quan trọng của Việt Nam gồm đất hiếm, khoáng sản phóng xạ, kim loại hiếm, kim loại đang thiếu hụt (vàng, thiếc - wolfram, đồng).

Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại cuộc họp về danh mục khoáng sản chiến lược, quan trọng vừa diễn ra, ông Trần Phương, Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam, khẳng định Luật Khoáng sản năm 2010 không có quy định khoáng sản chiến lược, quan trọng.

Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đang trình Quốc hội cho ý kiến, đề xuất "khoáng sản chiến lược, quan trọng là khoáng sản thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững và tăng cường quốc phòng, an ninh của đất nước" (khoản 14 Điều 3).

Vàng, đất hiếm được đề xuất là khoáng sản chiến lược của Việt Nam - 1

Ông Trần Phương, Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam (Ảnh: Mai Đan).

Ông Phương nói Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 334/2023 đặt mục tiêu cân đối giữa khai thác với dự trữ khoáng sản quốc gia đối với một số khoáng sản chiến lược, quan trọng, quy mô lớn làm cơ sở phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Ưu tiên thăm dò các mỏ quặng ẩn sâu đáp ứng nhu cầu khai thác, chế biến đối với các khoáng sản có quy mô lớn.

Chiến lược cũng chỉ rõ định hướng phát triển, đánh giá tổng thể tiềm năng các khoáng sản chiến lược, quan trọng gồm: Đất hiếm, khoáng sản phóng xạ (urani-thori), kim loại hiếm (liti, berili, coban), kim loại đang thiếu hụt (vàng, thiếc - wolfram, đồng, niken)…

Ngoài ra, Nghị quyết số 10/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định một số mục tiêu tổng quát, cụ thể trong điều tra cơ bản địa chất khoáng sản đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin, dữ liệu khoáng sản phục vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Từ cơ sở đó, Cục Khoáng sản Việt Nam đề xuất danh mục khoáng sản chiến lược, quan trọng của Việt Nam gồm đất hiếm, khoáng sản phóng xạ (urani-thori), kim loại hiếm (liti, berili, coban), kim loại đang thiếu hụt (vàng, thiếc -wolfram, đồng, niken), các khoáng chất công nghiệp, khoáng sản làm vật liệu xây dựng và các khoáng sản bổ sung thay thế cát, sỏi lòng sông.

Vàng, đất hiếm được đề xuất là khoáng sản chiến lược của Việt Nam - 2

Cơ quan chức năng kiểm tra mỏ đất hiếm Đông Pao (Lai Châu) vào tháng 5/2023 (Ảnh: Cổng TTĐT huyện Tam Đường).

Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam Trần Bình Trọng phân tích, khoáng sản chiến lược là các khoáng sản có vai trò quan trọng đối với an ninh quốc gia và sự phát triển kinh tế; được sử dụng trong các ngành công nghiệp then chốt như quốc phòng, năng lượng, công nghệ cao và y tế.

Khoáng sản chiến lược và khoáng sản quan trọng đều có giá trị kinh tế cao và có nhu cầu cao trên toàn cầu, khai thác phức tạp.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên yêu cầu Cục Khoáng sản Việt Nam phối hợp với Cục Địa chất Việt Nam rà soát, hoàn thiện danh mục khoáng sản chiến lược, quan trọng; bổ sung thêm thông tin, số liệu đầy đủ về khoáng sản chiến lược, quan trọng của một số quốc gia khác để tham khảo.

Đất hiếm tại Việt Nam phân bố chủ yếu ở vùng Tây Bắc. Các mỏ đất hiếm gốc tập trung ở Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái. Hiện nay, mỏ đất hiếm kiểu quặng gốc ở Lai Châu có trữ lượng lớn nhất cả nước, có thể khai thác theo quy mô công nghiệp. Các nhà khoa học gọi đất hiếm là những nguyên tố của tương lai.

Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ở Việt Nam dự kiến đến năm 2030 sẽ khai thác khoảng 2 triệu tấn quặng đất hiếm nguyên khai/năm.