Vận động viên cũng là người lao động, tại sao thiếu BHYT?
(Dân trí) - “Các VĐV lên tiếng về sự thiệt thòi khi không có BHYT, còn ngành thể thao trăn trở vì chưa có giải pháp. Trong khả năng của mình, ngành thể thao chỉ biết làm tốt nhất có thể để hỗ trợ cho các VĐV, còn chuyện cấp thẻ BHYT lại là sự vào cuộc của nhiều ban, ngành”.
Thay vì lảng tránh như nhiều người nghĩ, vấn đề "tế nhị" liên quan đến BHYT được lãnh đạo ngành thể thao nhìn nhận một cách thẳng thắn. Thực tế thì ngành thể thao luôn mong có chế độ tốt nhất cho các VĐV, nhưng đây không phải là vấn đề riêng của ngành.
VĐV cũng giống người lao động ngành khác
Ông Vương Bích Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao (TDTT), cho biết: “Ngoài chế độ dinh dưỡng, tiền công và tiền thưởng, các chế độ khác đối với VĐV cũng được thực hiện giống như người lao động những ngành nghề khác. Tuy nhiên, trong trường hợp không may bị chấn thương nặng phải giải nghệ sớm, VĐV chỉ được hưởng mức trợ cấp thương tật hàng tháng theo quy định của Nhà nước”.
Vấn đề BHYT, theo ông Vương Bích Thắng, chỉ có những VĐV vào biên chế mới được đóng bảo hiểm này. “Nhưng như chúng ta đã biết có rất ít các VĐV được vào biên chế. Chỉ có những trường hợp thi đầu đạt thành tích cao như Ánh Viên (bơi), Thúy Vi (wushu), Hoàng Xuân Vinh (bắn súng)… mới được vào biên chế”.
Ông Vương Bích Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT
Ông Vương Bích Thắng cho biết, các VĐV không được mua BHYT vẫn sẽ được đơn vị sử dụng lao động chi trả các khoản điều trị khi bị ốm đau, chấn thương, tai nạn trong thời gian tập luyện, thi đấu.
Việc cấp thẻ BHYT cho toàn bộ các VĐV không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành thể thao, mà còn liên quan đến khả năng chi trả của Nhà nước. Hơn nữa, các VĐV sẽ được đóng BHYT ở địa phương hay CLB chủ quản.
“Nhưng theo tôi biết, vấn đề này đang gặp nhiều khó khăn bởi cơ chế và bản thân các VĐV cũng chuyển từ địa phương này sang địa phương khác, từ CLB này sang CLB khác để có mức thu nhập cao hơn” - ông Vương Bích Thắng nói.
"Với các VĐV được gọi lên đội tuyển quốc gia, nếu trong thời gian ở đội tuyển mà bị chấn thương, đau ốm, các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia, Tổng cục TDTT sẽ có trách nhiệm chi trả chi phí điều trị cho VĐV” - ông Vương Bích Thắng nói.
Món nợ tình người
Cũng theo ông Thắng, vấn đề BHYT khiến Tổng cục TDTT rất trăn trở nhiều năm qua. Các VĐV đều tập luyện, thi đấu cống hiến hết mình và họ đã mang nhiều vinh quang về cho tổ quốc.
So với mặt bằng chung của xã hội hiện nay, thu nhập của hầu hết VĐV, kể cả tuyển thủ quốc gia mới ở mức trung bình và trung bình thấp. Trong khi đó, việc tập luyện thi đấu ngày càng có nhiều rủi ro và nguy cơ.
Chính vì thế, ngành thể thao, Tổng cục TDTT cũng có những nỗ lực hết khả năng để mong sao có cơ chế đãi ngộ tốt nhất với các VĐV.
Điều mà ông Thắng nói đến chính là vai trò của xã hội hóa trong thể thao. Các VĐV không thể chỉ trông chờ vào chính sách nhà nước, mà họ cần nhận được sự quan tâm của xã hội.
Thi đấu vì màu cờ sắc áo
Thực tế thì những năm qua, nhiều VĐV bị chấn thương nặng sau khi được báo chí lên tiếng, đã được tài trợ kinh phí để chữa trị. Ngay cả trường hợp mới đây của VĐV Nguyễn Huyền Trang, dù đã giải nghệ nhiều năm nhưng vẫn được nhiều nhà hảo tâm ủng hộ vật chất.
Được biết, Tổng cục TDTT cũng đã thành lập “Quỹ hỗ trợ VĐV” để có một nguồn kinh phí riêng đảm bảo hỗ trợ kịp thời cho các trường hợp VĐV hay cựu VĐV bị tật bệnh, chấn thương hay có hoàn cảnh khó khăn.
Tuy nhiên, với số lượng VĐV cả nước lên tới hàng nghìn như hiện nay, trong khi kinh phí chữa trị chấn thương trong thể thao lại vô cùng lớn, nên “Quỹ hỗ trợ VĐV” cũng cần có sự giúp đỡ của xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp.
Ở nước ngoài, vấn đề bảo hiểm cho các VĐV được làm rất chặt chẽ, các VĐV được hưởng quyền lợi rất lớn khi gặp chấn thương hay đau ốm. Trong khi ở Việt Nam, thật đau xót khi nhiều VĐV như bị bỏ rơi vì dính chấn thương nặng phải giải nghệ.
Vẫn biết chuyện bảo hiểm cho các VĐV (trong đó có BHYT) là bài toán không hề dễ giải không chỉ của ngành thể thao, nhưng đã đến lúc các VĐV cần được hưởng các chế độ một cách xứng đáng, với đúng những đóng góp của họ với đất nước.
Trưởng bộ môn điền kinh (Tổng cục TDTT) Dương Đức Thủy:
Các thành viên của đoàn thể thao VN đều có bảo hiểm. Khi các VĐV lên trung tâm huấn luyện, các trung tâm ký hợp đồng bảo hiểm cho các VĐV. Khi VĐV nhận thức được không biết ngày mai họ sẽ như thế nào, họ phải tự bỏ tiền mua bảo hiểm cho mình (nếu chưa được cấp), để phòng mọi rủi ro.
Không thể đòi hỏi Nhà nước chi trả cho họ được. Tôi xin nhấn mạnh, VĐV muốn trân trọng bản thân mình, khi chưa được cấp bảo hiểm, hãy tự mua bảo hiểm cho mình. Chúng ta chưa có đề án gì về việc nâng cao nhận thức cho VĐV về việc tự trang bị bảo hiểm cho họ. VĐV phải nhận thức được đóng góp gì cho xã hội, đòi hỏi gì với xã hội
HLV Văn Thị Thanh (CLB bóng đá nữ Hà Nam):
Từ khi còn thi đấu tôi chưa biết thẻ BHYT là gì. Phải đến khi vào biên chế ngành thể thao Hà Nam thì mới được đóng BHYT. Tất nhiên, không phải ai cũng được may mắn như tôi. Ở đội tuyển Hà Nam hiện tại, hầu hết các cầu thủ không được đóng BHYT. Đó là một thiệt thòi rất lớn với các cầu thủ. Việc được vào biên chế công chức tỉnh với các cầu thủ rất khó, thậm chí không thể.
Tôi được biết, nếu muốn đóng BHYT cho các cầu thủ này thì phải xin chủ trương, kinh phí từ UBND tỉnh. UBND tỉnh phải đưa ra HĐND tỉnh xin ý kiến, nếu được thông qua thì mới được chấp nhận. Với những trường hợp chấn thương hiện tại, ngoài sự hỗ trợ của CLB, thì gia đình các cầu thủ đó cũng đóng góp. Dù vậy, không phải gia đình nào cũng có điều kiện kinh tế, nên rất khó khăn.
Thạch Lâm