1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Những nhà vô địch không... bảo hiểm!

(Dân trí) - Nghiệp thể thao luôn đi kèm nguy cơ chấn thương cao, vì thế thẻ bảo hiểm y tế như một “lá bùa hộ mệnh”, giúp các vận động viên yên tâm hơn khi thi đấu, hết mình vì màu cờ sắc áo. Nhưng rất ít người được cấp thẻ BHYT, ngay cả khi họ là tuyển thủ quốc gia.

Nguy cơ chấn thương, thương tật vĩnh viễn luôn thường trực với vận động viên thể thao.
Nguy cơ chấn thương, thương tật vĩnh viễn luôn thường trực với vận động viên thể thao.

Nhà vô địch thế giới không có BHYT…

Nguyễn Huyền Trang - cựu vô địch thế giới môn đá cầu, nhập viện Ung bướu Hà Nội từ năm 2014 tới nay vì bệnh ung thư vú đã di căn vào xương. Bác sĩ Hán Thị Bích Hợp - người trực tiếp điều trị cho Trang, cho biết, bệnh của Trang đã ở giai đoạn 4 - cấp nặng nhất.

Để điều trị phải mất rất nhiều chi phí và lúc này chưa thể có con số cụ thể. Và điều khiến bác sĩ Hợp ngạc nhiên là: Trang từng là tuyển thủ quốc gia nhưng lại không có bảo hiểm y tế.

Trao đổi với chúng tôi, mẹ của Trang buồn rầu: “Suốt nhiều năm thi đấu trên Đội tuyển quốc gia, Trang chỉ nhận đúng mức lương tháng khoảng 1 triệu đồng, không có bất cứ khoản hỗ trợ hay bảo hiểm y tế. Đến khi biết Trang bị bệnh, gia đình mới mua bảo hiểm tự nguyện cho em, nhưng cũng chỉ bớt được phần nào. Giờ thì cũng vay nợ khắp nơi rồi, số tiền lên tới vài trăm triệu”.

Phía sau trường hợp của nhà cựu vô địch thế giới môn đá cầu Huyền Trang đang hàng ngày vận lộn với căn bệnh ung thư là nỗi buồn của chiếc thẻ bảo hiểm y tế, là những trăn trở của rất nhiều người, đặc biệt là các vận động viên (VĐV).

Huyền Trang chia sẻ rằng, khi thi đấu, cô chỉ nghĩ mình phải cống hiến hết khả năng, nếu chẳng may có chấn thương sẽ được đơn vị chủ quản hay trên đội tuyển lo.


Nhà cựu vô địch Nguyễn Huyền Trang với căn bệnh tốn kém tiền bạc.

Nhà cựu vô địch Nguyễn Huyền Trang với căn bệnh tốn kém tiền bạc.

Nếu không có BHYT, những khi ốm đau, các VĐV phải lo tiền để mua thuốc cũng như viện phí, chứ không trông mong gì những khoản hỗ trợ từ CLB hay đội tuyển quốc gia (ĐTQG).

“Bao năm cống hiến và giành 2 HCV thế giới, nhưng tôi chưa biết mặt mũi thẻ BHYT ra sao. Ngay khi biết bệnh nặng, gia đình mới mua thẻ BHYT tự nguyện. Tôi nghĩ rằng các VĐV khác cũng giống như mình. Họ dù là tuyển thủ hay VĐV trẻ, cũng đều trong cảnh mòn mỏi chờ BHYT” - Huyền Trang nghẹn ngào.

Và câu chuyện VĐV không có BHYT không phải là câu chuyện mới, bây giờ mới được nói tới...

Gần chục năm theo nghiệp VĐV, chưa từng biết "mặt" BHYT!

“BHYT là gì hả anh? Gần chục năm theo nghiệp VĐV, em chưa biết BHYT là gì”, đó là câu trả lời của hầu hết các VĐV khi được chúng tôi hỏi về vấn đề BHYT. Theo các VĐV này, việc mong muốn có BHYT là một chuyện, nhưng có được cấp hay không lại là chuyện khác.

Một VĐV ở đội tuyển wushu (xin giấu tên) cho biết: “Ở đội tuyển wushu chỉ có mình tôi có thẻ BHYT. Lý do bởi tôi chính thức vào biên chế của ngành. Còn theo tôi biết các VĐV khác, kể cả tuyển thủ quốc gia đều không có BHYT, chứ đừng nói các VĐV trẻ”.

Cũng theo VĐV này, thể thao là nghề có tính đặc thù, với môn wushu lại càng có đặc thù đặc biệt. Chỉ cần một động tác sai, là có thể đứt dây chằng đầu gối, gãy xương, nghỉ thi đấu cả năm trời.

Sau chấn chấn thương, tấm thẻ BHYT có thể phần nào động viên VĐV yên tâm chữa trị.
Sau chấn chấn thương, tấm thẻ BHYT có thể phần nào động viên VĐV yên tâm chữa trị.

Các VĐV hầu hết đều xuất thân từ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nên nếu không có BHYT, việc chữa trị sẽ vô cùng nan giải.

Một VĐV khác ở môn vật chia sẻ: “Tôi được biết nhiều ngành nghề khác đều có thẻ BHYT, nhưng với VĐV lại không thì thực sự khó hiểu. Không có BHYT, các VĐV liệu có phấn đấu hết mình trên sàn tập với nguy cơ chấn thương rình rập?”.

Được biết, nếu VĐV được gọi lên tuyển mà bị bệnh hay dính chấn thương, họ sẽ được chi tiền chữa trị, chủ yếu tại bệnh viện chuyên ngành. Tuy nhiên, khi trở về địa phương, chỉ một vài nơi thực sự quan tâm tới sức khỏe của các VĐV, còn hầu hết tự phải lo lấy thân.

Thậm chí đã xảy ra những tranh cãi giữa địa phương và ĐTQG khi VĐV lên tuyển làm nhiệm vụ quốc gia. Các địa phương không chấp nhận việc phải chữa trị chấn thương cho VĐV dính chấn thương khi đang thi đấu ở trên tuyển. Gần nhất có trường hợp chấn thương của VĐV bơi lội Hoàng Quý Phước rơi vào cảnh trớ trêu này.

Chấp nhận hiểm nguy vì màu cơ sắc áo
Chấp nhận hiểm nguy vì màu cơ sắc áo

Trường hợp của VĐV điền kinh Nguyễn Thị Huyền cũng khiến nhiều người bất ngờ. Trở thành “hiện tượng” của thể thao Việt Nam tại SEA Games 28, được báo chí ca ngợi, hàng triệu người hâm mộ, nhưng ít ai biết rằng VĐV người Nam Định này không có bất cứ loại bảo hiểm gì. Huyền cho biết, ngay cả thẻ BHYT tưởng như đơn giản, cô cũng đã không nhìn thấy kể từ hồi còn là… học sinh.

“Khi lên ĐTQG, tôi được kiểm tra sức khỏe định kỳ, mỗi năm một lần, gồm xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, chụp X-quang… nhưng điều mà tôi mong muốn là có bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm cho đôi chân, BHYT… thì lại không có", nữ VĐV chia sẻ.

Với những VĐV có thành tích cho Quốc gia may ra còn được chữa trị, chăm sóc ở những bệnh viện lớn. Còn những VĐV chưa có tên tuổi, nếu bị chấn thương trong lúc tập luyện, thi đấu, rất có thể sẽ phải tự chi trả mọi phí tổn điều trị. Và số phận của họ có thể sẽ vô cùng bi đát, nếu không may chấn thương trong lúc thi đấu đó khiến họ phải rời bỏ nghiệp VĐV mãi mãi...

Thạch Lâm