Vẫn có cách cứu hơn 20 cây xà cừ cổ thụ ở Hà Nội?
(Dân trí) - “Về mặt giải pháp kỹ thuật thì việc chặt hàng loạt cây xanh cổ thụ trên tuyến đường Láng để phục vụ cho dự án đường sắt trên cao là đúng. Nhưng nếu tính toán kỹ, vẫn có thể cứu được cây xanh…” - Kiến trúc sư Trần Huy Ánh chia sẻ.
Chiều qua (30/5), theo quan sát của phóng viên Dân trí tại tuyến đường Láng (quận Đống Đa) đoạn gần Ngã Tư Sở - Hà Nội, có khoảng 23 cây xà cừ cổ thụ quanh năm xòe bóng mát cho người dân Thủ đô đã bị đốn hạ. Giải thích về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Hưng - PGĐ Công ty Công viên cây xanh Hà Nội - cho biết: “Công ty đang tiến hành thi công chặt hạ cây xanh để giải phóng mặt bằng cho dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông”.
Hàng loạt cây xà cừ cổ thụ trên đường Láng đã bị chặt hạ
Một số đoạn của đường Láng, hình ảnh hàng cây xòe bóng mát như này sẽ không còn
Trao đổi với PV Dân trí, Kiến trúc sư Trần Huy Ánh - Hội viên Hội Kiến trúc sư TP Hà Nội - cho biết, việc chặt hạ hàng loạt cây xanh cổ thụ trên tuyến đường Láng để phục vụ cho dự án tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, xét về mặt kỹ thuật là hoàn toàn đúng. Bởi theo KTS Ánh, tuyến đường sắt đi qua vị trí đó, sự tồn tại của hàng cây sẽ ảnh hưởng tới tầm nhìn. Hơn nữa, cây xà cừ có rễ ăn nông, mưa gió rất dễ bị đổ, sẽ ảnh hưởng tới công trình. Nhưng xét về mặt tình cảm, theo KTS Ánh, khi thực hiện bất cứ dự án nào, phải luôn coi cây xanh là di sản của thành phố, bởi đó là không gian xanh của Thủ đô.
“Hàng chục cây xà cừ cổ thụ tuyến đường Láng đã bị đốn hạ, và sẽ bị chặt tiếp để phục vụ Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Giờ thì không thể cứu được hàng cây này. Nhưng theo tôi, ngay khi bắt đầu thực hiện Dự án này, cần tính toán kỹ lưỡng hơn, bàn bạc với nhiều bên, tôi tin chắc sẽ có phương án cứu được hàng cây cổ thụ đó. Xin ý kiến nhân dân đồng tình, có như vậy mới là thành phố của nhân dân. Dự án đi qua khu vực này, có thể tính toán thêm điểm lượn, đưa trụ cầu sang bên kia của sông Tô Lịch thì sẽ cứu được hàng cây này” - KTS Trần Huy Ánh chia sẻ.
Theo KTS Ánh, nếu tính toán thêm điểm lượn đưa trụ cầu sang bên kia sông Tô Lịch thì có thể cứu được hàng cây
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông là tuyến đường sắt nhẹ đi trên cao, phục vụ vận tải hành khách công cộng với chiều dài 13,05km, xuất phát từ nút giao Cát Linh - Giảng Võ. Dự kiến, đến năm 2015 tuyến đường sắt đô thị này sẽ đi vào khai thác, giải quyết một phần cơ bản nhu cầu đi lại của nhân dân Thủ đô từ phía Tây Nam vào trung tâm thành phố - hướng có lưu lượng giao thông lớn nhất hiện nay.
Nguyễn Dương