1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thủ tục hành chính:

Vẫn cải cách kiểu... dân dọn sẵn!

Đánh giá sự thoả mãn của người dân về cải cách hành chính, các sở, quận ở TPHCM đều đưa ra tỷ lệ trên 80% hài lòng. Nhưng khi mang những con số này đi hỏi lại thì UBND thành phố ngay lập tức nhận được phản ứng gay gắt của người dân.

Để đánh giá nửa chặng đường của năm cải cách hành chính (CCHC), đoàn công tác của UBND TPHCM do Phó Chủ tịch Thường trực Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đã kiểm tra, khảo sát tại một số sở ngành, quận huyện.

Khoảng cách từ báo cáo đến thực tế

Tại hầu hết các đơn vị, đoàn kiểm tra đều được “đón tiếp” bằng một bản báo cáo dài với những thành tích vượt trội. Những con số thật hấp dẫn: trên 90% hồ sơ được giải quyết đúng thời gian quy định.

Ngay Sở Tài nguyên và Môi trường - một sở được người dân gọi là “nóng” nhất - vẫn báo cáo có 88,8% số hồ sơ giải quyết đúng hạn, Sở Xây dựng thì 92% hồ sơ đúng hạn. Hấp dẫn hơn là ở quận Phú Nhuận, các lĩnh vực đất đai, hộ tịch đều đạt 100%.

Đánh giá sự hài lòng của người dân, bình quân trên 80% ý kiến hài lòng về kết quả cung cấp dịch vụ hành chính công. Cụ thể, Sở Giao thông Công chính, 99% số khách hàng được khảo sát đã hài lòng; Sở Kế hoạch Đầu tư trên 82%; quận Phú Nhuận đạt trên 96%...

Khi tự đánh giá kết quả thực hiện cơ chế hành chính “một cửa”, nơi nào cũng tỏ ra phóng khoáng với mình. Quận Phú Nhuận tự chấm cho mình 129 điểm (cả điểm thưởng), trên luôn cả mức điểm chuẩn là 120; Sở Xây dựng, Sở Giao thông Công chính thì “khiêm tốn” hơn, tự đánh giá đạt 95/100, 96/100 điểm…

Mang con số hài lòng do các đơn vị cung cấp hỏi người dân, lập tức bị dân phản ứng gay gắt. Bác Nguyễn Văn Tám, nhà ở Gò Vấp nói: Cứ nhìn bản công khai quy trình, hồ sơ, thủ tục của quận mà đánh giá là cải cách tốt, 80% - 90% dân “hài lòng” thì cán bộ đó không gần dân. Vì có trong vai người dân, cầm hồ sơ chạy vòng vòng mới thấy dân khổ thế nào.

Bác kể: “Tôi mới giúp người con làm thủ tục nhà đất, đã một năm rồi vẫn chưa xong. Lệ phí hồ sơ thì chẳng mất mấy đồng nhưng bản vẽ nhà lại tốn tiền triệu. Dù đã xin bản vẽ tại đúng công ty do quận niêm yết công khai, nhưng ở quận Tân Phú lại ra quy định là phải nộp bản vẽ đó cho cán bộ đi kiểm tra đối chiếu thực tế lại, nếu đạt thì bản vẽ mới có hiệu lực. Thời gian vẽ bản vẽ chỉ mất một tháng nhưng thời gian cán bộ “giam” bản vẽ để kiểm tra thì đến… 2 tháng! Xong chuyện cái bản vẽ lại đến chuyện chữ ký xác nhận của phường.

Hết xác nhận tình trạng nhà có bị tranh chấp, nằm trong quy hoạch hay không, đến xác nhận tình trạng hôn nhân, phường chỉ xuống khu vực, khu vực chỉ lên phường. Xác nhận thì ở phường nhưng phải lên quận mua mẫu hồ sơ, giấy tờ; nộp hồ sơ, giấy tờ ở quận nhưng phải về phường xác nhận... Cứ thế rối tung lên. Mà chuyện gì cán bộ cũng đẩy về phía dân. Ngay cả phiếu “biên nhận” hồ sơ- là việc của người tiếp nhận hồ sơ- cán bộ cũng đưa cho dân viết, liệt kê đầy đủ giấy tờ trong hồ sơ, nếu ghi sai còn bị… la nữa!”.

Trường hợp của bà Sùi A Tài, số nhà 291 Âu Cơ còn dở khóc dở cười. Cán bộ sơ ý mà gia đình bà phải theo đuổi hàng năm trời cho tờ giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà. Số là, trước đây, cán bộ quận đi lập biên bản “nhà do nhà nước quản lý” đối với căn nhà 291 Âu Cơ, nhưng vì có 2 số nhà 291 (một nằm trong hẻm, một ở mặt tiền đường) thế là lập nhầm căn nhà của bà. Do là người Hoa không hiểu hết tiếng Việt nên bà ký.

Sau này, khi phường tiến hành khai cấp chủ quyền nhà đồng loạt mới hay căn nhà sở hữu nhà nước (dù bà có giấy tờ sang nhượng hẳn hoi). Thế là hành trình đi xin chủ quyền nhà bắt đầu với đủ loại hồ sơ giấy tờ. Cả năm trời cho việc lên sở trích lục hồ sơ, rồi xuống quận chứng thực, xác nhận… đến giờ vẫn chưa xong.

Bởi thế, nhiều người ví von, quy trình và quy định về thủ tục hành chính của nhà nước giống như mâm cơm đã dọn sẵn, cán bộ cứ thế mà xơi chứ không biết được người dân phải khổ sở với các loại giấy tờ trước đó như thế nào mới đủ yêu cầu nhà nước đặt ra.

Sở ngành: Chậm là do... đơn vị khác!

“Đột” vào lĩnh vực nhạy cảm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề với Sở Xây dựng: 92% hồ sơ giải quyết đúng hạn, vậy 8% còn trễ vì lý do gì? - “Do phối hợp giữa các cơ quan nhà nước khó khăn nên giải quyết chậm!”- lãnh đạo sở giải thích. Những nơi quy hoạch chưa được duyệt, phải gởi công văn hỏi Sở Quy hoạch Kiến trúc, sở trả lời chậm dẫn đến quy trình giải quyết hồ sơ chậm.

Hỏi Sở Quy hoạch Kiến trúc thì ở đây lại “đá” qua do nhiều quận- huyện không giao bản đồ quy hoạch đã được duyệt để sở kiểm tra, thực hiện quy hoạch nên chậm! Sở Tài nguyên - Môi trường giải thích nguyên nhân đến 30% hồ sơ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất trễ hạn là do các sở phối hợp không tốt. Thay vì phải cử người có thẩm quyền giải quyết thì lại cử chuyên viên dự họp tổ liên ngành rồi về báo cáo lại.

Nói về nguyên nhân trễ hẹn của hơn 20% hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường cho rằng, do phải chuyển hồ sơ cho các sở ngành lấy ý kiến về quy hoạch, chuyển cho quận huyện xác định lại nguồn gốc sử dụng đất hoặc phải trao đổi với các sở ngành liên quan… Cứ thế, cuối cùng thì chẳng ngành nào có lỗi và nhận trách nhiệm trong việc chậm trễ hồ sơ của dân!

Phó chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ đạo, từ nay đến cuối năm, sở ngành chủ trì giải quyết hồ sơ ở lĩnh vực mình có liên quan đến các đơn vị khác thì phải xây dựng quy chế liên thông, trình UBNDTP ban hành để thực hiện. Chấm dứt việc các ngành chậm trễ hoặc không hợp tác trong việc xử lý hồ sơ.

Dù việc xử lý của lãnh đạo thành phố như thế là tích cực. Thế nhưng, người dân vẫn còn “ấm ức” về các chỉ số hài lòng của người dân mà các sở ngành báo cáo. Nhiều người đề nghị lãnh đạo thành phố nên giả dân hoặc theo dân đi làm hồ sơ để có cái nhìn chính xác, toàn diện hơn. Vì thành phố đã chọn mục tiêu của Năm CCHC là lấy sự hài lòng của dân làm thước đo hiệu quả CCHC thì phải đứng từ góc độ người dân mà nhận định! Đừng bắt dân phải “dọn sẵn” mọi thứ hồ sơ, giấy tờ rồi chỉ việc giải quyết, song lại bảo, cải cách “đã tốt rồi!”. 

Theo Hàn Ni
Sài Gòn Giải Phóng