Vải thiều "bay" sang Nhật cần qua quy trình sản xuất khắt khe như thế nào?
(Dân trí) - Để quả vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) sang được thị trường Nhật Bản, từ khi vải ra hoa đến thu hoạch phải có 100 ngày chăm sóc đặc biệt, qua 5 lần đánh giá tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.
Năm 2022, diện tích vải thiều toàn huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) là 3.273ha, sản lượng dự kiến đạt 45.000 tấn.
Để quả vải thiều Thanh Hà sang được thị trường Nhật Bản, từ khi vải ra hoa đến thu hoạch phải có 100 ngày chăm sóc đặc biệt, qua 5 lần đánh giá tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.
Trong quá trình chăm sóc, người trồng vải phải thường xuyên cắt tỉa quả để quả vải thu hoạch đảm bảo đồng đều và kích thước đạt tiêu chuẩn 25-30 quả/kg. Trước khi thu hái, cần kiểm tra hàm lượng đường tối thiểu ở quả vải.
Chính vì vậy, để bảo đảm chất lượng quả vải từ khâu sản xuất, huyện Thanh Hà đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho nông dân nhằm hướng dẫn quy trình sản xuất vải an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế, cấp sổ, bút để ghi chép nhật ký sản xuất cho các đối tượng là cán bộ kỹ thuật, cán bộ cơ sở, các hộ kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các hộ nông dân trong vùng sản xuất.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, bà Nguyễn Thị Lụa (52 tuổi, ở thôn Lại Xá 2, xã Thanh Thủy, Thanh Hà, Hải Dương) cho biết, yêu cầu sản xuất vải thiều xuất khẩu sang các thị trường như Nhật Bản rất khắt khe, như khâu chăm sóc phải "cao" hơn, phân bón tốt hơn, phun thuốc bảo vệ thực vật… phải theo đúng quy trình của cán bộ cấp trên đề ra.
"Sau khi phun thuốc bảo vệ thực vật lần cuối trước khi thu hoạch, khoảng 15 ngày sau đơn vị thu mua xuất khẩu sẽ đến lấy mẫu vải đi kiểm tra hàm lượng tồn dư thuốc, nếu không còn tồn dư mới được thu hoạch. Thông thường, trước khi thu hoạch, người của đơn vị thu mua sẽ về vườn kiểm tra vải, nếu đủ tiêu chuẩn sẽ thông báo cho chúng tôi thu hoạch", bà Lụa nói.
Bà Lụa chia sẻ thêm, gia đình bà tham gia mô hình sản xuất vải theo tiêu chuẩn xuất khẩu đã được 3-4 năm và thấy rằng, mẫu mã quả vải đẹp, chất lượng vải tốt hơn. Khi mẫu mã và chất lượng quả vải trong vườn được tốt lên, không riêng các đơn vị thu mua xuất khẩu, mà các đơn vị thu mua tiêu thụ trong nước cũng tìm đến nhà bà Lụa để mua, từ đó thu nhập của gia đình bà đã tăng lên đáng kể.
Giống như bà Lụa, gia đình bà Nguyễn Thị Duyên (59 tuổi) ở cùng thôn cũng có mô hình trồng vải theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Bà Duyên vui mừng chia sẻ, sản xuất theo mô hình này đem lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập của gia đình tăng lên.
Bà Duyên cho biết, thông thường các đơn xuất khẩu đến thu mua vải rất sớm, gia đình bà phải thu hoạch vải từ 3h sáng mỗi ngày, mục đích để quả vải được tươi ngon.
Theo UBND huyện Thanh Hà, đến thời điểm này, sản lượng vải năm toàn huyện ước đạt 44.000 tấn. Trong đó 50% xuất khẩu Trung Quốc; 5% xuất khẩu sang các nước Mỹ, Nhật, EU, Singapo; 45% tiêu thụ nội địa. Giá trị quả vải của huyện Thanh Hà năm 2022 ước đạt khoảng 1.500 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp lớn như Công ty CP Ameii Việt Nam, Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ, Công ty CP nông sản Hưng Việt,… là những đơn vị đầu mối thu mua vải thiều xuất đến các thị trường chất lượng cao như Nhật Bản, Mỹ, Australia, EU…
Ngoài quy trình sản xuất khắt khe tại vườn, khâu sơ chế và bảo quản quả vải trước khi xuất khẩu cũng phải được thực hiện đúng quy trình trong các nhà máy.
Đại diện Công ty CP Ameii Việt Nam chi nhánh Thanh Hà - Hải Dương cho biết, quả vải sau khi từ vườn về sẽ qua công đoạn sơ chế để chọn lọc vải theo kích thước, theo quy cách yêu thích của khách hàng, loại bỏ vải hỏng…
Sau khi chọn lọc xong sẽ đưa vải vào buồng xông khử khuẩn Methyl Bromide khoảng 3 tiếng. Theo quy định của thị trường Nhật Bản, vải phải được xông Methyl Bromide để diệt trừ sâu bệnh gây hại.
Khi xông xong, vải sẽ được rửa bằng nước đá để loại bỏ chất Methyl Bromide còn bám trên vải.
Khâu xông Methyl Bromide sẽ làm mất một phần màu của quả vải, chính vì vậy sau công đoạn rửa vải bằng nước đá, vải sẽ chuyển sang công đoạn ngâm nước "đặc biệt" để phục hồi màu quả vải.
Tiếp đến, vải sẽ được sấy khô và chuyển sang công đoạn đóng gói.
Thời gian qua, cùng với sự lan tỏa rộng tại thị trường trong nước, trái vải thiều của huyện Thanh Hà còn vươn mạnh sang thị trường Trung Quốc, Australia, Pháp, Nhật Bản, Singapore, Canada, Mỹ…, được người tiêu dùng đánh giá cao về mẫu mã, chất lượng. Vải thiều Thanh Hà ngày càng khẳng định vai trò là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện và nâng cao đời sống, thu nhập cho nông dân.
Tính đến hết năm 2021, toàn huyện có 35 vùng với diện tích 400 ha vải đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đủ điều kiện xuất khẩu sang Mỹ, Australia, EU, Nhật Bản, Singapore, tập trung tại các xã: Thanh Quang, Thanh Cường, Thanh Hồng, Vĩnh Lập, Thanh Thủy, Thanh Xá, Thanh Sơn, Thanh Khê. Trong đó có 5 vùng với diện tích 50 ha đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.