Vác đất lên sân thượng, mẹ đảm Bình Dương trồng vườn hồng ngát hương
(Dân trí) - Sau hơn 2 năm dày công chăm sóc, khu vườn sân thượng của chị Phương Nga đã ngập tràn sắc hoa, quanh năm thơm ngát khiến bạn bè đều hết lời khen.
Vác đất lên sân thượng trồng hồng
Chị Ngô Phương Nga (Dĩ An, Bình Dương) bắt tay vào thực hiện vườn hồng trên sân thượng từ hơn 2 năm nay. Đều đặn mỗi ngày, dù nắng hay mưa, chị Nga cũng cặm cụi tỉa lá, bón phân, tưới cây…
Khoảng sân thượng có diện tích 115m2 được chị Nga cải tạo một phần để trồng hồng, một phần thiết kế không gian để cả gia đình có thể thư giãn, quây quần vào cuối tuần, nhâm nhi cà phê hay nướng BBQ.
Khu vườn sân thượng trở thành không gian để gia đình chị thư giãn, quây quần hay chào đón bạn bè.
Chị Nga cho biết, ý tưởng về khu vườn trên sân thượng là của ông xã. Tuy nhiên, do công việc của anh quá bận nên chị là người trực tiếp theo sát quá trình cải tạo sân thượng trong suốt mấy tháng liền. Thậm chí, người phụ nữ này từng phải vác từng bao đất qua đường cầu thang để đưa lên sân thượng.
Mặc dù, nhiều người "cảnh báo", hoa hồng ngoại là giống rất "đỏng đảnh", khó chăm nhưng chị Nga vẫn quyết định thử sức.
"Thời gian đầu, do chưa kinh nghiệm, cây yếu ớt, chẳng nở được bông hoa nào. Ông xã mình vốn không thích hoa hồng nên không mấy ủng hộ vợ", chị Nga kể. Tuy nhiên, chỉ sau nửa năm vào các hội nhóm để học hỏi kinh nghiệm của người đi trước, chị Nga đã đón lứa hồng đầu tiên, đẹp rực rỡ.
"Bắt bệnh sớm, trị bệnh tận gốc"
Do khu vườn nằm trên sân thượng nên có ưu điểm đón được nhiều ánh nắng. Chị Nga cho biết, ngoài nắng thì yếu tố quan trọng là giá thể. Nhờ giá thể tốt nên cây luôn được đảm bảo hấp thụ phân bón và phát triển tươi tốt. Thành phần giá thể bao gồm đất chiếm 30%, còn lại là xơ dừa, vỏ đậu phộng, trấu, xỉ than (đã cháy hết), phân bò, phân trùn quế.
Bên cạnh giá thể, yếu tố phân bón cũng không kém phần quan trọng. Chị Nga dùng hai loại phân chính để pha tưới hàng tuần là dịch cá và dịch chuối đậu tương. Dịch cá được tưới trước khi cắt tỉa cây khoảng 3 ngày giúp mầm non mới phát triển mạnh. Dịch chuối đậu tương được tưới vào thời điểm cây ra nụ và chuẩn bị nở bông, giúp hoa nở đồng loạt và màu cũng đẹp hơn.
Ngoài ra, chị còn dùng luân phiên các loại phân bón như phân bò, phân gà, phân dê, phân trùn quế theo định kỳ 1 - 2 lần/tháng giúp đất tơi xốp.
Hoa hồng cũng dễ bị rệp tấn công hay mắc bệnh nấm lá, đen thân vào mùa mưa. Do đó, chị Nga luôn quan sát để sớm phát hiện dấu hiệu bệnh, nhanh chóng đặc trị nhằm đưa lại hiệu quả.
Không chỉ vun vén cho 30 gốc hồng, chị Nga cũng trồng thêm những loại cây khác để khu vườn luôn xanh mát. Trong đó, một góc được người phụ nữ này thiết kế trồng rau xanh cung cấp cho bữa ăn hàng ngày.