Ứng xử với cá thiêng: tín ngưỡng thắng khoa học?
Gần đây, có khá nhiều trường hợp sinh vật biển quý hiếm trôi dạt vào bờ biển miền Trung, trong đó có loài cá theo quan niệm của ngư dân là cá thiêng: cá voi (cá ông), cá heo.
Hầu hết chúng đều chết sau đó, vì chỉ có dân địa phương hì hục cúng bái chứ không thấy sự tiếp sức của các nhà khoa học và giới hữu quan.
Tiêu bản cá nhám voi được bảo quản tại bảo tàng viện Hải dương học Nha Trang - chiến thắng hiếm hoi của nhà khoa học?
Mới đây nhất, trưa 27/8, người dân Quy Nhơn phát hiện một con cá heo cái màu đen, dài 1,5m, nặng trên 40kg, trôi dạt vào bờ biển trong tình trạng bị thương. “Cô” cá được để trên ban thờ hương án, có người làm lễ chủ trì hương khói, tụng kinh, xung quanh có cờ, lọng treo hai bên, và có người giữ cho “cô” không quẫy rớt. Sau những nỗ lực thả về biển thất bại, “cô” cá được tế sống trong tình trạng phía dưới vi ở khu vực bụng có dấu hiệu bị thương, hai mắt cá heo chảy nhiều nước, lỗ mang trên đầu vẫn còn thở và thi thoảng cá heo vẫn quẫy đạp. Rất đông người dân đã đến xem và thắp hương vái tạ.
Người dân đã ứng xử đúng với tín ngưỡng tâm linh của họ. Thế nhưng, về khoa học lại phản ánh sự “hụt hơi” của các cơ quan hữu trách các cấp khi chưa có sự ứng xử tích cực hơn với những sinh vật quý. Để cứu sống cá, cần có sự xuất hiện và tiếp sức của những nhà khoa học hữu quan, tuy nhiên như bộc bạch của một chuyên gia bảo tồn, “những trung tâm cứu hộ rất ít, hoạt động giải cứu động vật hoang dã cũng đang nhờ vào sự hợp tác của các tổ chức phi chính phủ”.
Ông Chu Anh Khánh, cán bộ viện Hải dương học Nha Trang cho rằng, chuyện những loài cá quý như cá voi, cá heo, hải cẩu… trôi dạt vào biển miền Trung không có gì bất thường cả, mà do chúng tách đàn, trôi lạc theo dòng hải lưu, bị bệnh hoặc bị thương. Nếu con vật còn sống, cần lập tức đưa con vật trở ra khơi. Nếu con vật bị thương, phải cứu hộ ngay. Còn khi sinh vật biển đã chết và được thờ cúng, không thể bài xích hay ngăn cấm tín ngưỡng dân gian nhưng cần phải giúp người dân có cái nhìn khoa học hơn.
Với những loài cá lớn như cá voi, sau khi ngư dân cúng bái, cần nhanh chóng chôn cất để không ảnh hưởng đến môi trường. Ông Khánh cho biết một số ngư dân còn giữ những tập tục lạc hậu như thấm khăn mặt vào chất dịch chảy ra từ xác cá đang thối rữa, vắt vào lọ để làm thuốc chữa mụt nhọt!
Chuyện “có kiêng có lành” không chỉ khu biệt riêng nghề đi biển. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, không thể để mặc ngư dân trơ trọi với lòng tin vào sự phù hộ của các thế lực siêu nhiên theo tín ngưỡng cổ truyền của họ, trong lúc bất trắc biển khơi đang ngày càng khó lường.
Theo Trung Dũng
Sài Gòn tiếp thị