“Ủng hộ tinh thần quyết giành lại vỉa hè nhưng hành động phải cẩn trọng!”
(Dân trí) - Suốt tuần qua, dư luận ủng hộ mạnh mẽ hành động quyết liệt tháo dỡ các công trình, phương tiện lấn chiếm vỉa hè, giành lại lối đi cho người đi bộ của Phó Chủ tịch UBND quận 1 (TPHCM) Đoàn Ngọc Hải. Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng hành động của ông Hải là trái luật và có hơi quá đà.
PV Dân trí đã có buổi trao đổi cùng luật sư Nguyễn Đức Chánh, Giám đốc Công ty luật Đức Chánh, để làm rõ hơn tính pháp lý của hoạt động “giành lại vỉa hè” cho người đi bộ của UBND quận 1.
- Thưa ông, nhiều người cho rằng việc tháo dỡ các công trình chiếm dụng vỉa hè của ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1, TPHCM thời gian qua là vi phạm pháp luật. Ý kiến của luật sư về vấn đề này như thế nào?
- Trước hết, tôi xin nói rõ theo quan điểm cá nhân của tôi thì tôi hoàn toàn đồng tình, ủng hộ tinh thần quyết liệt xử lý các hành vi sai phạm, lấn chiếm vỉa hè những ngày qua của ông Đoàn Ngọc Hải.
Quy định đã có, thành phố cũng đã nhiều lần ra quân xử lý, giành lại vỉa hè cho người đi bộ nhưng hiệu quả chưa cao vì xử lý chưa tới nơi tới chốn. Tinh thần xử lý quyết liệt như ông Hải đã làm thời gian qua cho thấy hiệu quả rất tốt và tinh thần này cần được nhân rộng để thiết lập lại trật tự kỷ cương, giành lại vỉa hè cho người đi bộ.
Tuy nhiên, đứng về góc độ pháp luật của 1 luật sư, tôi cho là cần thận trọng hơn trong cách xử lý đối với từng trường hợp cụ thể. Bởi chúng ta đang hướng tới xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì mọi người phải thượng tôn pháp luật.
Hành vi chiếm dụng vỉa hè là hoàn toàn trái luật, quy định xử lý đã có, việc ông Hải xử lý là hoàn toàn đúng về nội dung. Tuy nhiên, về hình thức xử lý với các bước theo đúng thủ tục hành chính thì cần phải xem xét lại.
Ví dụ như các chốt công an ở nơi bảo vệ công trình trọng điểm xây dựng trước đây lấn chiếm vỉa hè thì cần xem xét kỹ là xây có phép hay không? Nếu có phép mà việc cấp phép là sai luật thì phải thu hồi giấy phép rồi mới có thể xử lý. Hoặc người dân xây dựng trái phép thì cũng phải lập biên bản, ra quyết định xử phạt hành chính, yêu cầu tự tháo dỡ... Nếu trong thời hạn mà họ không tự nguyện tháo dỡ thì ra quyết định cưỡng chế và tiến hành cưỡng chế theo quy định.
Tất cả những quy trình đều đã được quy định rõ ràng nên 1 nhân viên công vụ bắt buộc phải tuân thủ. Nếu chúng ta chấp nhận hành vi xử lý chưa đúng quy định pháp luật để đạt kết quả trong việc quản lý nhà nước thì chính chúng ta mâu thuẫn với việc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN.
Nói tóm lại, tôi hết sức ủng hộ tinh thần xử lý quyết liệt, không sợ đụng chạm của quận 1 nhưng tôi nghĩ trong một số trường hợp cần cẩn trọng hơn trong việc xử lý, đừng để bị bắt lỗi vi phạm chỉ vì lý do nào đó.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh ủng hộ tinh thần làm việc quyết liệt của Phó Chủ tịch UBND quận 1 Đoàn Ngọc Hải nhưng khuyên ông làm việc cẩn trọng, không nóng vội để tránh sai sót.
- Nhưng cách làm quyết liệt như ông Hải mới cho thấy tinh thần, thái độ nghiêm túc của thành phố trong việc lập lại trật tự kỷ cương hè phố. Nếu ra biên bản, đợi cả tháng sau mới cưỡng chế thì “lâu ngày chầy tháng” có khi người dân lại “ù lì” ra, dư luận lại cho chính quyền là “đánh trống bỏ dùi”... thì sao thưa ông?
- Việc xây dựng quy trình thực thi công vụ là để các cơ quan hành chính, nhân viên công quyền tuân thủ, tránh trường hợp lạm quyền, đứng trên pháp luật. Do đó, việc cơ quan công quyền phải làm việc theo đúng quy trình, thủ tục đã quy định là hết sức quan trọng.
Nếu cho là các quy trình về trình tự, thủ tục hiện tại chưa phù hợp, không khả thi và gây trở ngại cho công tác của chính quyền, thì trước hết phải kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định cho phù hợp. Sau đó, cơ quan công quyền mới có thể áp dụng quy định mới để xử lý.
Như tôi đã nói, không thể vì thực hiện mục đích đúng mà dùng cả hành vi trái luật, nhất là đối với cơ quan quản lý nhà nước và người có thẩm quyền trong quá trình thực thi công vụ.
- Tôi muốn hỏi thêm luật sư về việc quận 1 cưỡng chế vọng gác trước trụ sở Ngân hàng Nhà nước TPHCM. Nhiều người cho là hành động này sai vì vọng gác được cấp phép để bảo vệ mục tiêu quan trọng là trụ sở Ngân hàng Nhà nước theo Thông tư 20/2010/TT-BCA. Sau đó, quận 1 cũng đã trả lại vọng gác này. Ý kiến của ông như thế nào về việc này?
- Như tôi đã nói ở trên, tùy vào trường hợp cụ thể mà xác định cách làm đúng theo quy định. Như trường hợp này, trụ sở Ngân hàng Nhà nước TPHCM nằm trong danh mục các mục tiêu được bảo vệ là đúng. Tuy nhiên, về việc bảo vệ như thế nào cũng cần phải xem xét kỹ.
Điều 10 thông tư này quy định rất rõ việc xác định vọng gác để bảo vệ mục tiêu như sau: “Đối với các mục tiêu có bố trí cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân làm nhiệm vụ vũ trang canh gác bảo vệ, Cục Cảnh sát bảo vệ hoặc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, xác định cụ thể để bố trí đủ vọng gác thích hợp đối với từng mục tiêu và thống nhất với thủ trưởng cơ quan có mục tiêu về địa điểm đặt vọng gác, bảo đảm phù hợp với cảnh quan và thuận tiện cho việc quan sát bao quát mục tiêu cần bảo vệ”.
Như vậy, vọng gác này hoàn toàn có thể được cấp phép xây dựng theo quy định. Tuy nhiên, nếu vị trí vọng gác chiếm dụng vỉa hè, lòng đường là đã vi phạm luật Giao thông đường bộ. Dù cho có giấy phép thì giấy phép này rõ ràng đã được cấp sai.
Nhưng để làm đúng quy trình, quận 1 hoàn toàn có thể yêu cầu xem xét lại hoặc hủy quyết định cấp phép sai trên, nếu có thẩm quyền. Sau đó mới tiến hành yêu cầu đơn vị quản lý, chủ sở hữu xử lý tháo dỡ công trình vi phạm diện tích vỉa hè, lòng đường. Nếu chủ sở hữu không tuân thủ thì mới tiến hành cưỡng chế, việc cưỡng chế cũng phải được thông báo theo đúng trình tự mà pháp luật đã quy định.
- Vâng, xin cảm ơn ông!
"Trong việc dẹp vọng gác của Ngân hàng Nhà nước, có thể cách làm của lãnh đạo của quận 1 quá quyết liệt khiến một số người phản ứng, bởi đây là vị trí đặc biệt hơn so với những nơi khác. Tuy vậy, nếu xét theo luật, thì rõ ràng là không sai.
Ngay từ đầu, khi người thực hiện dựng vọng gác này đã vi phạm luật, nhưng do thời điểm đó có sự cả nể mà không có người xử lý. Mong sau sự việc, lãnh đạo quận 1 thận trọng hơn đối với những vị trí đặc biệt để tránh dư luận không tốt. Về tổng thể, tôi ủng hộ cách làm này.
Nếu chúng ta không lên tiếng ủng hộ việc làm đúng, thì tương lai chúng ta mãi sẽ làm những việc sai mà không hề biết".
(Anh Phạm Vĩnh Phú, ngụ quận 2, TPHCM)
"Mấy hôm nay có nhiều thông tin xoay quanh việc anh Hải - Phó Chủ tịch quận 1 ra tay lấy lại vỉa hè. Dù bằng hình thức nào đi nữa thì bản thân tôi luôn ủng hộ và ấn tượng về anh. Lý do là:
1/ Anh làm vì mục đích chung cho toàn xã hội nói chung và TPHCM nói riêng.
2/ Sau khi dọn dẹp sạch lè đường sẽ thấy 1 TPHCM sạch sẽ, văn minh, đáng sống, xứng đáng danh con rồng năm xưa đã xưng tên.
3/ Một mẫu người vì cái chung, dám làm dám chịu. Đây là lẽ sống và tố chất cần có và cần phát huy của lãnh đạo. Thử hỏi xung quanh ta có quá nhiều lãnh đạo nhưng có ai dám "nói đi đôi với làm” như anh Hải.
4/ Giả sử có 24 anh Hải trong 24 quận huyện của TPHCM thì tôi tin chắc hành động này sẽ càng giúp cho TPHCM nhanh lấy lại vị thế dẫn đầu, không chỉ trong nuớc mà còn các quốc gia lân cận.
5/ Qua các hành động quyết liệt, chúng ta thấy tinh thần vì "một Việt Nam", dám yêu, dám làm mọi thứ vì quốc gia mình. Thật ý nghĩa chứ!
Dẹp vỉa hè là lấy lại công bằng cho xã hội, làm cho xã hội phát triển, văn minh,... Tất thảy vì tích cực, tôi ủng hộ!".
(Anh Lê Huy Vũ, nhân viên 1 công ty đầu tư địa ốc)
Tùng Nguyên (thực hiện)