Ùn tắc ở Hà Nội và TPHCM: Sợ cảnh cấp cứu mà gặp tắc đường!
(Dân trí) - Hiện nay, do chênh lệch về kinh tế giữa các đô thị ở Việt Nam còn cao, dẫn đến người dân ồ ạt đổ về các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM làm ăn khiến khu vực này chịu áp lực dân số rất cao, đó là nguyên dân dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông.
Sống ở đâu là quyền của công dân!
Tại cuộc tọa đàm “Vai trò của lãnh đạo trong quản lý đô thị” vừa diễn ra ở Hà Nội, PV Dân trí đặt câu hỏi với các diễn giả về nguyên nhân gây tắc đường ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh như hiện nay, hướng giải pháp khắc phục vấn nạn này? Có phải do tập trung nhiều trường cao đẳng, đại học, bệnh viện… trong khu vực nội thành dẫn đến áp lực giao thông lớn? Tại sao không di dời bớt trường học, bệnh viện, khu sản xuất ra ngoại thành để giảm áp lực giao thông?
Ông Đỗ Viết Chiến – Cục trưởng Cục Quản lý đô thị (Bộ Xây dựng) – cho biết: “Đúng là Hà Nội và TP HCM hiện nay đang chịu áp lực giao thông rất lớn, nhất là vào giờ cao điểm. Nguyên nhân là do dân số tại 2 thành phố này rất lớn, 7-10 triệu dân. Tại 2 thành phố này người dân ở các vùng khác ồ ạt đổ về đây tìm kiếm công ăn việc làm, rồi kéo theo nhiều vấn đề như nhà ở, giao thông và các vấn đề khác nữa. Tuy nhiên, việc người dân muốn sống ở đâu là quyền của mỗi công dân, chúng ta không cấm được. Muốn giải quyết vấn đề này phải tìm ra bài toán qui hoạch tổng thể, như thu hẹp sự chênh lệch về kinh tế giữa các đô thị trên cả nước. Khi các đô thị khác ngoài Hà Nội và TP HCM đều phát triển, tạo ra nhiều công ăn việc làm thì người dân sẽ hạn chế đổ về các thành phố lớn, từ đó áp lực dân số sẽ giảm, kéo theo nhiều thứ khác sẽ giảm theo”.
Ông Chiến thông tin thêm, trước mắt cần di dời bớt những cơ sở sản xuất trong nội đô từng bước ra ngoại thành. Hệ thống các trường đại học, dạy nghề tại Hà Nội tập trung quá lớn ở khu vực nội thành gây lên ùn tắc giao thông cần phải di chuyển ra ngoại thành hoặc các đô thị vệ tinh. Bệnh viện lớn cũng phải di chuyển dần ra ngoại thành, đặc biệt là những bệnh viện gây ô nhiễm.
“Bệnh viện lớn cũng cần di chuyển dần ra khỏi nội thành, tại các trụ sở cũ chỉ còn lại những bác sỹ giỏi. Nếu có khó khăn trong khám chữa bệnh, các bác sỹ giỏi ở trụ sở cũ có thể chỉ đạo qua mạng vẫn có thể làm được. Chứ các bệnh viện lớn cứ tập trung ở nội thành, đến khi cấp cứu tắc đường cũng chẳng đi được. Đó là những biện pháp trước mắt đối với 2 thành phố HN và TP HCM để giải quyết về vấn nạn tắc đường” – ông Chiến nói.
Cần giảm chênh lệch kinh tế giữa các đô thị
Ông Đỗ Viết Chiến cho biết thêm, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến lĩnh phát triển đô thị. Bộ Xây dựng là cơ quan tham mưu, thành viên của Chính phủ đã đề xuất nhiều giải pháp về phát triển đô thị. Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 445 năm 2009 về điều chỉnh qui hoạch tổng thể hệ thống đô thị của quốc gia. Quyết định này chia làm 3 giai đoạn, với 3 mục tiêu phấn đấu: Từ 2009 đến năm 2015 hoàn thành được các đô thị hạt nhân trên các vùng miền của cả nước; Đến 2020 xây dựng các cụm công trình tập trung theo những vùng phát triển kinh tế xã hội lớn. Hiện nay, chúng ta có 6 vùng phát triển kinh tế lớn; Đến năm 2025 liên kết các vùng đô thị lại để trở thành mạng lưới chung của quốc gia, từ đó hỗ trợ lẫn nhau giữa đô thị lớn và đô thị nhỏ.
Trong quá trình phát triển đô thị, cần quan tâm đến các đô thị nhỏ để có điều kiện phát triển tốt hơn. Vì các đô thị nhỏ dễ bị tổn thương nhất trong quá trình phát triển đô thị chung trên phạm vi cả nước. Làm tốt điều này cũng là để tạo nhiều công ăn việc làm hơn tại chỗ cho lao động địa phương, cũng như sự tăng trưởng phát triển kinh tế của địa phương đó. Từ đó sẽ hạn chế được các dòng di cư cơ học vào các đô thị lớn như hiện nay.
“Đó là lộ trình của qui hoạch phát triển đô thị trên phạm vi cả nước. Chỉ khi nào chúng ta thu hẹp khoảng cách, chênh lệch về kinh tế giữa các đô thị trên cả nước. Người dân sẽ ở lại địa phương làm ăn, hạn chế di cư cơ học vào các thành phố lớn như hiện nay thì mới giải quyết tận gốc của vấn nạn ùn tắc giao thông như Hà Nội và TP HCM hiện nay” – ông Chiến nói thêm.
Nguyễn Dương