1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TPHCM đã giảm gần 50%

(Dân trí) - Theo đánh giá của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, vấn nạn ùn tắc giao thông ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM trong giai đoạn từ 2008 - 2013 đã giảm gần 50% và ngày càng có sự thay đổi tích cực, rõ rệt.

Tại Hà Nội, số điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc đã giảm từ 124 điểm xuống còn 57 điểm; tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn hàng năm đều giảm cả 3 chỉ tiêu về số vụ, số người chết, số người bị thương so với năm trước.

Với TPHCM, TNGT trong 4 năm (2009-2012) và 7 tháng 2013, trung bình số vụ đã giảm 10,06%, số người chết giảm 6,7%, số người bị thương giảm 6,13%. Về ùn tắc giao thông, hiện chỉ còn 76 điểm so với 120 điểm vào năm 2008; thời gian của các vụ ùn tắc giao thông cũng đã giảm nhiều, số lượng các vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút hầu như rất ít khi xảy ra.

Chủ trì Hội nghị trực tuyến bàn về việc thực hiện Nghị quyết số 16/NQ-CP từng bước khắc phục ùn tắc giao thông của 2 thành phố Hà Nội và TPHCM diễn ra sáng nay (11/9), Phó Thủ tướng kiêm Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia - Nguyễn Xuân Phúc - nhìn nhận, cách đây 5 năm tình hình ùn tắc giao thông đặc biệt nghiêm trọng, lãng phí thời gian, tiền bạc, môi trường sống của người dân.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng các giải pháp thực hiện trong 5 năm qua đã phát huy hiệu quả nên đã giảm được tình hình ùn tắc giao thông. Tuy nhiên theo Phó Thủ tướng, để tiếp tục giải quyết vấn nạn này thì cần có thêm những giải pháp mới hiệu quả và quyết liệt hơn nữa.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến bàn về vấn đề

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến bàn về vấn đề chống ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TPHCM

Tại Hội nghị, Bộ trưởng kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia - Đinh La Thăng - cũng báo cáo đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 16/2008/NQ-CP ngày 31/7/2008 của Chính phủ về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại 2 thành phố Hà Nội và TP.HCM. Trong đó, chỉ ra nguyên nhân dẫn đến ùn tắc là do áp lực gia tăng dân số, đặc biệt là khi Hà Nội mở rộng.

Những giải pháp mang tính đột phá được tổ chức thực hiện dứt điểm tại cả hai địa phương, như: hoàn thành các tuyến đường vành đai, các trục hướng tâm; lắp đặt cầu vượt cho xe có tải trọng nhẹ; đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường trên các tuyến phố chính; hợp lý hoá lộ trình tuyến và đổi mới phương tiện đoàn xe buýt; kiểm soát số lượng và khu vực hoạt động của xe taxi; bố trí lệch giờ làm việc, học tập; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thực hiện các quy định pháp luật của người tham gia giao thông.

Ngoài ra, việc di dời trụ sở trường học, bệnh viện ra ngoài khu vực trung tâm cũng góp phần tích cực trong việc giảm ùn tắc giao thông. Trong 5 năm qua, tại Hà Nội đã có 5 Bộ (Bộ Công an, Ngoại giao, Tài nguyên & Môi trường, Khoa học công nghệ, Nội vụ) và 1 cơ quan thuộc Chính phủ (Thanh tra Chính phủ) thực hiện đầu tư xây dựng trụ sở ra bên ngoài nội thành, tập trung chủ yếu ở xung quanh tuyến vành đai 3;

UBND TP Hồ Chí Minh tập trung chỉ đạo phối hợp thực hiện Quy hoạch di dời các cảng biển và Nhà máy đóng tàu Ba Son đúng tiến độ, góp phần hạn chế ùn tắc giao thông ở nội đô. Hiện nay, Bộ Xây dựng và các Bộ ngành liên quan đang tiếp tục phối hợp với UBND 2 thành phố xây dựng kế hoạch, tiến độ để từng bước thực hiện di dời các trụ sở cơ quan hành chính Nhà nước, các trường đại học, cao đẳng dạy nghề, bệnh viện lớn theo quy hoạch. Sử dụng quỹ đất sau khi di dời dành cho mục đích công cộng như: vườn hoa, giao thông tĩnh.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, việc bảo đảm trật tự ATGT và chống ùn tắc giao thông trên địa bàn 2 thành phố còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế trong việc công bố và thực hiện các quy hoạch giao thông, tuyên truyền phổ biến pháp luật và xử lý vi phạm, tiến độ xây dựng và phát triển vận tải hành khách công cộng còn chậm, công tác tổ chức thực hiện... làm giảm hiệu quả của những giải pháp đã thực hiện, cũng như tiềm ẩn nguy cơ gây ùn tắc giao thông trở lại trên các trục đường chính ra vào đô thị cũng như trong khu vực trung tâm thành phố.

Chú trọng các nhóm giải pháp đột phá

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Hà Nội và TPHCM tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 31/7/2008 của Chính Phủ về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố; Nâng cao vai trò, trách nhiệm cấp Ủy đảng, chính quyền trong công tác khắc phục ùn tắc, bảo đảm trật tự an toàn giao thông; Kiên quyết, xử lý nghiêm các đơn vị, cán bộ, đảng viên, có dấu hiệu bảo kê, tiếp tay, dung túng các cơ sở kinh doanh vận tải, các lái xe, các bến xe vi phạm các quy định của nhà nước về trật tự an toàn giao thông.

Trong 5 năm, tình hình ùn tắc giao thông của Hà Nội và TP.HCM đã giảm được gần 50%

Trong 5 năm, tình hình ùn tắc giao thông của Hà Nội và TP.HCM đã giảm được gần 50%

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình giao thông đô thị theo quy hoạch và kế hoạch; Bộ Giao thông vận tải phối hợp với UBND thành phố Hà Nội và TP.HCM tiếp tục nghiên cứu các biện pháp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phát triển vận tải hành khách công cộng có khối lượng lớn như: đường sắt đô thị, xe buýt có sức chở lớn …; xã hội hóa hoạt động vận tải hành khách công cộng nhằm huy động các thành phần kinh tế tham gia.

Phó Thủ tướng chỉ đạo tăng cường lực lượng, tổ chức mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát kiểm tra, xử lý các vi phạm trật tự ATGT, tăng cường áp dụng biện pháp xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông bằng hình ảnh... Tiếp tục rà soát các điểm, nút giao thông có nguy cơ ùn tắc, các “điểm đen” có nguy cơ gây tai nạn giao thông để có giải pháp tổ chức giao thông và xử lý phù hợp.

“Ủy ban nhân dân 2 thành phố Hà Nội và TP.HCM chủ động phối hợp với Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ di dời các trường học, bệnh viện và trung tâm hành chính ra khỏi khu vực nội thành. Bộ Xây dựng, Bộ Giáo dục Đào tạo, Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với UBND thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trong việc xây dựng và xã định tiến độ di dời các trường học, bệnh viên, các cơ quan hành chính nhà nước. Đề xuất với Chính phủ cơ chế về tài chính để đảm bảo thực hiện bằng được chủ trương di dời. Quỹ đất sau khi di dời phải dành cho công trình công cộng và giao thông tĩnh.” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải nhanh chóng đẩy nhanh hoàn thành đúng tiến độ các dự án kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm đồng thời khẩn trương hoàn thiện các đề án chiến lược, quy hoạch có liên quan để đảm bảo các giải pháp đồng bộ về giao thông vận tải trên địa bàn các thành phố; Bộ Công an tiếp tục tăng cường lực lượng và chỉ đạo Công an hai thành phố đẩy mạnh hoạt động tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự an toàn giao thông, đồng thời tổ chức Thanh tra, điều tra phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm trong tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự an toàn giao thông, cũng như những vi phạm có dấu hiệu hình sự trong quá trình quản lý thực hiện các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và phát triển vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn...
 

Theo báo cáo của Ban an toàn giao thông Đà Nẵng, trong 8 tháng đầu năm 2013 trên địa bàn Đà Nẵng xảy ra 158 vụ tai nạn giao thông (TNGT) làm chết 90 người, bị thương 130 người, thiệt hại tài sản trị giá trên 835 triệu đồng.

Ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TPHCM đã giảm gần 50%
Nguyên nhân các vụ TNGT làm số người chết cao nhất ở Đà Nẵng là chạy quá tốc độ và đi không đúng làn đường. Trong ảnh là vụ TNGT tại ngã ba Huế ngày 25/8 vừa qua làm 3 mẹ con thương vong

So với cùng kỳ năm 2012, số vụ TNGT giảm 11 vụ, giảm 25 người bị thương nhưng lại tăng 8 người chết. Theo phân tích của Ban an toàn giao thông Đà Nẵng, nguyên nhân làm số vụ tại nạn xảy ra nhiều nhất (với 21 vụ) từ đầu năm đến nay là do chạy quá tốc độ làm chết 20 người, bị thương 10 người.

Tiếp sau đó là việc các phương tiện do người điều khiển đi không đúng làn đường xảy ra 18 vụ làm chết 13 người, không quan sát xảy ra 11 vụ làm chết 8 người.

Phương tiện gây ra TNGT nhiều nhất là mô tô với 79 vụ làm chết 58 người, bị thương 55 người; xe ô tô gây ra 26 vụ, làm chết 29 người và bị thương 28 người.

Theo Ban an toàn giao thông Đà Nẵng, một số điểm đen gây TNGT trên địa bàn là ngã ba Huế, đường Trường Chinh, Ngô Quyền, Điện Biên Phủ, QL 1A, QL1 4B…

Một số địa bàn có số vụ tai nạn cao là quận Hải Châu (xảy ra 27 vụ, 11 người chết và 17 người bị thương), quận Thanh Khê (xảy ra 18 vụ, 15 người chết và 6 người bị thương), huyện Hòa Vang (xảy ra 21 vụ, 20 người chết và 10 người bị thương).

Theo ông Văn Hữu Chiến - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - mặc dù số vụ TNGT trên địa bàn có giảm so với cùng kỳ năm 2012 nhưng số người lại tăng lên 8 người; đây là một điều để các quận huyện và ban ngành của Đà Nẵng suy nghĩ, tìm biện pháp để kéo giảm số vụ cũng như số người bị chết vì TNGT trong thời gian đến.

Nhằm giảm số vụ TNGT cũng như số người chết, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu các địa phương, ban ngành quán triệt mạnh mẽ, vào cuộc quyết liệt hơn để kéo giảm số người chết; Sở GTVT cần xử lý các điểm đen về TNGT, rà soát các đèn tín hiệu giao thông, nâng cao trách nhiệm đào tạo và sát hạch lái xe.

Bên cạnh đó, lực lượng Công an Đà Nẵng tăng cường kiểm tra kiểm soát, tăng cường xử phạt các trường hợp vi phạm khi tham gia giao thông, xóa các điểm xe dù bến cóc; các quận huyện sắp xếp trật tự vỉa hè, xóa các chợ tạm; các hội đoàn thể tập trung tuyên truyền có hiệu quả về an toàn giao thông đến các tầng lớp nhân dân…

Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng đề nghị trong tháng 9 này, Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng xử lý nghiêm việc học sinh đi xe máy đến trường, Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng lập chốt hướng dẫn giao thông tại ngã ba Huế, cầu Rồng...

Công Bính

Châu Như Quỳnh