1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Tỷ lệ dân thành thị tại Việt Nam quá thấp

(Dân trí) -Tỷ lệ dân số thành thị tại Việt Nam vẫn ở ngưỡng thấp hơn nhiều so với khu vực. Trong khi đó, gánh nặng dân số tăng cao từ nhiều năm trước sẽ khiến tỷ lệ thất nghiệp trong những năm tới còn tiếp tục tăng thêm.

Theo báo cáo từ cơ quan thống kê, năm 2012 dân số Việt Nam ước đạt 88,78 triệu người, tăng 1,06%. Theo đánh giá của chuyên gia, đây là tốc độ tăng không cao so với vài năm trước và vẫn nằm trong tốp tăng thấp dưới 1,1% đạt được từ năm 2007 đến nay. Tuy nhiên, tỷ lệ dân số thành thị tại Việt Nam chỉ đạt 32,45%, còn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực (châu Á đạt trên 44% và trên thế giới  là trên 51%).

Về vấn đề việc làm, theo thống kê, số lao động đang làm việc tiếp tục tăng với tốc độ khá (2,7%), chứng tỏ nỗ lực tìm việc làm của người lao động, sự cố gắng giữ chân người lao động của các cơ sở sản xuất kinh doanh..

Thanh niên trẻ vùng nông thôn đang phải đối mặt với nạn thất nghiệp gia tăng
Thanh niên trẻ vùng nông thôn đang phải đối mặt với nạn thất nghiệp gia tăng

Về cơ cấu lao động, thống kê cho thấy cơ cấu lao động theo nhóm ngành trong năm 2012 có sự chuyển mạnh. Cụ thể, nhóm lao động trong khu vực nhà nước chiếm 10,4%, tăng khoảng 125 nghìn người, trong khi nhóm lao động khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm nhẹ từ 3,4% xuống 3,3%. Cùng đó, cơ cấu lao động theo nhóm ngành tiếp tục chuyển dịch. Tỷ trọng lao động trong nhóm ngành nông, lâm, thủy sản giảm từ 48,4% xuống còn 47,5% , nhóm ngành công nghiệp- xây dựng giảm từ 21,3% xuống còn 21,1%, nhóm ngành dịch vụ tăng từ 30,3% lên 31,4%.

 

Trong đó, ngành xuất khẩu lao động mặc dù gặp nhiều khó khăn do tăng trưởng kinh tế của nhiều nước đối tác chậm lại, nhưng vẫn tiếp tục được thực hiện. Theo tính toán sơ bộ, với hơn 400 nghìn lao động đang làm việc ở nước ngoài, hàng năm đã gửi về Việt Nam khoảng 1,8 tỷ USD, bình quân đạt 4,5 nghìn USD/người, tương đương với trên 90 triệu đồng.

Theo dự báo của chuyên gia, cơ cấu lao động theo nhóm ngành những năm tới sẽ còn có những thay đổi và chuyển dịch và ngành lao động sẽ phải đối mặt với những hạn chế, bất cập. Đó là hậu quả của vấn đề dân số những năm đã tăng cao, nên đến nay số người bước vào tuổi lao động còn lớn kéo theo số người thất nghiệp, thiếu việc làm gia tăng.Trong đó, nhóm thanh niên trẻ ở độ tuổi lao động sẽ phải đối mặt với nạn thất nghiệp gia tăng. Trong khi đó, Việt Nam vẫn chưa giải quyết được hai điểm yếu lớn hiện nay là trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ lao động. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn thấp, cấu đào tạo còn bất hợp ly, phân bổ và sử dụng chưa hợp lý…kéo theo năng suất lao động thấp và trở nên yếu thế khi cạnh tranh trên thị trường lao động ngoài nước.

Để khắc phục những hạn chế, bất cập trên, Nghị quyết Đại hội XI đã đề ra những mục tiêu về lao động và năng suất lao động. Cụ thể, tạo công ăn việc làm để giảm tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm; giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp (đến năm 2015 còn 35- 40%, đến năm 2020 còn 30%) trên cơ sở tăng tương ứng tỷ lệ lao động công nghiệp- xây dựng và dịch vụ.

Cùng với đó, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo (đến năm 2015 là 55%, đến năm 2020 là 70%); tăng năng suất lao động (gấp rưỡi vào năm 2015), tăng tỷ trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của năng suất các nhân tố tổng hợp- gồm hiệu quả đầu tư và năng suất lao động (đến năm 2015 lên 31- 32%, đến năm 2020 lên 35%).

Phạm Thanh