"Tuyệt đối không để xảy ra bao biện hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng"
(Dân trí) - Theo PGS.TS Vũ Văn Phúc, định hướng "tuyệt đối không để xảy ra bao biện, làm thay, buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng" như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề cập, có ý nghĩa cấp bách trong giai đoạn hiện nay.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vừa có bài viết "Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới".
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, đất nước đang đứng trước thời điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, yêu cầu đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền để đưa dân tộc tiếp tục tiến lên đang đặt ra cấp bách.
Đổi mới là yêu cầu khách quan
PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, cho rằng sự nghiệp cách mạng của dân tộc, của nhân dân luôn luôn vận động, phát triển khách quan cho phù hợp với tình hình, bối cảnh mới. Do đó, việc phải tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo và cầm quyền của Đảng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đặt ra, cũng là một đòi hỏi, yêu cầu khách quan.
Để tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh nhiều công tác trọng tâm. Trong đó có việc "thống nhất nhận thức và thực hiện cho nghiêm phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, tuyệt đối không để xảy ra bao biện, làm thay hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng".
Theo PGS.TS Vũ Văn Phúc, định hướng "tuyệt đối không để xảy ra bao biện, làm thay hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng" có ý nghĩa to lớn, cấp bách trong giai đoạn hiện nay, bởi thực tiễn, trong nhiều nhiệm kỳ qua, vẫn còn tình trạng bao biện, làm thay hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng.
Cùng với đó, ông Phúc nhắc đến thực tế còn cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu chưa thực sự "tiên phong gương mẫu, thường xuyên tự phê bình và phê bình".
Việc thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng thành pháp luật của Nhà nước cũng có lúc chưa kịp thời, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, còn chồng chéo.
Đặc biệt, theo ông Phúc, việc giới thiệu đại biểu ưu tú vào bộ máy Nhà nước còn chưa đúng và trúng, dẫn đến tình trạng chọn không đúng cán bộ, một số cán bộ lãnh đạo quản lý, kể cả cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng, nguyên Phó Cục trưởng Cục đối ngoại (Bộ Quốc phòng), nhấn mạnh nguyên tắc lãnh đạo của Đảng cầm quyền là không bao biện, không làm thay, điều này đã được khẳng định từ lâu.
Nhưng trong bối cảnh hiện nay, theo ông Quân, yêu cầu này trở nên cấp bách bởi chúng ta đang đẩy mạnh công cuộc đổi mới, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực và thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vì thế, cần phát huy chức năng Đảng lãnh đạo, Đảng cầm quyền, định hướng, lãnh đạo xã hội.
"Không phải 50 năm trước thành công, giờ phải làm lại như vậy"
Ngoài ra, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân góp ý cần phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức đoàn thể khác như thanh niên, hội phụ nữ… "MTTQ cần phát huy vai trò đóng góp, xây dựng vào các chủ trương, chính sách của Đảng; có tiếng nói phản biện; tham mưu cho Đảng những công việc cụ thể", theo ông Quân.
Đặc biệt, ông lưu ý việc lựa chọn kỹ lưỡng những người đứng đầu ở các tổ chức này, tránh trường hợp một số người muốn lợi dụng vào vị trí người đứng đầu các tổ chức quần chúng để "chui sâu, leo cao" vào các cương vị lãnh đạo của địa phương, đơn vị.
Kết thúc bài viết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dẫn câu nói của V.I. Lênin, đó là: "Khi tình hình đã thay đổi và chúng ta phải giải quyết nhiệm vụ thuộc loại khác thì không nên nhìn lại đằng sau và sử dụng những phương pháp của ngày hôm qua".
Đồng tình với quan điểm này, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân cho rằng mỗi giai đoạn cách mạng đi qua đều để lại những bài học quý giá, nhưng ở bối cảnh hiện tại với nhiều yếu tố mới, không thể áp dụng lại tất cả những bài học ta đã dùng. Thay vào đó, theo ông Quân, nên nhìn nhận, đánh giá xem bài học nào còn có thể phát huy, còn nội dung nào cần bổ sung, đổi mới cho phù hợp yêu cầu thực tế.
"Không phải cứ 50 năm trước ta làm thế nên thành công thì giờ phải làm lại như vậy, mà chúng ta cần có tinh thần đổi mới, nhìn thẳng vào thực tế hiện nay. Đảng trong giai đoạn trước mắt và những năm sắp tới cần tiếp tục đổi mới, phát triển để giữ vững vị trí Đảng cầm quyền", ông Quân nhấn mạnh.
Ông cũng lưu ý tới đây cần tăng cường khâu kiểm tra, giám sát vì nhiều khi đường lối đề ra đúng đắn nhưng việc thực hiện chưa tốt nên không đem lại hiệu quả.
PGS.TS Vũ Văn Phúc cũng đồng tình với những công việc trọng tâm mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề ra, trong đó, trước mắt cần tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng cho phù hợp với yêu cầu và đòi hỏi trong thực tiễn.
Bên cạnh đó, theo ông Phúc, cần tập trung tinh gọn bộ máy, tổ chức các cơ quan của Đảng, thực sự là hạt nhân trí tuệ, là "bộ tổng tham mưu", đội tiên phong lãnh đạo cơ quan Nhà nước.
Cùng với việc xây dựng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên thật sự là các "tế bào" của Đảng, theo ông Phúc, cần tiếp tục đổi mới công tác kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động của Đảng.
Ông cho rằng Đảng kiểm tra, giám sát để công việc được thực hiện tốt hơn, nghị quyết được thực hiện hiệu quả; bộ máy của Đảng, Nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đúng chủ trương, đường lối, đúng người, đúng việc, và đặc biệt có thể kịp thời điều chỉnh những biểu hiện lệch lạc, chệch hướng hoặc ngăn chặn những hành vi sai trái, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.