Tuyển tập những "tác phẩm nghệ thuật" có vẻ đẹp... hết hồn!
(Dân trí) - Hàng loạt những tác phẩm trưng bày ngoài cộng đồng được thiết kế, tạo hình và kiểm duyệt một cách cẩu thả, có vẻ ngoài nực cười, thậm chí là... quái đản, gây ồn ào dư luận.
Tượng nữ thần tự do "đột biến" ở Sa Pa
Trong những ngày gần đây, mạng xã hội xôn xao với hình ảnh một bức tượng nữ thần tự do phiên bản "đột biến" , đặt tại một điểm check in ở thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai).
Vẻ ngoài của tác phẩm này gây nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng bức tượng nhìn rất hài hước. Nhiều người khác nêu quan điểm đây là một sự sao chép thiếu thẩm mỹ.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin báo chí phản ánh, UBND thị xã Sa Pa đã lập đội kiểm tra liên ngành kiểm tra các hoạt động tại nơi đặt bức tượng. Chính quyền đã đề nghị chủ cơ sở điểm du lịch này tạm dừng việc xây dựng các hạng mục cũng như đón khách tham quan, chụp ảnh.
12 con giáp "ở truồng" tại Hải Phòng
Trước đó, vào khoảng tháng 3/2018, tại khu du lịch Hòn Dáu, quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng, nhiều người "sững sờ" khi thấy 12 bức tượng các con giáp , với hình thù quái dị, trần truồng phản cảm gây phẫn nộ trong dư luận.
Tất cả các bức tượng này đều được làm bằng đá xanh nguyên khối. Tuy đầu, mặt là 12 con giáp nhưng thân thể lại y như một con người, trần truồng, phô rõ cả những vùng nhạy cảm, khắc họa rõ nét giới tính nam nữ, vô cùng phản cảm.
Dưới các bức tượng đều có chú thích rõ loại con giáp. Thoạt nhìn nếu không đọc chú thích rất khó nhận dạng được đây là tượng gì.
Sau khi loạt tượng gây ồn ào dư luận, cơ quan chức năng có ý kiến, Công ty CP Du lịch quốc tế Hòn Dáu đã mặc đồ bơi cho các bức tượng; một vài bức tượng được che đậy phần nhạy cảm bằng lá cây, chùm nho... Nhưng những nỗ lực này cũng không giúp các bức tượng đỡ quái dị hơn.
Rồng Pikachu ở Hải Phòng
Trước đó, vào khoảng tháng 1/2017, cũng tại Hải Phòng, dư luận được một phen "ngặt nghẽo" với tạo hình rồng vàng bằng cây cảnh trên đường Lê Hồng Phong giống hệt một con Rồng vàng đầu... Pikachu.
Qua tìm hiểu, đây là hai con rồng nằm trong quần thể cây xanh được uốn khá tỉ mỉ trên đường Lê Hồng Phong từ trước. Để làm đẹp cho dịp Tết, Công ty cổ phần công viên cây xanh Hải Phòng đã trang trí thêm hoa vàng phía ngoài và sửa chữa lại rồng. Người dân cho rằng sau khi được "thay áo vàng", con rồng trở nên thô cứng, phần đầu "biến dạng".
Thậm chí giới trẻ Hải Phòng còn ví đầu rồng như đầu... Pikachu. Có người lại nhận xét đầu rồng mà như đầu chó, đầu vịt; rồng không răng không râu không thể hiện được sự mạnh mẽ, uy nghiêm.
Sau khi tiếp nhận ý kiến dư luận, chính quyền TP Hải Phòng đã yêu cầu Công ty Công viên cây xanh đô thị Hải Phòng tháo dỡ hình tượng rồng vàng bằng hoa này.
"Cú sốc thị giác" ở Công viên Thống Nhất
Trước những phản ứng dữ dội của giới mỹ thuật lẫn người dân về việc sơn mới 17 bức tượng với những màu sắc lòe loẹt, Công viên Thống Nhất đã trả lại màu sơn trắng cho các tác phẩm này.
Trái tim lông lá bên Hồ Gươm
Sáng 11/12/2020, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bức xúc chia sẻ hình ảnh một trái tim khổng lồ đặt ngay cạnh Hồ Gươm hướng về phía Tháp Rùa. Theo nhà thơ, đây là hình ảnh quá xấu xí cho bộ mặt thủ đô.
"Ngay trên bờ Hồ Gươm mà cho dựng lên một hình ảnh quái dị như thế này quả là người ta đang bị làm sao ấy, không bình thường", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết.
Liên quan đến vụ việc, ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết: "Trái tim này là của người dân làng nghề mang tới, đang thi công để tối 11/12 bắt đầu trưng bày Lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại năm 2020. Nhưng mô hình này không được duyệt nên người dân đã mang đi".
Sau khi hình ảnh trái tim kết bằng tre, nứa, bao phủ bằng nhiều cành nhánh nhỏ bên ngoài xuất hiện tại Bờ Hồ Hoàn Kiếm trở thành đề tài được bàn tán sôi nổi, ngay trong đêm 10/12/2020, Hà Nội đã cho tháo dỡ mô hình này.
Những bức tượng trần trụi tại Đà Lạt
Vào khoảng tháng 7/2020, dư luận và các diễn đàn về du lịch đăng tải thông tin và hình ảnh về khu du lịch Quỷ Núi cách Đà Lạt (Lâm Đồng) 20km, lấy hình ảnh ma quỷ rùng rợn làm chủ đạo. Tại đây có những bức tượng trần trụi, hình thù quái dị khiến dư luận xôn xao.
Nhiều người chỉ trích, phê phán cho rằng tạo hình của những bức tượng này phản cảm, không phù hợp với cảnh quan thiên nhiên Đà Lạt.