Tuyến đường biển kết nối 2 "đảo du lịch" của Hải Phòng, Quảng Ninh

An Nhiên

(Dân trí) - Lãnh đạo hai địa phương Cô Tô (Quảng Ninh) và Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) vừa thống nhất nghiên cứu cùng đề xuất cấp có thẩm quyền thiết lập tuyến, luồng giao thông đường biển kết nối 2 huyện đảo.

Tuyến đường biển kết nối 2 đảo du lịch của Hải Phòng, Quảng Ninh - 1

Lãnh đạo huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh và lãnh đạo huyện Bạch Long Vĩ, TP Hải Phòng ký chương trình phối hợp (Ảnh: CTV).

Đây là một trong những vấn đề được đưa ra tại hội nghị ký Chương trình phối hợp thực hiện Kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh về chương trình hợp tác giữa TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh do huyện Cô Tô và Huyện Bạch Long Vĩ tổ chức vào hôm qua 16/6.

Theo đó, huyện Cô Tô và huyện Bạch Long Vĩ là hai địa phương đầu tiên cụ thể hóa chương trình hợp tác trên bởi đây là hai huyện đảo có nhiều điểm tương đồng nằm trên vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc. Cả hai đều nằm trên ngư trường lớn của Vịnh Bắc Bộ, có vị trí chiến lược và tầm quan trọng đặc biệt về quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo và có nhiều lợi thế về phát triển du lịch, kinh tế biển.

Tuy nhiên, sau gần 30 năm thành lập huyện, do vị trí nằm xa đất liền TP Hải Phòng, huyện đảo Bạch Long Vĩ vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn. Một trong những khó khăn mang tính đặc thù của huyện đảo từ ngày thành lập đến nay, đó là giao thông đi lại giữa đảo và đất liền.

Hiện nay, huyện mới chỉ có 1 tàu khách mang tên Hoa Phượng Đỏ được đưa vào hoạt động từ tháng 7/2020, chứa 200 hành khách, hoạt động được trong điều kiện sóng đến cấp 6, 7. Một tháng hoạt động 3 chuyến, với hành trình 7-8 tiếng một chiều.

Đây được đánh giá là một trong những yếu tố quan trọng làm kìm hãm sự phát triển của Bạch Long Vĩ.

Tuyến đường biển kết nối 2 đảo du lịch của Hải Phòng, Quảng Ninh - 2

Sau gần 30 năm thành lập huyện, do vị trí nằm xa đất liền TP Hải Phòng, huyện đảo Bạch Long Vĩ vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn. Do đó việc kết nối huyện đảo Cô Tô là cần thiết (Ảnh: Đức Nghĩa).

Tại Cô Tô, sau gần 30 năm thành lập huyện, Quảng Ninh đã tập trung đầu tư xây dựng các công trình theo hướng hiện đại, phù hợp nhu cầu thực tế phát triển của huyện đảo.

Đặc biệt, dự án đưa điện lưới ra huyện đảo Cô Tô được hoàn thành đã tiếp thêm sức mạnh cho người dân yên tâm bám biển, bám đảo, phát triển sản xuất kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Hiện nay, Cô Tô đã trở thành khu du lịch biển đảo hấp dẫn đông đảo khách trong nước và quốc tế mỗi khi tới Quảng Ninh.

Trên cơ sở đánh giá tổng quan những tiềm năng lợi thế tương đồng và những giá trị khác biệt, huyện Cô Tô và huyện Bạch Long Vĩ cùng thống nhất hợp tác phối hợp chặt chẽ trong công tác thông tin và kiểm soát dịch bệnh (trong đó có dịch COVID-19), khám, chữa bệnh, cấp cứu bệnh nhân đối với nhân dân hai địa phương và ngư dân làm việc trên biển.

Bảo vệ môi trường biển, bảo tồn hệ sinh thái biển, chống khai thác thủy sản bằng phương pháp tận diệt; chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Hợp tác trong phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn, chống buôn lậu, gian lận thương mại trên biển; phối hợp bảo đảm giữ vững quốc phòng - an ninh, chủ quyền biên giới trên biển, đảo.

Đặc biệt, với lợi thế là khu du lịch biển đảo mang tầm vóc quốc tế, thời gian di chuyển từ Cô Tô tới Bạch Long Vĩ chỉ bằng 1/3 so với thời gian di chuyển từ đất liền TP Hải Phòng ra Bạch Long Vĩ, lãnh đạo hai huyện thống nhất nghiên cứu cùng đề xuất cấp có thẩm quyền thiết lập tuyến, luồng giao thông đường biển kết nối 2 đảo nhằm đẩy mạnh giao thương, tăng cường liên kết phát triển du lịch, dịch vụ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội giữa hai địa phương.

Đây cũng được đánh giá sẽ là bước đi đầu để thúc đẩy phát triển dịch vụ, du lịch biển đảo vùng Đông Bắc Tổ quốc.