1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tương trợ tư pháp là phải “có đi có lại”

(Dân trí) - “Chúng ta đã rút ra kinh nghiệm gì sau vụ ông Bửu Huy bị bắt ở Bỉ?”, đại biểu Nguyễn Ngọc Trân đặt câu hỏi và đề nghị cần đưa nguyên tắc “có đi có lại” như một nguyên tắc bao trùm khi góp ý vào dự thảo Luật tương trợ tư pháp.

Hiện nay, các văn bản pháp luật điều chỉnh về lĩnh vực này còn tản mạn, thiếu đồng bộ, chủ yếu được thực hiện trên cơ sở một số hiệp định tương trợ tư pháp mà Nhà nước đã ký kết nên khi có vấn đề phát sinh trong quan hệ về tư pháp với các nước mà Việt Nam chưa ký kết hiệp định hoặc chưa có thỏa thuận quốc tế thì không có cơ sở pháp lý để giải quyết.

 

Từ những lý do này, hầu hết các đại biểu đều thống nhất về sự cần thiết phải ban hành luật tương trợ tư pháp.

 

Một trong những vấn đề mà Chính phủ đề nghị Quốc hội cho ý kiến là thẩm quyền ra quyết định dẫn độ. Dự thảo Luật qui định giao cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh thẩm quyền ra quyết định dẫn độ. Thay mặt Ủy ban Pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Vũ Đức Khiển nhận định quy định như vậy là phù hợp với thông lệ quốc tế và đảm bảo cho người bị yêu cầu dẫn độ có thể tự bảo vệ mình trước tòa án về yêu cầu dẫn độ của nước ngoài.

 

Tuy nhiên, theo ông Vũ Đức Khiển, quy định của dự thảo Luật về trình tự, thủ tục xem xét, ra quyết định dẫn độ thực hiện theo hướng dẫn của liên ngành Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Công an là không hợp lý vì đây là những nội dung quan trọng chưa được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự. Do đó, cần phải quy định ngay trong Luật.

 

Về qui định bắt khẩn cấp, theo quy định của dự thảo luật là phải có văn bản của nước yêu cầu khẳng định sẽ gửi văn bản yêu cầu dẫn độ đối với người bị bắt để dẫn độ. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, trong trường hợp đã thực hiện việc bắt khẩn cấp rồi nhưng sau đó không có văn bản yêu cầu dẫn độ của nước ngoài thì ai phải chịu trách nhiệm bồi thường và phục hồi danh dự cho đương sự? Điều này chưa được quy định rõ trong dự thảo Luật.

 

Nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm của Ủy ban pháp luật là không nên sử dụng khái niệm “bắt khẩn cấp” trong dự thảo luật để không nhầm lẫn với khái niệm “bắt khẩn cấp” theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam.

 

Đại biểu Trần Thế Vượng (Hải Dương) băn khoăn về qui định chuyển giao người bị kết án phạt tù. Theo đại biểu Vượng, qui định cơ quan đầu mối là Bộ Công an nhưng trên thực tế, án phạt tù ở Việt Nam có án do tòa dân sự xét xử, có án do tòa quân sự xử. Vậy thì giải quyết mối quan hệ này như thế nào?

 

Phó chủ tịch Ủy ban đối ngoại Nguyễn Ngọc Trân yêu cầu cần có tổng kết quá trình thực hiện việc hỗ trợ tư pháp để đánh giá kết quả và trở ngại, sao cho những qui định của luật có tính khả thi hơn. Ông Trân cũng đề nghị cần đưa nguyên tắc “có đi có lại” giữa các nước có hiệp định tương trợ tư pháp như một nguyên tắc bao trùm của luật.

 

Đức Hòa