1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tướng Nguyễn Hữu Cầu: Làm đại biểu Quốc hội, tôi chấm mình 7 điểm

Nhận xét làm ĐBQH rất khó, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu tự chấm cho mình 7 điểm về việc thực hiện trách nhiệm trước cử tri.

Nhận xét làm ĐBQH rất khó, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu tự chấm cho mình 7 điểm về việc thực hiện trách nhiệm trước cử tri.

Tướng Nguyễn Hữu Cầu: Làm đại biểu Quốc hội, tôi chấm mình 7 điểm - 1

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu - nguyên Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An

'Tôi thích tranh luận'

- Trên nghị trường Quốc hội, cử tri biết đến đại biểu Nguyễn Hữu Cầu với những phát biểu sắc sảo. Điều gì thôi thúc ông mỗi lần đăng đàn?

- Được làm ĐBQH là một vinh dự rất lớn và niềm mơ ước của nhiều người. Chính vinh dự lớn như vậy cho nên trách nhiệm cũng rất nặng nề, làm thế nào đó để đóng góp những ý kiến, truyền tải được tâm tư nguyện vọng của cử tri, các vấn đề bức xúc ngoài xã hội chưa tháo gỡ được vào nghị trường Quốc hội để bàn bạc, xem xét, giải quyết.

Việc xây dựng pháp luật, các quyết sách lớn của đất nước thì bản thân đóng góp được sức nào đó, càng nhiều càng tốt. Để làm được việc này thực sự phải hết sức lo lắng, chăm lo, nếu không sẽ không hoàn thành được vai trò của đại biểu.

Mỗi lần đi tiếp xúc cử tri, anh em trong đoàn ĐBQH thường nói với nhau là cử tri rất khó tính, họ đòi hỏi cao và yêu cầu mỗi đại biểu phải đóng góp được nhiều ý kiến trong các kỳ họp của Quốc hội. Nên khi tới các kỳ họp, mọi người rất tích cực chuẩn bị tài liệu, nghiên cứu, tập hợp những vấn đề mà cử tri phản ánh, tranh thủ thời gian gửi thông điệp đến cho Quốc hội, kể cả trong thảo luận ở tổ cũng như hội trường. Đấy là công việc tương đối rất vất vả.

Điều vui nhất của tôi là mỗi lần tiếp xúc cử tri thì mọi người xúm lại rất đông, họ động viên và bảo tôi phát biểu rất nhiều, tâm đắc.

- Ông đã có nhiều phát ngôn mà chính mình nhìn nhận là "cân não", hay những lần tranh luận nóng với một số ĐBQH khác. Sau mỗi phát biểu và tranh luận gai góc như thế ông có gặp cản trở gì?

- Khi tôi phát ngôn những nội dung để cho Quốc hội quan tâm thì không phải phát ngôn những gì quá mức, đấy là vấn đề trong thực tiễn đòi hỏi. Nói những gì đúng thực tiễn mà xã hội đang cần thì chắc chắn sẽ được ủng hộ. Chúng tôi có trách nhiệm truyền tải tất cả việc đó vào trong nghị trường.

Với những vấn đề gai góc, khi đã nói thì thường động chạm đến một số cấp, lĩnh vực, nhưng tôi nghĩ cũng không vấn đề gì, bởi vì các ngành, các cấp mục đích cuối cùng vẫn là phục vụ nhân dân, cái gì có lợi cho dân thì chúng ta làm.

Cá nhân tôi thích tranh luận, mục tiêu của tranh luận là làm rõ bản chất vấn đề. Chúng ta nhận thức cho đúng, thống nhất để đề ra giải pháp cho tốt hơn chứ không phải tranh luận để cãi nhau.

Tôi biết nhiều ĐBQH rất giỏi, đấy là tinh hoa, cho nên khi mình tranh luận cũng hết sức tế nhị, phải biết mình là ai, nói cho ai nghe, nói cho người ta nghe được mới là đạt yêu cầu. Vì vậy, tôi cũng mạnh dạn tranh luận với họ để khi chưa hiểu thì sẽ hiểu sâu thêm. Những lần như thế tôi cũng thấy vui, không có vấn đề gì.

- Ông từng nói "Tướng Cầu rất kiên quyết, rất quyết liệt, đã không nói thì thôi đã không làm thì thôi còn đã nói rồi là phải làm, đã làm là làm quyết liệt, làm đến nơi đến chốn". Vậy nhìn lại một nhiệm kỳ Quốc hội, ông thấy mình đã làm hết những gì có thể cho cử tri trên cương vị ĐBQH?

- Người dân kỳ vọng vào đại biểu rất lớn, nhiều vấn đề cử tri muốn làm nhưng việc truyền tải chưa đến nơi do sức lực của mỗi đại biểu cũng có hạn. Nói là cử tri ưng mình 100% thì tôi nghĩ chưa phải, mà được khoảng 60-70%, như vậy cũng là một vinh dự cho bản thân.

Tôi có đặc tính là tất cả những vấn đề thuộc lĩnh vực mình phụ trách như an ninh trật tự, dân đã yêu cầu là làm bằng được, lúc nào họ cảm thấy việc đó đã làm được rồi mới chấm dứt. Còn những việc thuộc phận sự của các ngành, các cấp thì tôi cũng chuyển đến và đeo bám đến cùng yêu cầu các đơn vị trả lời, để tôi trả lời với cử tri.

Nói hoàn thành xuất sắc vai trò của đại biểu trước cử tri có thể không dám nhận nhưng cơ bản cũng hoàn thành được.

- Nếu tự chấm điểm thì ông cho mình được bao nhiêu?

- Tôi chấm chắc khoảng 7 điểm thôi, 3 điểm còn lại phải tiếp tục cố gắng vì rất nhiều việc mà cử tri gửi gắm vẫn phải nỗ lực thêm.

Làm ĐBQH rất khó

- Thành công nhất trong kỳ tham gia Quốc hội của ông là gì? Ông thấy làm ĐBQH dễ hay khó?

- Thành công nhất trong tham gia Quốc hội của tôi là cử tri đã thừa nhận mình. Họ bầu ra đại biểu, cảm thấy yên tâm, tin tưởng và gửi gắm tất cả tâm tư của mình, đấy là niềm vui lớn nhất.

Tướng Nguyễn Hữu Cầu: Làm đại biểu Quốc hội, tôi chấm mình 7 điểm - 2

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu phát biểu tại hội trường Quốc hội

Trong quá trình sinh hoạt ở Quốc hội, tôi chủ yếu ở lĩnh vực luật nên nghiên cứu xây dựng pháp luật cũng đóng góp tương đối nhiều, thấy tất cả những phát biểu của mình được phần lớn đại biểu chấp nhận, đó là một trong những điều tôi thấy tương đối tâm đắc.

Làm ĐBQH rất khó. Khó là vì phải phát biểu, muốn phát biểu đúng, trúng, thuyết phục phải trí tuệ, có kiến thức và bản lĩnh.

Phát biểu trước Quốc hội trong vòng 7 phút không dễ một chút nào, mình phát biểu nội dung gì đây, nó có phù hợp thực tiễn không, chuẩn bị kiến thức như vậy đúng chưa, cách thức trình bày đã thực sự thuyết phục chưa. Chỉ cần quá thời gian một chút, không được đại biểu đồng tình hoặc người dân thấy không được là mình thấy bứt rứt, trăn trở.

ĐBQH để làm tròn vai vô cùng khó, vì mỗi người mỗi lĩnh vực chuyên môn, bản thân biết sâu một lĩnh vực thôi, còn vào Quốc hội tất cả các lĩnh vực và đều quản lý bằng pháp luật nên cực kỳ khó.

Để khắc phục điều này, trước hết đại biểu phải chịu khó, từ tâm của mình với cử tri, xem cử tri như người thân, người nhà, khi họ có việc tìm thì ta phải tìm cách để giải quyết.

Đại biểu cần có tri thức, tri thức không phải vào Quốc hội mới học mà đã được tích lũy cả cuộc đời, có góc nhìn toàn diện, cụ thể, biện chứng để nói từng vấn đề.

ĐBQH cũng phải chăm chỉ, không chăm chỉ đọc tài liệu thì rất khó. Những gì chưa vững thì phải tìm hiểu để hoàn thiện dần. Mỗi lần đọc tài liệu kỹ thì khi vào Quốc hội thấy tâm thế rất vững vàng.

Quốc hội là một trường đại học vĩ đại, ở đó có những đại biểu tinh hoa với lượng kiến thức vô cùng lớn, đặc biệt lớp trẻ khi tham gia thì rất trưởng thành, có kiến thức đồ sộ. Chắc chắn không có trường nào đào tạo được như trường này, chỉ cần tham gia một khóa thôi chứ không cần nhiều khóa thì năng lực, kinh nghiệm đặt vấn đề, giải quyết vấn đề rất ổn.

- Bản thân ông có được những gì sau gần một nhiệm kỳ làm ĐBQH? Với vai trò đại diện cử tri, ông còn điều gì trăn trở và mong muốn Quốc hội khóa tới tiếp tục thực hiện?

- Tham gia một nhiệm kỳ Quốc hội là vinh dự lớn và cũng là mơ ước của tôi. Tôi học hỏi được rất nhiều từ các đại biểu trong Quốc hội. Khi kết thúc nhiệm kỳ thấy mình lớn lên rất nhiều, cả trí tuệ, phương pháp lãnh đạo, chỉ huy, cách ứng xử và giải quyết những vấn đề, cả trong tư duy hành động.

Có một tâm nguyện tôi trăn trở mãi là làm thế nào Quốc hội nhiệm kỳ tới hoặc sau đó một chút phải làm cho được đường sắt cao tốc Bắc - Nam, cố gắng làm càng sớm càng tốt.