1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Từng ngày ngóng tiếng nổ mìn phá đá!

(Dân trí) - Mỗi lần đi qua QL9, đoạn qua thôn Thượng Lâm (Cam Thành, Cam Lộ, Quảng Trị), ai cũng lo sợ bị đá bắn vào người khi công nhân khai thác đá nổ mìn. Nhưng người dân nơi đây lại ngóng chờ tiếng nổ rung chuyển cả ngôi làng ấy để được gọi đi làm.

Vẫn biết sau những tiếng nổ đó là bao hiểm nguy có thể ập xuống bất cứ lúc nào, nhưng vì miếng cơm manh áo, lại không có đất đai canh tác, người dân nơi đây chỉ còn biết trông chờ vào mỏ đá.

 

Mưu sinh bên miệng “tử thần”

 

Mỗi ngày từ sáng tới tối, người dân Thượng Lâm miệt mài làm việc ở các mỏ đá, trong điều kiện rất nguy hiểm và không có bảo hiểm lao động. Những vụ lở núi đá, sập mỏ đá họ đã nghe nhiều, nhưng ở đây thì chưa thấy. Hơn nữa, vì miếng ăn, họ không có sự lựa chọn, chỉ trông chờ vào vận số.

 

Làng Thượng Lâm có 240 hộ dân thì có đến 200 hộ sống bằng nghề khai thác đá, trong đó hơn 1/2 số hộ gia đình làm thuê không có bảo hiểm, không được trang bị bảo hộ lao động.

 

Phó Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Thượng Lâm Nguyễn Phương Vũ dẫn chúng tôi ra mục sở thị hiện trường khai thác đá do Công ty Cổ phần giao thông Quảng Trị khai thác. Dưới cái nắng chang chang của ngày hè, tổ công nhân 12 người mồ hôi nhễ nhại hì hục đập đá, bốc đá trong mịt mù khói bụi. Không ai trong số này được ký hợp đồng lao động.

 

Một cảnh tượng đáng sợ: người đứng ở trên cao bẩy đá xuống, người ở dưới chờ đón, đập đá thành những viên nhỏ rồi bốc lên xe. Mọi công việc diễn ra điềm nhiên trong thứ âm thanh hỗn tạp từ tiếng máy xay đá, tiếng xe ô tô, tiếng đập đá…

 

Trên đỉnh mỏ đá dựng đứng, hai anh em Đinh Ngọc Mạnh (SN 1986) và Đinh Ngọc Việt (SN 1987) tỉ mẩn khoan đá đặt mìn chờ giờ nổ. Những tảng đất đá liên kết lồi lõm như đang chực đổ xuống nhưng Mạnh và Việt không mấy để ý, các em cũng không đeo dây bảo hiểm.

 

Chị Phạm Thị Lợi, một người trong nhóm lao động cho biết, bốc đầy đá cho 1 chuyến xe, người làm thuê được trả 45.000 đồng. Ngày nào làm cật lực bốc được khoảng 10 chuyến, số tiền 450.000 đồng sẽ chia cho 12 người, tùy theo năng suất lao động của mỗi người.

 

Những ngày hời tiết tốt và không có chuyện gì xảy ra, mỗi lao động nữ bình quân được khoảng từ 30.000 - 40.000 đồng, nam giới cũng được từ 40.000 - 50.000 đồng. Mùa mưa cả làng ở nhà ngồi chơi.

 

Công việc vất vả nhưng không ai dám kêu ca phàn nàn vì với họ có việc để làm còn hơn ở nhà. Chị Lợi gặp hoàn cảnh éo le, chồng vừa mất do tai nạn lao động, một trong hai người con bị bệnh tim nặng nên cứ có việc làm kiếm tiền nuôi con là chị cảm thấy mừng rồi, còn có hợp đồng, bảo hiểm hay không chị không quan tâm.

 

Chị Mai Thị Hoạt, giọng buồn buồn nói xen vào: “Không làm đá thì làm chi có tiền hả chú? Chồng tui cũng là công nhân bị tai nạn đá đâm vào đầu, mất hết khả năng lao động, biết là làm nghề ni cực và tai họa có thể ập xuống bất cứ lúc mô mà cũng phải làm thôi chú ơi. Không làm đá thì cả làng này chết đói”.

 

Gánh nặng từ đá

 

Cắt nghĩa cho câu nói của chị Hoạt, trưởng thôn Nguyễn Phương Vũ cho hay: Cả thôn Thượng Lâm chỉ có vỏn vẹn 7ha đất chia cho các hộ dân làm nhà ở và đất vườn, đất đai toàn đá với sỏi, chẳng tăng gia sản xuất gì được.

 

Sau ngày quê hương được hoàn toàn giải phóng, vùng đất này là nơi chăn nuôi trâu bò của Nông trường hồ tiêu Tân Lâm, công nhân ở luôn gần đó để thuận lợi cho việc làm. Bây giờ người đã nghỉ hưu, người nghỉ chế độ mất sức, nhiều người lấy đây làm quê hương thứ hai và an cư lạc nghiệp.

 

Không đất sản xuất, không việc làm, người dân phải làm công cho các đơn vị khai thác đá để kiếm kế sinh nhai. Nghề đá nhọc nhằn và gánh nặng mưu sinh từ đá gắn liền với đời sống sinh hoạt của thôn Thượng Lâm từ khi thành lập làng đến nay.

 

Đã có nhiều tai họa đổ xuống đầu người dân Thượng Lâm do khai thác đá không an toàn, nhưng vòng xoáy cơm áo gạo tiền vẫn cuốn người dân vào nghề đá, bốc vác làm thuê.

 

Anh Nguyễn Hòa Thuận, 55 tuổi, bị một hòn đá lăn từ trên đỉnh mỏ xuống đập vào đầu cách đây 4 năm, khiến anh mất khả năng lao động, bị động kinh. Để cứu được mạng sống cho anh, vợ anh đã phải vay mượn mấy chục triệu đồng. Phía Cty TNHH Minh Hưng, đơn vị thuê anh làm, có hỗ trợ cho gia đình 500.000 đồng. Biết nghề này bạc nhưng vừa đưa anh từ viện về, vợ anh lại phải lao vào đập đá, kiếm tiềm nuôi chồng con.

 

Đối diện với nhà anh Thuận, anh Thái Tăng Trung, 35 tuổi, làm nghề lái xe chở đá cho Cty TNHH Minh Hưng cũng bị đá đè gãy xương vai và sứt tai. Ra viện, anh vẫn trở lại nghề lái xe bốc đá. Anh nói trong lo âu: Càng ngày các đơn vị khai thác đá càng cơ giới hóa, công việc chủ yếu máy móc làm thay, người dân Thượng Lâm không biết làm gì để sống…?

 

Tai nạn do khai thác đá không an toàn không chỉ đổ xuống đầu người trực tiếp lao động mà cho cả những người đi đường. Thầy Lê Xuân Thành, 51 tuổi, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện đi làm về đúng giờ Công ty Cổ phần giao thông Quảng Trị nổ mìn đánh đá. Dù đã đứng lùi cách điểm an toàn 10m, thầy vẫn bị viên đá to bằng nắm tay bắn vào bụng phải đi cấp cứu.

 

Bên cạnh những hiểm nguy đối với người lao động thì ô nhiễm môi trường và bệnh nghề nghiệp đang là điều đáng báo động ở đây. Hiện nay, tuy chưa có một kết luận điều tra chính thức nào đánh giá tác hại ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân, nhưng hậu quả nhãn tiền là bụi đá phủ kín thôn Thượng Lâm, nhiều người mang chứng khó thở và bệnh về đường hô hấp.

 

Ông Nguyễn Công Phán, Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ, cho biết đã có đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh về kiểm tra tại mỏ đá, yêu cầu ngừng khai thác ở những điểm không đảm bảo an toàn.

 

Về hướng giải quyết việc làm ổn định cho người dân, cách đây hơn 3 năm, UBND tỉnh đã cấp phép khai thác mỏ đá ở sau điểm khai thác của Cty TNHH Thiên Tân, Cty TNHH Minh Hưng và Công ty Cổ phần giao thông Quảng Trị để người dân tự sản xuất, khai thác. Huyện cũng đã cho thành lập HTX khai thác đá Thượng Lâm để tổ chức cho người dân khai thác, sản xuất, nâng cao đời sống và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, do tiềm lực trong nhân dân còn hạn chế nên chưa đủ điều kiện đầu tư máy móc, phương tiện nên chưa tự tổ chức sản xuất tốt được.

 

Hoài Lương