"Từng bước số hóa hồ sơ, giấy tờ để giảm chi phí cho người dân"

Hoài Thu

(Dân trí) - "Chính phủ chú trọng chuyển đổi mô hình theo hướng sẽ từng bước số hóa hồ sơ, giấy tờ, giúp giảm chi phí, thời gian đi lại cho người dân", theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan.

Đây là tinh thần được Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan nhấn mạnh khi phát biểu tại Hội nghị đối thoại thúc đẩy đầu tư cho một nền kinh tế xanh và bền vững", sáng 16/1.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan nhấn mạnh định hướng của Việt Nam là cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để thu hút đầu tư.

Xây dựng nền hành chính phục vụ

Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan nhắc lại dấu mốc tháng 8/2023, Thủ tướng quyết định tái thành lập Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính, nhằm giúp Thủ tướng chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương trong cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao năng lực phản ứng chính sách.

Từng bước số hóa hồ sơ, giấy tờ để giảm chi phí cho người dân - 1

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan phát biểu tại sự kiện (Ảnh: Hồng Phong).

Tổ trưởng Tổ công tác là Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và tổ phó là 4 ủy viên Trung ương, gồm Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Nội vụ, Bộ trưởng Tư pháp, và Thứ trưởng Bộ Công an phụ trách Đề án 06 về chuyển đổi số. Ngoài ra, thành viên Tổ công tác gồm nhiều lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.

Lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết sau 4 tháng thành lập, Tổ công tác đã tiếp nhận 122 phản ánh, kiến nghị về khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan tháo gỡ 109/122 kiến nghị (đạt 90%).

Tính từ đầu nhiệm kỳ (năm 2021), Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho biết Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã cắt giảm, đơn giản hóa 2.770 quy định liên quan hoạt động kinh doanh, được quy định tại 224 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó riêng năm 2023 cắt giảm, đơn giản hóa hơn 620 thủ tục.

"Chính phủ chú trọng chuyển đổi mô hình theo hướng sẽ từng bước số hóa hồ sơ, giấy tờ để người dân không phải cung cấp lại thông tin đã có, giúp giảm đi lại, giảm thiểu giấy tờ", Thứ trưởng Hoan nhấn mạnh Chính phủ xác định xây dựng nền hành chính phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

Từng bước số hóa hồ sơ, giấy tờ để giảm chi phí cho người dân - 2

Các đại biểu tham dự sự kiện (Ảnh: Hồng Phong).

Lãnh đạo Bộ Lao động đề nghị phía doanh nghiệp tổng hợp khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính đang là rào cản cho hoạt động sản xuất kinh doanh để phản ánh tới Tổ công tác.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Hoan kiến nghị các doanh nghiệp tích cực cho ý kiến về những quy định, thủ tục hành chính dự kiến ban hành cũng như phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính khi được Hội đồng tư vấn và các bộ, ngành gửi lấy ý kiến.

Báo cáo thêm về định hướng cải cách quy định, thủ tục hành chính của Việt Nam, ông Ngô Hải Phan - Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng tư vấn cải cách hành chính, nhấn mạnh mục tiêu năm 2024 sẽ kiểm soát chặt chẽ việc ban hành thủ tục hành chính, quy định kinh doanh ngay từ khâu dự thảo.

Từng bước số hóa hồ sơ, giấy tờ để giảm chi phí cho người dân - 3

Ông Ngô Hải Phan - Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng tư vấn cải cách hành chính (Ảnh: Hồng Phong).

Đến năm 2025, ông Phan nhấn mạnh sẽ cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định kinh doanh và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ.

Trong đẩy mạnh phân cấp giải quyết thủ tục hành chính và rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ, ông Phan nêu mục tiêu đến năm 2024 sẽ cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% thủ tục hành chính nội bộ và 20% chi phí tuân thủ/tổng số 50% thủ tục hành chính nội bộ.

Đến năm 2025 sẽ hoàn thành phân cấp thẩm quyền giải quyết 699 thủ tục hành chính trên 100 lĩnh vực; Cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% thủ tục hành chính nội bộ và 20% chi phí tuân thủ/tổng số 100% thủ tục hành chính nội bộ.

Ra mắt Sách Trắng 2024

Cũng trong sự kiện này, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã công bố ấn bản Sách Trắng thường niên lần thứ 15.

Sách Trắng cung cấp giải pháp thực tế cho những thách thức mà công ty châu Âu gặp phải ở Việt Nam, đồng thời đưa ra hướng dẫn cho cả nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo doanh nghiệp khi họ hoạt động dưới môi trường pháp lý và tăng trưởng của Việt Nam.

Từng bước số hóa hồ sơ, giấy tờ để giảm chi phí cho người dân - 4

Toàn cảnh sự kiện (Ảnh: Hồng Phong).

Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit nhận định dù nền kinh tế toàn cầu đang trong giai đoạn phức tạp, kinh tế Việt Nam có khả năng phục hồi linh hoạt, thể hiện ở sự gia tăng đầu tư của châu Âu vào Việt Nam.

Ông dẫn chứng mới đây, Nestlé Việt Nam thông báo kế hoạch mở rộng đầu tư với trị giá 100 triệu USD, cho thấy niềm tin tưởng của châu Âu đối với Việt Nam.

Theo ông Gabor Fluit, Sách Trắng không chỉ đơn thuần là một nguồn thông tin, mà cung cấp cái nhìn sâu sắc nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

"Sách Trắng vạch ra chiến lược, mở ra cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư", theo lời ông Gabor Fluit. Chủ tịch EuroCham dẫn chứng hợp tác trong các ngành công nghiệp mới nổi như thiết bị bán dẫn và năng lượng tái tạo có thể thúc đẩy tăng trưởng toàn diện.

12 chỉ tiêu trong đổi mới trong thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công:

1. Tối thiểu 80% dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia

2. Tối thiểu 45% giao dịch thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia trên tổng số giao dịch thanh toán của dịch vụ công

3. Tối thiểu 50% hồ sơ được giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính

4. Tối thiểu 80% hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính được số hóa

5. 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính được cấp điện tử

6. Tối thiểu 50% thông tin, dữ liệu số hóa được khai thác, sử dụng lại

7. 100% thủ tục hành chính được công bố, công khai đúng hạn

8. 100% kết quả xử lý hồ sơ thủ tục hành chính của bộ, ngành, địa phương được đồng bộ đầy đủ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia

9. 100% phản ánh kiến nghị được xử lý đúng hạn

10. Tối thiểu 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng với kết quả giải quyết thủ tục hành chính

11. 100% thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính tại UBND cấp xã và Phòng Tư pháp cấp huyện

12. Tối thiểu 50% các bệnh viện hạng 2 trở lên cung cấp thanh toán viện phí trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.