Tưng bừng lễ tế “Ông lợn” làng La Phù
(Dân trí) - Hơn chục “Ông lợn” chễm chệ trên giá đỡ do những thanh niên trai tráng khỏe nhất của làng khiêng, trong rừng người nô nức, giữa không gian thiêng liêng nhưng cũng không kém phần náo nhiệt. Lễ tế “Ông lợn” của làng La Phù năm nào cũng diễn ra tưng bừng, rộn rã.
Hội đình làng La Phù (xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội) kéo dài từ ngày 7 đến ngày 15 tháng Giêng âm lịch, có 2 ngày hội chính là ngày mồng 7 và ngày 13.
Ngày mồng 7 là ngày Ngài sinh, nhân dân La Phù tổ chức rước Thánh từ Đền Thượng (Đình La Phù) xuống Đền Hạ (Quán Chảy - thuộc xã Đồng Nhân), nơi tương truyền là lăng mộ của Ngài, để làm lễ “phụng nghinh”, tức là xin được rước Ngài về Đền Thượng để nhân dân được chiêm bái, dâng lễ vật tỏ lòng tôn kính và cầu một năm mới bình an.
Ngày mồng 8, 9, 10, 11, 12, dân làng tổ chức các trò chơi dân gian như bịt mắt bắt dê, kéo co, cờ người... Đặc biệt, ngày 13 tháng Giêng, cả làng La phù tổ chức lễ rước lợn rất độc đáo. Xưa làng có 6 giáp, nay có tới hơn chục xóm nhưng nghi lễ vẫn giống nhau, mỗi giáp, mỗi xóm làm một lễ lợn để rước.
Việc nuôi lợn và chọn lợn để rước được chuẩn bị từ trong năm với những tiêu chuẩn rất khắt khe, đòi hỏi lợn rước phải to, đẹp, được ăn uống sạch sẽ. Lợn chọn để rước được nhân dân thành kính gọi là “Ông lợn”.
Đến ngày 13, Ông lợn được đưa đến nhà quan đám (nhà đăng cai tổ chức rước lợn của một xóm) để cả xóm cùng chuẩn bị. Việc chuẩn bị rất kỳ công và tỉ mỉ, từ việc mổ lợn, đưa lợn lên giá đỡ, rồi trang trí... Mỗi lễ lợn như một tác phẩm nghệ thuật của người dân La Phù muốn dâng lên Thành Hoàng với sự thành kính hết mực.
Khoảng 6h tối, lễ rước bắt đầu. Đoàn rước xuất phát từ nhà đăng cai làm lễ rồi hoà chung vào đám rước của các xóm khác khiến cả làng như chìm ngập trong ánh đèn lồng rực rỡ, tiếng trống chiêng tưng bừng của lễ hội.
Đi đầu lễ rước của mỗi xóm là 2 lá cờ đại, rồi chiêng trống, bát âm, bàn độc với đủ đồ thờ như cây đèn ống hoa, mâm ngũ quả, chè oản, đỉnh hương trầm nghi ngút khói nhang... Tất cả tạo nên một không gian vừa thiêng liêng vừa náo nức.
Đi sau cùng là lễ lợn được trang trí rực rỡ do các thanh niên khoẻ mạnh nhất trong làng khiêng. Khi đến đình, bàn độc của các xóm được xếp dọc hai bên sân đình ngoài và sân đình trong, riêng lễ lợn được khiêng vào đại đình và hậu cung để các cụ bô lão làm lễ. Cùng với đó, Ban tổ chức sẽ chấm điểm lễ lợn của các xóm.