1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tủi phận ăn theo người chết

Mưu sinh với đủ chiêu trò mua vui phản cảm, thân phận những người hát thuê, khóc mướn lại đầy tủi nhục, xót xa.

Khi phóng viên làm quen để tìm hiểu về nghề khóc mướn, Hữu (41 tuổi, làm nghề gần 10 năm) xua tay, từ chối ngay lập tức: “Nghề tụi anh có gì đâu mà phải đưa lên báo. Người đời thêm chê cười”.

Những người chuyển giới khi hát, múa ở đám ma phải chấp nhận bị sàm sỡ.

Những người chuyển giới khi hát, múa ở đám ma phải chấp nhận bị sàm sỡ.

Khóc cả đêm chỉ đủ tiền ăn tô phở

Thế rồi, ít ngày sau, điện thoại chúng tôi reo lên, đầu dây bên kia là Hữu. “ Anh nghĩ phải kể cho mọi người biết về đời khóc mướn. Hôm qua, vừa mới khóc cho một đám ma nhưng lấn địa bàn của nhóm nọ nên bị đánh sưng mặt. Nghề này vừa nhục vừa khổ!” - Hữu than. Lần này, Hữu chấp nhận chịu gặp chúng tôi để chia sẻ về đời khóc mướn.

Hữu đến chỗ hẹn trong bộ dạng mệt mỏi. Hơn 10 năm mưu sinh bằng nghề này ở TP HCM, Hữu trải qua không ít cay đắng, tủi nhục. Lúc vào Sài Gòn lập nghiệp, anh chỉ làm phụ hồ. Nhưng sau đợt bị tai nạn xe máy, chân đi khập khiễng không thể lao động nặng nhọc, Hữu đành theo những người đồng hương bám nghề khóc mướn. Lao động trong môi trường tiếp xúc với người chết, những người trong nhóm ai cũng mắc các căn bệnh khác nhau, sức khỏe phần nào giảm sút.

Khi nghe chúng tôi hỏi “sao không bỏ nghề này tìm công việc nào tử tế hơn?”, Hữu nói: Cái nghề này đã dần ăn sâu vào máu thịt rồi, bỏ cũng hơi khó. “Gào thét, nói những lời để người khác phải khóc theo thì dễ nhưng làm sao để nước mắt mình cứ tuôn ra không phải ai cũng làm được. Đó là cả quá trình khổ luyện. Nhưng rồi cũng do cơm áo gạo tiền nên tụi tôi mới đi làm chứ chẳng ai đi khóc thương người dưng cả” - Hữu tâm sự.

Một người làm nghề khóc mướn khác chia sẻ để trụ được với nghề, đa phần họ phải sống bám vào các chủ trại hòm. Mỗi khi có đám, chủ trại hòm gọi và ăn tiền “cò” lên đến 30%-40%. Có hôm khóc gào rát cả cổ họng, gia chủ trả công 200.000 đồng/người nhưng sau đó bị trại hòm thu 80.000 đồng. Trừ đi các khoản phí phát sinh, những người khóc mướn chỉ cầm trên tay 60.000 đồng, đủ ăn 2 tô phở giữa trời đêm Sài Gòn.

Chưa dứt chuyện, điện thoại Hữu có tin nhắn mới gửi tới khá ngắn gọn: “Có đám ma ở xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, còn 4 giờ nữa động quan. Mau chạy tới khóc!”. Hữu xin gác câu chuyện để “chạy sô” tiếp ở một đám ma khác.

Càng hở càng dễ kiếm tiền

Thủy trải lòng với nghề phô thân, diễn trò ở đám ma.
Thủy trải lòng với nghề phô thân, diễn trò ở đám ma.

Từ các mối quan hệ khác nhau và sau rất nhiều lần thuyết phục, chúng tôi được một người chuyển giới tên Thủy (22 tuổi, quê Khánh Hòa) đồng ý gặp mặt. Vừa gặp, chưa kịp uống ly nước, Thủy đã bật lời chua chát: “Cầu cạnh vào người chết để sống, tụi tôi biết nhục lắm chứ nhưng mà với những người chuyển giới, tờ giấy CMND chưa có thì xin việc ai nhận đây?”.

Thủy kể: Lúc mới vào Sài Gòn, cả nhóm Thủy thuê trọ ở quận 4, đêm ra đường diễn trò sơn đông mãi võ nhưng rồi không đủ ăn. Cuối cùng, thấy việc diễn trò ở đám ma khá hơn nên cả đám đã chuyển nghề mới để hoạt động.

Những buổi đầu, tham gia đoàn pê-đê đám ma, Thủy vừa sợ vừa sốc khi gặp phải những người ngà ngà say. Họ bóp ngực, vỗ mông người diễn trò. Thậm chí, có người còn quan niệm sờ “vũ công” đám ma sẽ đẩy hết vận xui nên cứ thế mà đụng chạm. Lúc đó, Thủy chỉ biết cắn răng chịu đựng rồi sau này được “bo” rất nhiều tiền, riết thành thói quen.

“Sở dĩ tụi tôi diễn trò phải làm lố, kệch cỡm là do khách thích. Mình càng hở thì người ta “bo” càng nhiều.” - Thủy nói. Nhiều lúc Thủy cùng những người trong nhóm muốn trình diễn một tiết mục, vở kịch về sự ly biệt nhưng không được vì sẽ không ai thuê pê-đê nghiêm túc.

Bình quân mỗi đêm, Thủy kiếm được tầm 200.000-600.000 đồng, lo đủ chi phí sinh hoạt, cuối tháng mua thuốc chữa bệnh lặt vặt, chẳng dư bao nhiêu. Dù bám với nghề này, chấp nhận nhiều lời miệt thị, khinh rẻ nhưng được mặc những bộ quần áo theo giới tính mình muốn nên Thủy và nhiều đồng nghiệp khác đành chấp nhận, miễn sao kiếm tiền bằng sức lao động của mình.

 Ông bầu ăn chia với trại hòm

Nói rõ hơn về thế giới của nghề hát đám ma ở Sài Gòn, Thủy cho biết thời buổi cạnh tranh nên rất khó tìm được đám ma để diễn. Hiện đang có 10 ông bầu liên kết chặt chẽ với các đoàn nhạc công, trại hòm để ăn chia. Số tiền kiếm được rơi vào tay các ông “bầu”, còn những người diễn trò nhận lại chút công sức. Thậm chí, có những “bầu sô” còn hung hăng, sẵn sàng đánh những người mới vào nghề không chịu chiều theo ý khách. Muốn tự tách nhóm cũng không dễ hoạt động, họ sẽ liên tục bị đuổi đánh vì lấn địa bàn.


Theo Lê Phong
Người lao động