1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM:

Từ vụ trẻ tử vong sau khi ăn bánh su kem, nhìn ra khoảng trống về quản lý

Q.Huy

(Dân trí) - Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM thừa nhận, qua vụ việc trẻ tử vong sau khi ăn bánh su kem, cơ quan nhận thấy thực phẩm từ thiện là mảng còn trống và chưa có cách quản lý hiệu quả.

Tại buổi họp về tình hình kinh tế - xã hội của TPHCM chiều 5/10, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, đã thông tin chi tiết về vụ một trẻ tử vong vì ngộ độc thực phẩm sau tiệc mừng Trung thu tại chung cư Palm Heights, TP Thủ Đức.

Tính đến nay, TPHCM ghi nhận hơn 50 người có triệu chứng khó chịu, quặn ruột, đau. Trong đó, 19 người đã được nhập viện để chăm sóc y tế.

Bà Phạm Khánh Phong Lan cũng nêu ra bài học về công tác phối hợp trong sự việc này giữa các cơ quan chức năng. Cụ thể, sau 2 ngày kể từ thời điểm bữa tiệc trung thu diễn ra, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM mới nắm được thông tin qua kênh riêng.

Từ vụ trẻ tử vong sau khi ăn bánh su kem, nhìn ra khoảng trống về quản lý - 1

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, tại buổi họp báo (Ảnh: Q.Huy).

Ngay lập tức, đơn vị đã chỉ đạo các đơn vị vào cuộc. Trước thời điểm này, Công an TP Thủ Đức cũng tiến hành điều tra.

"Bài học là khi việc trao đổi thông tin diễn ra sớm hơn, chúng ta có thể giải quyết kịp thời. Nếu trong số các trẻ em trong bữa tiệc đó có một số trường hợp thể trạng yếu, có bệnh nền mà ngộ độc kéo dài thì có thể sẽ nhiều hơn một trẻ tử vong", bà Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ.

Do việc trao đổi thông tin còn chậm, đến nay, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM chỉ thu được 2 mẫu bánh su kem được sử dụng tại bữa tiệc và 2 mẫu bánh tại cơ sở sản xuất được làm vào ngày 29/9.

Bà Phạm Khánh Phong Lan thông tin thêm, hiện tại, các lực lượng của Ban Quản lý An toàn thực phẩm, cơ quan y tế đã thanh tra toàn diện cửa hàng cung cấp lượng bánh su kem dùng tại bữa tiệc trung thu nói trên và cả cơ sở sản xuất của thương hiệu này. Trong đó, các nguồn nguyên liệu, thành phần của bánh đều được lấy mẫu.

Từ vụ trẻ tử vong sau khi ăn bánh su kem, nhìn ra khoảng trống về quản lý - 2

Bệnh viện Nhi đồng 1, một trong các nơi tiếp nhận bệnh nhân vụ nghi ngộ độc sau khi ăn bánh đêm Trung thu (Ảnh: Hoàng Lê).

"Ngày 29/9, họ cung ứng ra thị trường 1.300 sản phẩm nhưng chỉ 230 sản phẩm cung cấp cho bữa tiệc ở chung cư nói trên gặp vấn đề. Với kết quả thanh tra ban đầu, cửa hàng này đáp ứng tất cả những gì đã cam kết với cơ quan chức năng khi thẩm định để cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm", bà Lan cho hay.

Đối với câu hỏi vì sao các cơ quan chỉ tập trung lấy mẫu bánh su kem mà không kiểm tra các loại thực phẩm khác trong bữa tiệc. Bà Lan phân tích, bé gái tử vong không tham gia bữa tiệc mà sử dụng bánh su kem do mẹ mang về. Do đó, bánh su kem là điểm chung giữa em bé này với những bé khác cũng bị ngộ độc sau khi tham gia bữa tiệc.

Qua vụ việc này, lãnh đạo Ban Quản lý An toàn thực phẩm thừa nhận, thực phẩm từ thiện là mảng còn trống và chưa có cách quản lý hiệu quả. Loại hình này có nhiều điểm tương tự với thực phẩm đường phố, không cần đăng ký kinh doanh, không cần giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.

"Chúng tôi đã có kế hoạch thống kê các cơ sở từ thiện tại các quận, huyện, TP Thủ Đức. Trước mắt, chúng tôi sẽ tập huấn cho người làm công tác từ thiện để chuẩn bị bữa ăn, thực phẩm an toàn cho người dân", bà Phạm Khánh Phong Lan nêu giải pháp.

Ngày 2/10, UBND TP Thủ Đức cũng đã có báo cáo nhanh về trường hợp cháu bé P.N.Q. (6 tuổi) tử vong trong vụ việc.

Theo báo cáo, tại chương trình Tết Trung thu của chung cư Palm Heights (TP Thủ Đức), bà P.T.U. (quê Cà Mau, tạm trú tại phòng trọ phường Bình Trưng Tây, TP Thủ Đức), là nhân viên vệ sinh của chung cư đã nhận phần quà gồm 5 bánh su kem nhãn hiệu G.

Chiều 30/9, bà U. mang bánh về phòng trọ, cùng hai con sử dụng bánh. Đến sáng 1/10, 3 người có biểu hiện nôn ói, tiêu chảy. 3 mẹ con đến phòng khám trên đường Nguyễn Duy Trinh (TP Thủ Đức) điều trị với chẩn đoán: theo dõi nhiễm siêu vi, rối loạn tiêu hóa và được kê đơn thuốc về điều trị tại nhà.

Vì tình trạng của bé P.N.Q. không thuyên giảm nên sau đó, bé được đưa vào Bệnh viện Lê Văn Thịnh cấp cứu với tình trạng tím tái toàn thân. Khi vào cấp cứu, bệnh viện xác định cháu bé đã tử vong ngoài viện.

Ngoài bé Q., hàng chục trường hợp khác ăn bánh su kem trong chương trình trên cũng xuất hiện các dấu hiệu ngộ độc. Trong đó, có 19 ca nhập viện.