1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Tử tù yêu cầu thực hiện một số quyền khó khả thi”

(Dân trí) - Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, một số người bị kết án tử hình đã yêu cầu thực hiện một số quyền khó bảo đảm tính khả thi trên thực tế, gây lúng túng cho cơ quan thực thi pháp luật.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga (Ảnh: Quochoi.vn).
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga (Ảnh: Quochoi.vn).

Chiều 7/11, trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, dự thảo bổ sung Điều 27 quy định 9 nhóm quyền của phạm nhân được bảo đảm và 1 nhóm quyền mang tính nguyên tắc: “Phạm nhân được hưởng các quyền khác của công dân nếu không bị hạn chế bởi Luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp các quyền đó không thể thực biện được do họ đang chấp hành án tại trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ”.

Theo bà Nga, nhiều ý kiến Uỷ ban Tư pháp tán thành với quy định của dự thảo Luật vì cho rằng, đối với người chấp hành án phạt tù, do họ bị cách ly khỏi xã hội, bị hạn chế quyền tự do đi lại nên có một số quyền công dân khác sẽ khó bảo đảm thực hiện được đầy đủ như đối với công dân bình thường đang ở ngoài xã hội.

Mặt khác, ngoài những quyền cơ bản, thiết yếu nhất (như quyền được bảo vệ an toàn tính mạng, thân thể; quyền bảo đảm chế độ ăn, mặc, ở, thăm gặp gia đình; quyền lao động, hoc tập, học nghề...) cần phải bảo đảm thực hiện tốt thì một số quyền khác (như quyền kết hôn, quyền sinh con, quyền được gửi, lưu giữ trứng, tinh trùng...) đối với người chấp hành án phạt tù còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng đáp ứng của Nhà nước.

Vì vậy, việc cụ thể hóa quyền con người theo quy định của Hiến pháp đối với phạm nhân phải có bước đi phù hợp đề bảo đảm tính khả thi, bảo đảm khả năng đáp ứng của Nhà nước, tránh hình thức.

Một số ý kiến Uỷ ban Tư pháp cơ bản tán thành với nội dung nhưng không tán thành với cách quy định chung chung mang tính nguyên tắc tại Điều 27. Ý kiến này cho rằng, việc quy định như dự thảo luật chưa thể hiện rõ việc hạn chế quyền của phạm nhân, chưa khắc phục được những vướng mắc trong thực tiễn công tác thi hành án án phạt tù.

Về quyền, nghĩa vụ của người bị kết án tử hình trong thời gian chờ thi hành án, dự thảo luật quy định: “Chế độ quản lý giam giữ, ăn, ở, mặc, sinh hoạt, gửi, nhận thư, nhận đồ vật tiền mặt, gặp thân nhân, chăm sóc y tế và các quyền nghĩa vụ khác đối với người bị kết án tử hình trong thời gian chờ thi hành án thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam”.

Uỷ ban Tư pháp nhận thấy, Điều 9 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam quy định về quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam có một số nội dung không phù hợp với người bị kết án tử hình trong thời gian chờ thi hành án.

Thực tiễn quản lý người bị kết án tử hình cho thấy một số người bị kết án tử hình đã yêu cầu thực hiện một số quyền khó bảo đảm tính khả thi trên thực tế, gây lúng túng cho cơ quan thực thi pháp luật. Uỷ ban Tư pháp đề nghị Chính phủ cân nhắc, hoàn thiện quy định tại Điều 80 dự thảo luật để khắc phục những khó khăn, bất cập từ thực tiễn này.

Báo cáo đánh giá tác động của dự án luật còn sơ sài

Trình bày báo cáo về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, để bảo đảm thống nhất hệ thống tổ chức thi hành án hình sự và không làm phát sinh đầu mối mới về cơ quan quản lý thi hành án hình sự, dự thảo quy định theo hướng Cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng là Cơ quan quản lý thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội.

Dự thảo luật quy định theo hướng có sự kết hợp giữa Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cấp quân khu và Cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực hoạt động của pháp nhân thương mại. Đó là Cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký kinh doanh, cấp phép, chấp thuận cho pháp nhân thương mại hoạt động, Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trực tiếp liên quan đến việc thi hành các hình phạt, biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại.

Theo bà Lê Thị Nga, báo cáo đánh giá tác động đã được bổ sung nhưng nhìn chung vẫn sơ sài, chưa đánh giá đầy đủ, kỹ lưỡng tác động của nhiều chính sách, nội dung mới, quan trọng, cơ bản của dự án luật như trình tự, thủ tục thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại; cụ thể hóa quy định Hiến pháp về bảo đảm quyền con người, quyền công dân đối với phạm nhân; về tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Dự thảo luật đã bổ sung quy định về thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại nhưng đây là quy định mới, ở nước ta chưa có tiền lệ, chưa có kinh nghiệm thực tiễn. Vậy nhưng trong báo cáo đánh giá tác động, cơ quan soạn thảo chỉ đưa ra 2 phương án để lựa chọn mà chưa đánh giá cụ thể về tính khả thi của việc thi hành từng loại hình phạt.

Vì thế, Uỷ ban Tư pháp đề nghị Chính phủ hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động về những nội dung nêu trên. Hơn nữa, tài liệu về kinh nghiệm quốc tế trong hồ sơ dự án Luật còn hình thức, chưa sát với nội dung, còn thiếu nhiều thông tin cần tham khảo liên quan đến các nội dung mới đưa vào dự thảo luật. Uỷ ban Tư pháp đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung tài liệu, kinh nghiệm quốc tế đối với các nội dung lớn được sửa đổi, bổ sung của dự án luật.

Thế Kha