1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ninh Bình:

“Tử thần” treo lơ lửng trên đầu hơn 200 hộ dân

(Dân trí) - Mỏ đá được UBND tỉnh Ninh Bình cấp phép ngay sát khu dân cư. Mỗi lần doanh nghiệp nổ mìn khai thác, người dân như phải hứng chịu những cơn động đất. Con đường độc đạo của 200 hộ dân để ra khỏi làng lúc nào cũng có “tử thần” treo lơ lửng trên đầu.

Mỏ khai thác đá ngay sát khu dân cư

Thôn Cao Thắng, xã Đức Long, huyện Nho Quan (Ninh Bình) nằm tách biệt, cách trung tâm xã chừng 3km. Để vào được nơi sinh sống của hơn 200 hộ dân với gần 1.200 nhân khẩu chỉ có một con đường duy nhất. Nhiều năm qua cuộc sống của người dân nơi đây bị đảo lộn khi UBND tỉnh Ninh Bình cấp phép cho một số doanh nghiệp vào khai thác đá trong khu vực quèn Cao Thắng, gần nơi người dân sinh sống.

Anh Nguyễn Văn Khiển (49 tuổi) cho hay: “Cả thôn chúng tôi chỉ có một con đường độc đạo duy nhất để ra xã. Nhiều năm qua, các doanh nghiệp vào khai thác đá trong khu vực khiến đời sống của nhân dân bị đảo lộn hoàn toàn. Đường dân sinh doanh nghiệp biến thành đường vào mỏ. Người dân chúng tôi liên tục đối diện với cảnh ô nhiễm bụi bẩn, tiếng ồn…”.

“Tử thần” treo lơ lửng trên đầu hơn 200 hộ dân - 1

Đường vào thôn Cao Thắng cũng là đường vào mỏ khai thác đá của doanh nghiệp An Thành Long.

Anh Đinh Văn Nhượng (48 tuổi) nhà ngay bên mỏ khai thác đá cho hay, trước kia chỉ có một vài mỏ đá, những mỏ này khoảng cách xa khu dân cư. Tuy nhiên, những năm gần đây khi Công ty An Thành Long được cấp phép vào khai thác đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của gia đình anh cũng như người dân trong thôn.

“Công ty này ban đầu khai thác cũng xa nhà tôi và đường đi của thôn. Tuy nhiên, gần đây doanh nghiệp khai thác với cường độ lớn, ngày càng tiến sát đến khu vực của gia đình tôi mà một số hộ dân sinh sống. Họ thường xuyên nổ mìn với lượng thuốc nổ lớn làm nhà tôi bị rung lắc như bị động đất vậy, trong nhà nứt toác nhiều nơi. Những lúc doanh nghiệp nổ mìn, tiếng chát chúa vang lên các thành viên trong gia đình tôi không dám ra khỏi nhà vì sợ đất đá bay trúng vào người”, anh Nhượng nói.

“Tử thần” treo lơ lửng trên đầu hơn 200 hộ dân - 2
“Tử thần” treo lơ lửng trên đầu hơn 200 hộ dân - 3

Mỏ đá khai thác bằng mìn nằm ngay sát nhiều nhà dân khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn.

Chị Nguyễn Thị Ly (35 tuổi) nhà cách mỏ khai thác đá hơn 300m bức xúc: “Nhà tôi và nhiều hộ dân dù ở xa mỏ đá nhưng mỗi lần họ nổ mìn cũng không chịu được. Tiếng mìn nổ lớn còn hơn cả sấm sét, nhìn thấy đá văng tung tóe bụi mù cả một vùng”.

Cũng theo chị Ly, cả thôn Cao Thắng với trên 200 hộ dân chỉ có con đường duy nhất lưu thông ra bên ngoài nhưng gần đây cũng đã bị doanh nghiệp chiếm dụng làm đường vào mỏ. Họ chỉ đổ đường rộng thêm một chút sau đó thì tha hồ cho các loại xe tải ra vào, mỗi khi người dân đi qua bụi bẩn không chịu nổi, chưa kể tiềm ẩn tai nạn do các xe chở đất đá gây ra.

“Tử thần” treo lơ lửng trên đầu hơn 200 hộ dân - 4

Mỗi ngày hàng trăm em học sinh phải đi qua con đường ngay sát mỏ đá để đến trường, bất chấp nguy hiểm rình rập.

“Mỏ khai thác đá của Công ty An Thành Long nằm ngay sát đường dân sinh, lại rất gần khu dân cư. Gần đây, doanh nghiệp này nổ mìn khai thác đá khiến đất đá văng tung tóe vào nhà dân, xuống ruộng lúa. Còn nhiều tảng đá to vẫn treo lơ lửng trên đỉnh núi chưa lăn xuống, doanh nghiệp không có biện pháp gì để đảm bảo an toàn. Mỗi ngày hàng trăm người dân đi qua con đường ra khỏi thôn cứ nơm nớp lo sợ đá rơi vào người rất nguy hiểm”, chị Ly nói.

Chúng tôi có mặt tại con đường độc đạo của người dân thôn Cao Thắng, đường vào thôn cũng là con đường vào mỏ đá của Công ty An Thành Long. Thời điểm từ 10h30 – 12h rất đông người qua lại con đường này. Nhiều nhất là các cháu học sinh các cấp đi học về. Nhiều gia đình có con nhỏ ở thôn Cao Thắng từ nhiều năm nay đã phải bỏ tiền để thuê ô tô chở con đến trường vì mỗi khi đi trên con đường này lầy lội, bụi bẩn luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn từ xe tải cũng như đất đá từ trên núi rơi xuống.

“Tử thần” treo lơ lửng trên đầu hơn 200 hộ dân - 5
“Tử thần” treo lơ lửng trên đầu hơn 200 hộ dân - 6

Các em học sinh, người dân "nín thở" để đi qua đoạn đường nguy hiểm đầy " tử thần" treo lơ lửng trên đầu.

Nhiều em học sinh cấp 2 lớn hơn một chút vẫn phải đạp xe đến trường, có em phải đi bộ. Mỗi lúc đi qua con đường ngay sát mỏ đá, các em phải cố đạp thật nhanh qua chỗ nguy hiểm mới có thể thở phào nhẹ nhõm.

“Buổi sáng chúng cháu mặc quần áo trắng đến trường thì khi về áo đã thấm đầy bụi bẩn do các xe tải vào ra mỏ đá gây nên. Ngày mưa thì con đường lầy lội, ngày nắng thì bụi mù mịt, chúng cháu không còn con đường nào khác để đến trường nên bắt buộc phải đi qua đây”, một em học sinh nói.

“Tử thần” treo lơ lửng trên đầu hơn 200 hộ dân - 7
“Tử thần” treo lơ lửng trên đầu hơn 200 hộ dân - 8

Nhà ngay gần mỏ đá, mỗi lúc doanh nghiệp nổ mìn gia đình anh Nhượng bị rung lắc, đá to bằng nắm tay bay từ mỏ rơi xuống nhà anh là chuyện bình thường.

Anh Đinh Văn Nhượng cho biết thêm, hàng ngày có hàng trăm học sinh của thôn đi qua con đường này. Phụ huynh dù biết nguy hiểm bởi những tảng đá lớn nguy hiểm rình rập trên đầu nhưng không còn cách nào khác. Hơn nữa, chính những phụ huynh như chị Ly và nhiều người trong thôn cũng sẽ là nạn nhân bất cứ lúc nào khi mỗi ngày phải đôi ba lần đi qua con đường này.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Quách Văn Tuyển, Bí thư Đảng ủy xã Đức Long thừa nhận, đúng là xã cũng rất đâu đầu với những mỏ khai thác đá tại khu vực thôn Cao Thắng. Xã cũng rất bức xúc vì liên tục phải giải quyết các ý kiến của người dân về vấn đề này vì thế không còn làm được việc gì.

“Tử thần” treo lơ lửng trên đầu hơn 200 hộ dân - 9

Hơn 200 hộ dân thôn Cao Thắng đã nhiều lần kiến nghị tuy nhiên đến nay họ vẫn phải sống chung với "tử thần" khi đất đá trên núi có thể rơi trúng người bất cứ lúc nào.

“Chúng tôi đã rất nhiều lần mời các doanh nghiệp đến xã để nhắc nhở, yêu cầu, tìm phương án để đảm bảo cho cư dân sinh sống trong thôn Cao Thắng. Tuy nhiên vẫn không có sự khả quan hơn. Toàn thôn Cao Thắng có hơn 200 hộ, chỉ có một con đường duy nhất để vào thôn, nhiều năm nay người dân liên tục phản ánh về các mỏ khai thác đá gây bụi bẩn, nổ mìn văng đá, nhất là gây ảnh hưởng lớn đến con đường của người dân”, ông Tuyển nói.

Cũng theo Bí thư xã Đức Long, các mỏ khai thác đá này nổ mìn hàng ngày, xe tải ra vào mỏ mỗi ngày lên đến hàng nghìn lượt và không có khung giờ quy định. Xã nhiều lần phối hợp với đơn vị chức năng vào kiểm tra, tuy nhiên kết quả cho thấy các doanh nghiệp nổ mìn với số lượng thuốc nổ đủ điều kiện.

Người dân bức xúc vì "tử thần" treo lơ lửng trên đầu

“Cơ bản là mỏ khai thác đá gần dân quá nên việc các hộ dân bị ảnh hưởng không thể tránh khỏi. Không chỉ người dân mà xã cũng mong muốn mỏ đá ngừng khai thác ngày nào là yên ổn ngày đó”, ông Tuyển nói.

Thái Bá