1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Huế:

Tự chế bình gas thành tàu lặn Hoàng Sa

(Dân trí) - Xuất thân là một công nhân kỹ thuật làm việc ở nhà máy bia, ông Lê Ngà (50 tuổi, trú phường Tây Lộc, TP Huế) đã tự mày mò và chế tạo thành công tàu lặn mang tên Hoàng Sa từ những chiếc bình gas công nghiệp.

Ông Lê Ngà (50 tuổi, trú phường Tây Lộc, TP Huế) vốn là một công nhân kỹ thuật của nhà máy bia, đã bỏ ra 2 năm để nghiên cứu và chế tạo thành công chiếc tàu lặn mang tên Hoàng Sa. Đây là thiết bị lặn thứ 3 do người không chuyên chế tạo ở Việt Nam và chiếc tàu lặn không người lái tự chế đầu tiên thành công lặn dưới sông.

Biến bình gas thành tàu lặn

Theo ông Ngà, chiếc tàu được đặt tên là Hoàng Sa gợi nhớ tình yêu biển đảo quê hương. Thân tàu làm từ vỏ của bình gas công nghiệp dày khoảng 5 li, chiều dài tàu 2,7 mét, nặng 120 kg. Đây là chiếc tàu không người lái điều khiển từ xa qua bộ điều khiển có thể bắt sóng tối đa dưới 10 mét nước. Động cơ tàu dùng pin, mỗi lần sạc có thể hoạt động 1 tiếng đồng hồ dưới nước.

Tàu hoạt động theo nguyên lý đơn giản là hút nước vào và bơm nước ra để lặn xuống hoặc nổi lên. Ngoài ra tàu còn được bảo hiểm thêm bộ phận cảnh báo rò rỉ nước có khả năng nổi lên khẩn cấp khi trục trặc.

Tự chế bình gas thành tàu lặn Hoàng Sa (chờ bổ sung)

Cận cảnh chiếc tàu lặn Hoàng Sa


Chân vịt của tàu có tốc độ quay 10.000 vòng/phút (166 vòng/giây) và được bao bọc bởi bộ phận chống rong rêu bám vào. Theo ông Ngà vận tốc tàu khi di chuyển dưới nước ngang với người đi bộ. Chân vịt có thể quay thuận hoặc ngược chiều để giúp tàu tiến tới hoặc đi lùi.

Để quan sát dưới nước, tàu được trang bị hệ thống đèn pin chiếu sáng và camera chống nước truyền hình ảnh về bộ điều khiển.

Về mảng cơ khí của tàu khá tốt vì tàu không phải là thép nguyên khối mà được ghép từ các mảnh của bình gas được kết nối bằng gioăng cao su nhưng vẫn thừa sức chống lại áp lực nước sông. Ông Ngà hy vọng tàu lặn Hoàng Sa có thể ứng dụng trong các nghiên cứu khoa học và tìm kiếm xác người đuối nước.

2 năm công sức và 100 triệu tiền túi

Nói về các khó khăn khi thực hiện, ông Ngà cho biết muốn làm được tàu lặn thì phải thông thạo về nguyên lý hoạt động của điện và cơ khí, tất cả những điều này ông phải tự học. Ngoài ra ông thường gặp khó khăn về kinh phí.

Sau 2 năm, ông đã bỏ ra gần 100 triệu đồng để có được chiếc tàu lặn hoàn chỉnh hôm nay. Số tiền này không nhiều so với các đại gia nhưng là gánh nặng lớn với lương một công nhân kỹ thuật như ông.

Trước khi đưa ra sông Hương và lặn thành công, tàu Hoàng Sa đã trải qua nhiều lần lặn thử nghiệm ở hồ bơi và đạt một số kinh nghiệm nhất định. Dù vậy ông Ngà cũng mong muốn nhận được những ý kiến đóng góp của bạn đọc và người quan tâm tìm hiểu qua số điện thoại ghi trên thân tàu để hoàn thiện chiếc tàu thêm nữa.

Tự chế bình gas thành tàu lặn Hoàng Sa (chờ bổ sung)

Ông Ngà thuyết minh về nguyên lý hoạt động của tàu lặn

Ông Ngà mong muốn có cơ hội hợp tác nghiên cứu với ông Nguyễn Quốc Hòa - "cha đẻ" tàu ngầm Trường Sa của ông Phan Bội Trân - tác giả tàu ngầm Yết Kiêu để cùng nhau cải tiến ra loại tàu ngầm tự chế ưu việt của Việt Nam.

Vì kinh phí ít ỏi và vật liệu chế tạo từ bình gas, ông Ngà tự nhận chiếc tàu lặn của mình vẫn còn nhiều khuyết điểm. Hiện nay tàu hoạt động chưa hoàn toàn ổn định, bộ điều khiển tàu ngầm thực tế là bộ điều khiển máy bay mô hình nên chỉ cho phép tàu lặn sâu tối đa 10m. 

Ông Dư Trung Hậu tham gia cùng CLB Máy bay mô hình Huế với ông Ngà cho biết: “Theo góc độ của cá nhân từng được xem rất nhiều loại mô hình, tôi thấy tàu lặn của anh Lê Ngà là một sản phẩm hoàn thành mỹ mãn về chất lượng và hình thức. Với môi trường trên cạn, điều khiển từ xa vài km là bình thường nhưng trong môi trường dưới nước, một người chưa từng qua một lớp đào tạo bài bản nào về chế tạo như anh Ngà có thể chế tạo được điều khiển với phạm vi 10m độ sâu thì quả thật rất giỏi”.

Tự chế bình gas thành tàu lặn Hoàng Sa (chờ bổ sung)

Thân tàu được làm từ bình gas công nghiệp.
Tự chế bình gas thành tàu lặn Hoàng Sa (chờ bổ sung)

Phần bao chân vịt chính là tay cầm bình gas  
Hạ thủy tàu lặn Hoàng Sa

Hạ thủy tàu lặn Hoàng Sa
Chiếc tàu lặn tốt ở sông Hương

Chiếc tàu lặn tốt ở sông Hương




Anh Việt - Thành Nhân - Đại Dương