Từ chàng thanh niên nghèo phải bán máu kiếm tiền đến tỷ phú cà phê
(Dân trí) - Ít ai biết rằng, để đưa Starbucks trở thành đế chế cà phê như ngày hôm nay, Howard Schultz đã "tay trắng làm nên sự nghiệp".
Starbucks - chuỗi cà phê lớn nhất thế giới hiện có hơn 28.000 cửa hàng tại 77 quốc gia. Doanh thu ròng năm 2017 đạt khoảng 22,4 tỷ USD và giá trị thương hiệu lên đến 84 tỷ USD.
Chủ tịch kiêm cựu CEO Starbucks - Howard Schultz cũng trở thành một trong những tỷ phú tự thân giàu nhất nước Mỹ với khối tài sản ước tính 2,8 tỷ USD.
Xuất thân từ một gia đình nghèo ở Brooklyn, New York, Howard Schultz trải qua quãng tuổi thơ chẳng mấy êm đềm trong một căn hộ giá rẻ được chính phủ trợ cấp.
Cuộc sống lại càng khó khăn hơn khi cha Schultz bị tai nạn và mất vào năm ông lên 7. Kể từ khi cha qua đời, gánh nặng kinh tế bỗng chốc dồn lên vai mẹ khiến gia đình ông ngày càng kiệt quệ.
Dẫu vậy, mẹ Schultz vẫn luôn khuyến khích các con học hành đến nơi đến chốn bởi bà tin rằng nền tảng giáo dục tốt chính là cánh cửa mở ra cơ hội thoát nghèo.
Ngoài thời gian làm việc phụ giúp mẹ, Schultz rất chăm chỉ học hành, thậm chí giành được một suất học bổng thể thao của Đại học Northern Michigan và trở thành người đầu tiên trong gia đình vươn tới cánh cổng đại học.
Khi lên đại học, ông lại quyết định không chơi thể thao mà dành thời gian đi làm thêm. Schultz đã làm nhiều công việc vặt như nhân viên pha chế, thậm chí bán máu để có tiền trang trải học phí.
Lần đầu tiên Howard Schultz gặp Starbucks là khi ông làm việc tại Hammarplast, một doanh nghiệp đồ gia dụng. Khi đó, Starbucks chỉ có 4 cửa hàng cà phê ở Seattle nhưng đã thu hút sự chú ý của Schultz khi đặt hàng một số lượng lớn máy pha cà phê nhỏ giọt.
Ông liền tìm gặp mặt hai người đồng sáng lập Starbucks lúc này là Gerald Baldwin và Gordon Bowker. Niềm đam mê cùng sự liều lĩnh đã thôi thúc Schultz gia nhập thương hiệu cà phê này.
Schultz đã mất một năm để thuyết phục Baldwin thuê ông về làm giám đốc marketing. Tại thời điểm đó, Starbucks vẫn chưa thực sự phát triển mà chỉ là nơi rang xay cà phê bán cho khách hàng sử dụng tại nhà.
Đầu những năm 80, việc Howard Schultz gia nhập công ty đã giúp Starbucks đạt được mục tiêu dường như bất khả thi, trở thành hãng cà phê cao cấp phổ biến nhất nước Mỹ.
Nhưng Howard Schultz là người có tham vọng lớn, ông muốn đưa Starbucks vươn tầm thế giới. Thậm chí, ông từng rời công ty vì không thể thuyết phục được những nhà sáng lập Starbucks phát triển hãng theo kế hoạch của mình.
Năm 1985, ông lập ra công ty Il Giornale để theo đuổi triết lý cà phê của mình. Howard Schultz đã phải tìm đủ mọi cách để huy động nguồn vốn. Trong vòng một năm, ông đã gặp 242 người để xin tài trợ nhưng bị từ chối tới 217 lần.
Thời điểm đó, Howard thậm chí còn không có đủ tiền chăm sóc cho người vợ đang mang thai. Thế nhưng, thành công luôn đến với người kiên trì và cố gắng.
Năm 1987, Howard Schultz mua lại Starbucks và 17 cửa hàng bán lẻ với giá 3,8 triệu USD. Sau đó, ông chính thức trở thành giám đốc điều hành của Starbucks, tiến hành cải tổ và mở rộng nhiều chi nhánh tại các thành phố lớn khác. Từ năm 1998 đến năm 2008, số cửa hàng của Starbucks đã tăng từ 1.886 lên 16.680.
Trong sự nghiệp kinh doanh Starbucks, Schultz luôn ưu tiên quan tâm đến sức khỏe và chế độ phúc lợi của nhân viên bởi ám ảnh về người cha ra đi chỉ vì không có một khoản trợ cấp nào.
Ông gọi các nhân viên là "đối tác". Vị tỷ phú cho biết ông chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ làm chủ một công ty nhưng từ sâu thẳm trái tim, ông luôn khát khao nếu đứng ở một vị trí có thể tạo ra được sự khác biệt nào đó thì ông sẽ không bao giờ bỏ mặc những người đứng phía sau.
"Tôi đã luôn khao khát theo đuổi mục tiêu của mình. Tôi đã luôn hành động để đạt được những điều mà bản thân mong muốn, dù cho người khác không nhìn thấy", Howard Schultz chia sẻ trong cuốn tự truyện "Pour Your Heart Into It" (Tạm dịch: Dốc hết trái tim).
"Các bạn trẻ, hãy mơ lớn. Sau đó mơ lớn hơn. Giấc mơ càng vĩ đại, càng to lớn thì càng tốt. Tôi tin rằng không ai khác mà chính các bạn sẽ là những người duy trì và nâng cao vị thế của quốc gia mình đối với bạn bè quốc tế.
Các bạn cũng chính là những người đưa đất nước tiến lên, bất kể màu da, tôn giáo, giới tính hay mục tiêu của cuộc đời bạn là gì".