Từ cánh hoa hồng, cô gái Quảng Trị khởi nghiệp thành công nơi "đất khách"
(Dân trí) - Chị Hoàng Thị Thương quyết định rời Quảng Trị ra miền Bắc lập nghiệp, trực tiếp quản lý công việc liên kết với các chủ vườn hoa hồng ở Lai Châu và Hà Nội để có thể làm ra những lọ nước hoa hồng.
Chị Hoàng Thị Thương quyết định rời quê nhà từ Quảng Trị ra Hà Nội lập nghiệp cách đây 1 năm. Trước đó, chị đã có hơn 3 năm hoạt động theo mô hình hợp tác, bao tiêu, liên kết với các chủ vườn ngoài miền Bắc để "biến" hoa hồng thành các mặt hàng làm đẹp tự nhiên.
Thời gian đầu lập nghiệp, chị gặp khó khăn về khâu vận chuyển, chi phí cao, đi thăm vườn tốn kém. Chị quyết định ra Hà Nội sinh sống để thuận tiện cho công việc, có thể thường xuyên trực tiếp về vườn.
Từ một cô gái có làn da nhạy cảm, dễ nổi mụn, chị Thương đã thay đổi nhan sắc nhờ sử dụng các sản phẩm tự nhiên chiết xuất từ hoa hồng. Sau quá trình chăm sóc và hồi phục làn da, chị bắt đầu tìm hiểu, yêu thích và "bén duyên" với công việc trồng, sáng tạo thành phẩm từ loài hoa đặc biệt này.
"Da mình ngày xưa rất xấu, thử đủ phương pháp nhưng không hiệu quả. Tình cờ quen một người chị trên mạng rất yêu hoa hồng và có chung mối quan tâm về cách chăm sóc da lão hóa nên bắt đầu dùng nước hoa hồng để làm đẹp da. Sau một thời gian trải nghiệm, học hỏi kiến thức và hiểu được công dụng của hoa hồng đối với làn da, mình dần nhen nhóm ý định tự làm nước hoa hồng", chị Thương nhớ lại.
Từ ý nghĩ trong đầu, người phụ nữ quê Quảng Trị quyết định theo đuổi đam mê một cách bài bản, khoa học. Vì thổ nhưỡng và thời tiết nắng nóng ở miền Trung không phù hợp nên chị Thương hợp tác, bao tiêu với nhiều chủ vườn ở miền Bắc.
Sau những lần đi khảo sát, lên tận vườn ở Sìn Hồ, Lai Châu trải nghiệm, chị Thương càng có thêm động lực theo đuổi đam mê khi tận mắt chiêm ngưỡng những khu vườn hoa hồng đẹp mê ly ở nơi đây. Ở Lai Châu, chị liên kết với một vườn hoa hồng rộng 1ha, còn một vườn khác ở Hà Nội có diện tích 5.000m2.
Theo kinh nghiệm của chị, hoa hồng được trồng tại những nơi có thời tiết mát mẻ, trong lành, thường có mùi thơm và chứa nhiều tinh dầu hơn.
Để chiết xuất nước hoa hồng chất lượng, có mùi thơm dễ chịu, chủ vườn tập trung trồng chủ yếu là hồng ngoại. Hiện, tổng 2 vườn được liên kết có khoảng hơn 20 giống hồng ngoại với 2000 gốc, đủ màu sắc khác nhau, nhiều nhất là tường vi, bishop, hồng bạch…
Vườn sử dụng phân bón tự làm từ dịch cá, phân gà, đậu tương nhằm đảm bảo đủ dưỡng chất cho cây, đồng thời pha tinh dầu như sả chanh, tỏi, ớt để phun, giúp phòng trừ sâu bệnh.
Ở Hà Nội, vào mùa thu, đông, xuân có thời tiết mát mẻ là thời điểm thu hái hoa về chưng cất hay làm trà. Mùa hè nắng nóng là lúc dưỡng cây. Còn ở Sìn Hồ, Lai Châu, mùa hè có thời tiết mát mẻ, hoa nở rộ. Hai khu vườn đóng vai trò phụ trợ lẫn nhau để có nguyên liệu chưng cất nước hoa hồng quanh năm.
"Mùa hè là thời điểm cây được "nghỉ dưỡng", không thu hoạch mà chỉ tỉa cành, cắt bớt lá. Vì thời tiết nắng nóng nên hoa hồng chứa ít tinh dầu, nếu chưng cất sẽ không thơm", chị Thương chia sẻ.
Ở mỗi vườn đều có nồi chuyên dụng để chưng cất hoa hồng. Hoa được thu hái trước 7h sáng, khi hoa vừa hé nở, người nông dân nhanh chóng mang về tách cánh để chưng cất luôn. Không chỉ một mà nhiều loại hoa khác nhau được gom lại để tạo ra phần nước cất có mùi thơm dịu nhẹ, hài hòa.
Thời gian đầu tuy có nhiều khó khăn nhưng nhờ chăm chỉ tìm hiểu, tham khảo kiến thức trên mạng, chị Thương đã có bí quyết và chiết xuất rồi đưa ra thị trường những chai nước hoa hồng đầu tiên.
Để hoàn thiện mọi quy trình sản xuất và nâng cao uy tín, bà mẹ 2 con còn gửi mẫu kiểm nghiệm để đảm bảo nước hoa hồng tự nhiên đạt chất lượng, an toàn, không chứa các thành phần có hại cho da.
Ngoài nước hoa hồng, chị Thương còn chú trọng tới các phương pháp làm đẹp da từ bên trong để tạo sản phẩm phù hợp. Ví dụ, cánh hoa hồng ngâm mật ong, hoa hồng sấy lạnh kết hợp cỏ ngọt, cúc la mã, cúc chi, cúc bạch. Chị cũng thành lập hợp tác xã hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp ở Hà Giang, liên kết bao tiêu trà cổ thụ.
Sau 4 năm khởi nghiệp, ban đầu chỉ bán được khoảng 100 chai nước hoa hồng. Hiện nay, người phụ nữ quê Quảng Trị đã tăng số lượng sản phẩm, đạt mức khoảng 600 - 700 chai/tháng, chưa kể các mặt hàng trà và bột từ hoa hồng.
Khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đối với người trẻ đã khó nhưng với chị Thương, điều đó còn khó hơn nhiều lần. Dù có con nhỏ, sống xa gia đình nhưng người phụ nữ này không hề chùn bước hay có ý nghĩ từ bỏ. Mô hình canh tác thân thiện với môi trường, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho nhiều chị em phụ nữ mà chị liên kết bao tiêu chính là động lực thôi thúc bà mẹ 2 con nỗ lực, cố gắng hơn nữa mỗi ngày.