Từ 6/7/2005, Việt Nam sẽ trở thành thành viên của Công ước Geneva
Chiều nay, 3/6, Cục Bản quyền tác giả Văn học- Nghệ thuật (Bộ Văn hóa- Thông tin) đã tổ chức buổi họp báo thông báo về việc Việt Nam gia nhập “ Công ước về bảo hộ nhà sản xuất bản ghi âm chống lại việc sao chép trái phép bản ghi âm” (Công ước Geneva).
Ông Vũ Mạnh Chu, Cục trưởng Cục bản quyền tác giả Văn học- Nghệ thuật, cho biết: Tại thông báo số 83 ngày 6/4/2005, Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) đã xác nhận và thông báo tới tất cả các quốc gia thành viên về việc Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam gia nhập Công ước Geneva. Kể từ ngày 6/7/2005, Việt Nam sẽ trở thành thành viên của Công ước Geneva. Theo đó, văn bản Công ước Geneva có hiệu lực hiện hành là văn bản được kí kết tại Geneva ngày 29/10/1971, gồm có lời nói đầu và 13 Điều. Nôi dung chính bao gồm:
- Công ước quy định nghĩa vụ cho mỗi quốc gia thành viên về việc bảo hộ các nhà sản xuất bản ghi âm mang quốc tịch của các quốc gia thành viên khác chống lại việc làm bản sao, nhập khẩu và phát hành chúng mà không được sự đồng ý của nhà sản xuất bản ghi âm.
- Thời hạn bảo hộ kéo dài ít nhất là 20 năm kể từ khi bản ghi âm được định hình lần đầu hoặc được công bố lần đầu.
- Công ước để mở cho bất kì thành viên nào của Liên hiệp quốc hoặc thành viên của bất kì tổ chức nào thuộc hệ thống các tổ chức của Liên hiệp quốc. Văn kiện phê chuẩn, chấp thuận hoặc gia nhập phải được nộp tới Tổng Thư kí của Liên hiệp quốc. Văn phòng Quốc tế của WIPO thực hiện chức năng thư kí của Công ước. Công ước không quy định việc lập Liên hiệp, cơ quan điều hành và ngân sách
Theo ông Vũ Mạnh Chu, “việc Việt Nam tham gia Công ước Geneva lần này là thời điểm rất phù hợp vì nó nằm trong một lộ trình của Việt Nam tham gia WTO. Chúng ta không thể cưỡng được quá trình này. Tất cả các tổ chức và pháp nhân của Việt Nam có quyền tác giả, của NXB ghi âm, hay là quyền của tổ chức phát sóng, người biểu diễn… sẽ được bảo hộ ở các quốc gia thành viên…”.
Hiên nay, Công ước đã có 74 quốc gia thành viên. Kể từ ngày 6/7, là thành viên của Công ước Geneva, Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện các quy định của Công ước, bảo hộ nhà sản xuất bản ghi âm, chống lại việc sao chép, nhập khẩu, phát hành trái phép bản ghi âm có xuất xứ từ các nước thành viên. Đồng thời các nước thành viên của Công ước cũng có nghĩa vụ bảo hộ các nhà sản xuất bản ghi âm Việt Nam theo quy định tại Công ước.
Các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng bản ghi âm của các nước thành viên của Công ước Geneva phải liên hệ với các đối tác để xin phép, thỏa thuận việc sử dụng, tránh những tranh chấp không đáng có. Do đó, các Cục, Vụ quản lý chuyên ngành thuộc Bộ Văn hóa- Thông tin, các Sở Văn hóa- Thông tin cần chủ động xem xét, điều chỉnh kế hoạch hoạt động của mình đối với lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý trong việc sử dụng bản ghi âm của các nước thành viên Công ước Geneva để phổ biến tại Việt Nam…
Tuy nhiên, theo ông Trần Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa- Thông tin, thì hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay chưa đủ mạnh và chưa đủ các yếu tố để xử lí mạnh các trường hợp vi phạm, cho nên, Việt Nam đã yêu cầu thời gian bảo hộ kể từ khi băng ghi âm được định hình lần đầu hoặc được công bố lần đầu là 50 năm.
Nguyễn Hiền