TPHCM cần làm gì khi có nguồn lực lớn nhưng chưa thể giải phóng?
(Dân trí) - TPHCM có nguồn lực lớn nhưng chưa thể giải phóng là nhận định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại buổi làm việc vừa qua. Thành phố cũng đối mặt nhiều thách thức trong phần còn lại của nhiệm kỳ.
Tại buổi làm việc với Thành ủy TPHCM ngày 17/8, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đưa ra những nhận định, trăn trở về những vấn đề thành phố đã và đang gặp phải. Trong đó, tăng trưởng kinh tế của TPHCM chưa tương xứng với vị trí, vai trò và tiềm năng, lợi thế; thành phố vẫn còn nguồn lực rất lớn nhưng chưa thể giải phóng để phát triển kinh tế; kết cấu hạ tầng của địa phương còn yếu kém, ngày càng quá tải.
Trước hàng loạt khó khăn hiện hữu, TPHCM vừa ban hành Chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố đến năm 2025. Với chỉ thị mới này, lãnh đạo thành phố đã đặt ra hàng loạt chỉ tiêu rất thách thức trong bối cảnh hiện tại, đặc biệt là chỉ tiêu tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) năm 2024 đạt 7,5-8% và năm 2025 đạt 8-8,5%.
Trong cuộc trao đổi với phóng viên Dân trí, TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai Nghị quyết 98, chia sẻ, những nhận định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là hoàn toàn chính xác với hoàn cảnh của TPHCM hiện tại. Các nhóm nghiên cứu cũng đánh giá, TPHCM sẽ rất khó khăn và cần sự nỗ lực rất lớn mới đạt được những chỉ tiêu trong chỉ thị vừa ban hành.
"Tuy nhiên, tôi hoàn toàn ủng hộ việc TPHCM đặt mục tiêu cao như vậy. Việc lãnh đạo thành phố đưa ra mục tiêu tăng trưởng đầy thách thức còn mang ý nghĩa khác ngoài các con số", TS Trần Du Lịch bày tỏ.
Điểm nghẽn chính vẫn là hấp thụ vốn
Tại buổi làm việc với TPHCM vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhận định thành phố vẫn còn nguồn lực rất lớn nhưng chưa thể giải phóng để phát triển kinh tế. Theo ông, nguyên nhân của thực trạng này là gì và TPHCM cần khắc phục ra sao thời gian tới?
- Những nhận định, đánh giá của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại buổi làm việc với Thành ủy TPHCM vừa rồi là hoàn toàn chính xác. Đây cũng là vấn đề được TPHCM bàn thảo rất nhiều để tìm kiếm giải pháp.
Thực trạng này xuất phát chủ yếu từ việc TPHCM không hấp thụ được vốn cùng một số vấn đề khác liên quan. Minh chứng rõ nét nhất là hiện tại, TPHCM còn hàng loạt dự án cả đầu tư công lẫn tư nhân vướng thủ tục, thiếu nguồn lực đang chờ tháo gỡ.
Một ví dụ khác là rất nhiều dự án bất động sản trên địa bàn phải nằm chờ thủ tục thời gian qua. Vừa rồi, thành phố phải có các biện pháp khơi thông lại thị trường bất động sản, giải quyết một số vướng mắc thì dòng vốn mới bắt đầu có dấu hiệu được hấp thụ lại được.
Bên cạnh đó, thành phố cũng gặp nhiều vấn đề khác mà không thể tự mình tháo gỡ nên cần sự vào cuộc, hỗ trợ từ cấp Trung ương. Vừa rồi, TPHCM đã kiến nghị với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhiều việc, nhưng tựu chung lại là gỡ các điểm nghẽn liên quan vấn đề pháp lý để hấp thụ được vốn.
Thực tế, TPHCM được trao một số cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 98 của Quốc hội. Tuy nhiên, nghị quyết này không phải công cụ để gỡ tất cả vướng mắc mà thành phố đang gặp phải.
Tôi cho rằng, việc gỡ các vướng mắc của TPHCM không chỉ là vấn đề của riêng thành phố, chỉ tác động đến thành phố. Khi dòng vốn được khơi thông lại, tổng cầu sẽ tăng lên, tất cả ngành nghề, lĩnh vực sẽ khởi sắc. Tôi tin tưởng, khi các tồn tại, điểm nghẽn không còn, khả năng TPHCM phát triển vượt trội trong năm sau, đóng góp vào thành quả chung của cả nước là rất cao.
Trong bối cảnh gặp hàng loạt khó khăn, TPHCM vừa ban hành Chỉ thị về thực hiện nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đến năm 2025 với các chỉ tiêu đầy thách thức, đặc biệt là chỉ tiêu tăng trưởng GRDP. Theo ông, việc TPHCM đạt được các mục tiêu của chỉ thị có khả thi và những mục tiêu này còn mang nghĩa gì khác?
- Tôi cho rằng, TPHCM đã đặt các chỉ tiêu này dựa trên cân đối tăng trưởng các năm theo mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI đề ra.
Trong nhiệm kỳ này, thành phố đã mất hoàn toàn một năm 2021 vì đại dịch Covid-19, tăng trưởng âm. Đến năm 2022, thành phố có sự phục hồi khá trên nền tảng là các chỉ số âm của năm trước.
Phải tới năm 2023, thành phố mới trở lại giá trị tăng trưởng gần tương đương thời điểm trước khi diễn ra dịch Covid-19.
Nếu tính con số tuyệt đối của tổng sản phẩm nội địa (GRDP), thành phố đã mất nguyên 2 năm để phấn đấu đạt được mục tiêu của nhiệm kỳ. Do đó, khi lên các mục tiêu trong chỉ thị, TPHCM đã tính toán để phấn đấu kết quả tăng trưởng năm 2023, 2024, 2025 bù lại thời điểm chịu tác động nặng nề của dịch bệnh.
Trong chỉ thị, TPHCM đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2024 là 7,5-8%, năm 2025 là 8-8,5%. Các nhóm nghiên cứu cũng chỉ rõ, đạt được mục tiêu này là điều rất khó khăn.
Tuy nhiên, tôi cho rằng qua chỉ thị mới ban hành, TPHCM đã thể hiện không có ý định điều chỉnh mục tiêu của nhiệm kỳ. Bên cạnh chỉ số GRDP, thành phố cũng đặt mục tiêu cao ở nhiều lĩnh vực khác.
Tôi giả định, thành phố không đạt mục tiêu tăng trưởng năm nay là 7,5-8% thì điều đó cũng không phải một sự thất bại. Mục tiêu lớn nhất của chỉ thị là đề ra quyết tâm chính trị, phấn đấu tối đa để có kết quả cao nhất và hơn hết là nỗ lực tháo gỡ tất cả vướng mắc để thúc đẩy dòng vốn.
Quan điểm của tôi là thành phố nên đặt các mục tiêu cao để phấn đấu, chấp nhận một số chỉ tiêu không đạt được. Với mục tiêu tăng trưởng cao, thành phố càng huy động được sức mạnh tổng lực để huy động nguồn lực phát triển.
Việc TPHCM không đạt mục tiêu tăng trưởng năm nay là 7,5-8% cũng không phải một sự thất bại
Chỉ thị mới của TPHCM cũng nhắc tới mục tiêu nằm trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu về chỉ số PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh). Điều này nhằm để thành phố nhìn rõ hơn trong các quy trình, thủ tục tại địa phương thuộc cấu phần PCI có điểm nào còn yếu để khắc phục chứ không phải so sánh thành phố với các địa phương khác.
Chúng ta cần nhớ, theo Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM, thành phố được hướng tới vai trò của một đầu tàu, dẫn dắt sự phát triển chung.
Không nên chỉ tập trung cho giao thông, chống ngập
Một trong những điểm nghẽn của TPHCM được nhắc tới nhiều thời gian qua là tốc độ giải ngân đầu tư công còn chậm. Đây có phải một điểm nghẽn trong việc hấp thụ vốn của TPHCM?
- Các dự án đầu tư công sẽ giúp thành phố kích cầu thị trường nội địa và tăng khả năng hấp thụ cả vốn Nhà nước và vốn tư nhân. Từ các dự án đầu tư công, thành phố còn có thêm nền tảng để kích cầu hoạt động tiêu dùng, du lịch và nhiều ngành nghề khác.
Khi giải ngân đầu tư công tốt, dòng tiền càng sớm được đưa vào thị trường và tạo sự lan tỏa. Thành phố cùng nhiều địa phương đang gặp vấn đề "có tiền mà chưa xài được".
Trong 6 tháng đầu năm, tốc độ giải ngân đầu tư công còn khá chậm. Tuy nhiên, theo lộ trình của từng dự án thì tốc độ giải ngân của 6 tháng cuối năm sẽ tăng cao hơn.
Điều TPHCM cần làm hiện tại là tập trung tháo gỡ cho các dự án còn vướng mắc để thu hút đầu tư tư nhân. Các công trình trọng điểm cần được đẩy nhanh tiến độ là nút giao thông An Phú, dự án cải tạo Rạch Xuyên Tâm, kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước lên…
Nút giao An Phú (TP Thủ Đức) là một trong những dự án trọng điểm mà TPHCM cần đẩy nhanh tiến độ (Ảnh: Hải Long).
Năm nay, TPHCM được giao khoảng 79.000 tỷ đồng vốn đầu tư công. Nhìn về những khó khăn và thách thức trong công tác giải ngân và quá trình chỉ đạo, điều hành của thành phố, tôi cho rằng không phải ngẫu nhiên mà lãnh đạo TPHCM luôn cam kết sẽ giải ngân đạt kết quả cao nhất có thể trong năm nay.
Hiện tại, thành phố đã phân loại các dự án đầu tư công còn vướng theo từng tính chất và có tổ công tác xử lý hàng tuần. Ví dụ, các dự án vướng đền bù, giải tỏa được phân loại riêng, các dự án vướng về thủ tục, pháp lý cũng quy vào một nhóm riêng.
Tôi nhận thấy, TPHCM, lãnh đạo UBND thành phố cùng tổ công tác rất quyết liệt xử lý từng vấn đề chứ không chỉ nói chung chung. Khi bệnh đã được bắt, vấn đề đã được nhận diện thì tôi tin rằng, thành phố sẽ đạt được kết quả khả quan về giải ngân đầu tư công trong 6 tháng cuối năm.
Ngoài việc tìm ra và giải quyết các khó khăn, vướng mắc hiện hữu, lĩnh vực đầu tư công của TPHCM cần thay đổi và chuẩn bị gì cho giai đoạn phát triển tiếp theo?
- Tại buổi làm việc với TPHCM, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có nhắc tới vấn đề thành phố đầu tư phát triển chưa cân xứng giữa hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng văn hóa, thể thao, giáo dục. Vốn đầu tư công hiện tại chủ yếu được đổ vào các dự án giao thông và chưa tạo sự đồng bộ đối với các lĩnh vực khác.
Ngoài ra, chỉ thị mới của TPHCM có đề cập tới tăng tỷ trọng kinh tế số. Thời điểm này, thành phố cần sớm tính toán về hạ tầng công nghệ thông tin, các trung tâm dữ liệu lớn để định hình việc phát triển kinh tế số, kinh tế xanh…
Trung tâm Triển lãm Quy hoạch (TP Thủ Đức) là một trong số ít công trình dự án mới thuộc lĩnh vực văn hóa của TPHCM (Ảnh: Nam Anh).
Tóm lại, trong việc phân bổ vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, TPHCM cần chú trọng các dự án văn hóa, xã hội, thể dục - thể thao, phúc lợi xã hội, hạ tầng số. Điều này nhằm tạo sự phát triển hài hòa, bền vững cho TPHCM trong tương lai.
Thành phố không thể cứ mãi tập trung cho các dự án chống ngập, giảm ùn tắc.
Hiện tại, các phần việc chuẩn bị cho Nghị quyết 98 của TPHCM đã cơ bản hoàn thiện và từng bước tác động tích cực tới lĩnh vực đầu tư công. Thời gian tới, khi việc phân cấp, phân quyền được các bộ, ngành Trung ương thực hiện chủ động, hiệu quả hơn, TPHCM chắc chắn còn huy động và khơi thông rất nhiều nguồn lực xã hội để thực hiện các dự án đầu tư công và cả đầu tư tư nhân nhằm tạo sức bật cho tương lai.
Xin cảm ơn ông!
Mới đây, UBND TPHCM đã ban hành Chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố đến năm 2025.
UBND TPHCM đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) năm 2024 đạt 7,5% trở lên và năm 2025 đạt 8-8,5%. Trong đó, tỷ trọng kinh tế số năm 2024 sẽ đạt 22% và năm 2025 là 25%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của TPHCM năm 2024 cần tăng 6,5%, với 4 ngành công nghiệp trọng điểm là động lực tăng trưởng, có mức tăng cao hơn toàn ngành.
Kim ngạch xuất khẩu tăng ít nhất 10% so với năm 2023. Thành phố cũng đề ra mục tiêu nằm trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu về chỉ số PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) và Par-Index (chỉ số cải cách hành chính).
Về các mục tiêu cụ thể, TPHCM kỳ vọng tổng diện tích nhà ở đạt 40 triệu m2 trở lên và xây dựng ít nhất 26.200 căn nhà ở xã hội.
Đến năm 2025, thành phố cần xử lý 80% lượng rác sinh hoạt bằng công nghệ mới hoặc tái chế, toàn địa bàn có ít nhất 150ha đất công viên cây xanh.