Truyền thuyết về thung lũng Rắn
(Dân trí) - Từ bao đời nay, người dân ở các xã miền núi của huyện Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Yên Thành... (Nghệ An) vẫn truyền tai nhau về thung lũng rắn huyền thoại, kỳ bí, đã từng giúp bộ đội và người dân trong các cuộc kháng chiến cứu nước.
Thung lũng Rắn (còn có tên là thung Bom), nằm giữa hai cánh rừng đổ về Truông Diếp (Nghĩa Đàn) và dốc Động Cầu (Yên Thành). Đây là nơi phát nguồn lưu vực lâm sinh, thủy sinh của hai vạn héc ta rừng đầu nguồn Quỳnh Lưu, Yên Thành và khe Thần - một nhánh tích nước cho sông Con (Tân Kỳ).
Theo sự tích kể lại rằng, vào đầu những năm sáu mươi của thế kỷ trước, tại đây, rừng nguyên sinh bạt ngàn các loại cây gỗ quý như: táu, lim, sến, săng lẻ... mà vòng ôm mỗi cây rộng tới cả chục mét. Những năm 1886 - 1889, lãnh tụ phong trào Cần Vương, tiến sĩ Nguyễn Xuân Ôn cùng Phó bảng Lê Doãn Nhạ khởi binh chống Pháp, phối hợp với Trần Tấn, Đặng Như Mai ở mạn Thanh Chương, vùng rừng núi heo hút, hiểm trở Động Cầu, khe Thần, Ba Xanh, Đồng Hồ, Đồng Lào để tạo thành hậu cứ vững chắc theo thế “tiến vi công, lui vi thủ”.
Những năm đánh Mỹ, con đường giao liên từ dốc Bò Lăn vào Sư đoàn 316 đóng tại xã Kỳ Sơn, Tân Kỳ cũng uốn lượn, vòng vèo dưới thung Rắn, qua khe Cái, khe Đền. Nhiều lần bộ đội gặp rắn cạp nong, rắn lục bò ngang đường hành quân, vẫn bình thản chờ chúng ngoắt nghoe trườn sang khe núi rồi mới bước tiếp. Mấy khu nhà công nhân đội 1, lâm trường Yên Thành nép dưới tán rừng, đêm đêm thường bắt gặp rắn ráo, cạp nia bò vào bếp, loảng xoảng lục tìm bắt chuột rừng. Cả khi vào động Bồ Bồ khai thác gỗ, gặp trăn đất cuộn tròn ven lối đi, cánh thợ rừng cũng chỉ ném đá xua đuổi chúng, thản nhiên nhìn những lằn lưng đen nhánh, hoa vảy mang hình chữ Thọ uốn lượn sền sệt trên lớp lá mục cho tới lúc mất hút sau một thớt gỗ.
Những trưa tháng sáu, khe Cái, khe Đền quần tụ đàn trâu kéo gỗ tắm táp, lũ rắn ráo, rắn cạp nong với khoang đen, khoang trắng trên lưng cũng túa xuống mặt nước tránh cái nắng đốt da, cháy thịt. Cả đoạn suối sau khu công nhân đội 1 có cái tên Bà Ngại cũng thường bắt gặp những con kỳ đà mốc thếch lặn ngụp bắt cua đá, thấy bóng người chúng phóng ào ào lên bụi giang, bụi nứa tỏa sát bờ khe. Thuở ấy đời sống công nhân lâm nghiệp khó khăn lắm, bữa ăn chỉ là mắm ruốc nấu với lá sắn, rau tàu bay, cải nương tự túc. Ấy vậy mà chẳng ai nghĩ tới chuyện bắt rắn, bắt kỳ đà, bắt trăn đất “nấu giả cầy” đánh chén, cải thiện, chứ làm gì có chuyện cao sang hơn là bắt rắn ngâm “rượu ngũ xà, lục xà” như sau này.
Hồi ấy, cánh thợ khai thác rừng cứ một trăm người thì chín mươi chín người phải “có rượu vào mới đổ cây”. Mà cũng lạ, bao nhiêu con người, bấy nhiêu gia đình công nhân lâm nghiệp tá túc quanh thung lũng Rắn dưới chân đỉnh Bồ Bồ, gặp rắn như cơm bữa nhưng chẳng ai bị lũ bò sát rừng đầy nọc độc tấn công. Trong hàng chục loại rắn độc ở thung lũng Rắn thì rắn lục có màu xanh lá rừng là độc nhất. Cả thân nó chỉ dài bốn mươi centimet, con to nhất cũng chừng ba lạng. Tập tính rắn lục là ăn đêm, ban ngày chúng trở nên đờ đẫn. Nếu trong đêm không tìm được thức ăn, chúng phải tiết nọc độc nuôi cơ thể, sáng ra không may đạp phải, bị rắn lục cắn, xem như cầm chắc cái chết.
Ấy là loài rắn ăn dưới đất, loài trên cây hiền lành như rắn ráo còn phải nhắc tới rắn ba cạnh đổi màu theo thân cây, sắc lá. Chúng dùng đuôi vít chặt vào cành cây, đầu vươn lên theo thế cây mọc ngang, ngửa, đứng xa nhìn có cảm giác thú vị khi nhận ra sự lớn dậy, tăng dần chiều cao của một loài cây. Vô phúc cho những chú chim, chú nhái bén ngỡ là nhánh cây bất ngờ trở thành mồi ngon cho rắn ba cạnh. Người đi rừng thường bị rắn ba cạnh đớp ngang ngực, có khi vào đầu nếu không đội mũ. Rắn ba cạnh chẳng khác gì cái dũa thép, chỉ nặng chưa đầy một lạng nhưng nọc độc thì mạnh gấp 3 lần rắn hổ mang chúa. Vả lại vị trí cắn vào phần trên cơ thể con người nên nọc độc phát tán rất nhanh, khả năng cứu sống rất thấp.
Tôi gom nhặt được đôi điều về loài rắn ở thung lũng Rắn cũng từ cơ duyên quen biết 2 anh em Lương Văn Châu, Lương Văn Ngôn, một trong những thợ săn thú rừng thiện xạ tại bản Thái khe Thần xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ. Anh em ông cũng khác người. Trong căn nhà sàn khang trang, không thấy bóng dáng đầu hươu, gạc nai rừng, sừng bò tót, lốt da beo, da hổ treo rối mắt, khoe mẹ như nhiều tay thợ săn chính hạng. Khẩu súng hiệu Xăm Lét hai nòng, bắn đạn nhồi của ông cũng không thấy treo bên vách sàn.
Ông Châu bảo, tôi chỉ bắn con sói, con lợn độc phá nương, phá rẫy và cũng chỉ vào rừng Bồ Bồ mùa kiệt lá. Mùa xuân, mùa sinh sản của muông thú, tôi không đi rừng. Ông Châu còn có tiếng chữa rắn cắn bằng bài thuốc Nam gia truyền. Bẵng đi hơn chục năm, nhân chuyến ngược Tân Kỳ, Yên Thành tìm hiểu nạn phá rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ để chuyển hàng chục vạn héc ta sang trồng chè, trông cây nguyên liệu làm giấy, tôi vào khe Thần thăm anh em ông Châu. Từ Truông Trầm ngược lên theo đường 15A, tôi không còn tìm thấy những dải rừng xanh bạt ngàn như trước nữa. Cả đến con suối hợp lưu với khe Thần trước khi đổ vào sông Con, nằm cạnh bản Thái có ngôi nhà sàn xinh xắn của anh em ông Châu cũng trơ đá cuội, nước đầu mùa lũ mà chỉ rả rích chảy.
Ông Châu vẫn hỉ hả đón khách thăm nhưng bước chân đã chậm, hai mắt rối rít nét nhăn tuổi tác. Trời se lạnh, ngả sang chiều, bên bếp lửa, tôi và ông Châu mời nhau bát rượu ngô ủ men lá nồng nàn vị chát. Chừng đoán nỗi thắc thỏm của tôi về mấy cánh rừng hoang hoác, ông Châu thở dài, như chắt ra từng câu: “Rừng hết rồi, nai, hươu đi sạch cả rồi. Người ta độc quá. Rừng bị chặt trũi, đốt quang lấy đất trồng chè công nghiệp, trồng cây mỡ suốt dải khe Thần, khe Cái xuống tận khe Đền”.
Rồi như cố nuốt cục tức tối, ông ực hết bát rượu. Lát sau ông kể: “...Bọn bắt rắn từ dưới xuôi lên còn nổi lửa đốt thung Rắn, xua rắn ra bãi tranh rừng cháy để chúng lùa vào lưới. Rắn con, rắn cháu, rắn ông, rắn bà, rắn bố, rắn mẹ táp lửa chết như vỏ trấu vãi nương”. Tôi chợt tỉnh người vì lâu nay vùng nửa đồi núi Yên Thành, Quỳnh Lưu có phong trào bắt rắn bán cho đầu nậu đưa sang bên kia biên giới với giá 700.000 đồng một cân rắn tạp, nếu là rắn hổ mang, rắn lục giá ngất ngưởng trên một triệu đồng.
Đang lan man nghĩ về cái sự vô lương của bọn đốt rừng bắt từ tấm chí mén loài rắn trong thung Bom, tôi giật người vì tiếng cười sắc lạnh của ông Châu. Lát sau ông “nhát búa, nhát rìu” kể: “Tốp bắt rắn bị rắn lục qua đêm cắn vào bắp chân một người đứng tuổi. Bà Thảo ở tổ trồng rừng mách nước đưa người bị nạn lên khe Thần nhờ ông Châu chữa. Chúng nó hùng hục vác thằng bị rắn lục cắn lên sàn rồi vái lạy tôi nhờ cứu nạn. Tôi xem vết cắn đã đen sậm rồi nói thẳng chỉ cứu được mạng còn cái chân thì cầm chắc hoại tử. May mà cánh rừng thung Rắn trước khi bị cháy, tôi tìm được mấy gốc “bán địa” đem trồng lên rẫy nhà mới có thêm một vị đứng đầu bài thuốc trị nọc độc rắn lục cắn”.
Chuyến ngược đường 15A lên phà Sen, vòng vo xuống đội 1, đội 2 lâm trường Yên Thành, tận mắt chứng kiến hàng nghìn héc ta rừng đang khép tán bị phá, bị đốt thực bì lấy đất trồng chè, trồng mỡ mà ngay cả những người thợ rừng cũng không tin có hiệu quả kinh tế cao trên chất đất cát pha sét, độ ẩm cao. Chuyến đi ấy tôi có được bài phóng sự gây dư luận: “Chặt cây sống, trồng cây chết”.
Thế rồi gần mười năm, quẩn quanh với quy hoạch trồng cây gì trên đất rừng thung Rắn, dãy Bồ Bồ, Ba Xanh, Ba Quanh, người ta bắt gặp tốc độ tái sinh chóng mặt dòng họ cây bản địa như lim, như sến, như săng lẻ... Và bên cánh rừng chè, rừng mỡ teo tóp, xơ xác là bạt ngàn dải rừng phòng hộ cứ khép tán, gọi muông thú về hợp bầy, sinh sản. Thung Rắn đã bắt gặp kỳ đà, rắn cạp nong, cạp nia lột xác, vương vãi những khoang đen, khoang trắng vấn vít vào bụi tranh, bụi lau sữa. Mấy trăm hộ gia đình thanh niên xung phong định cư tại vùng rừng nghèo kiệt đã trồng dứa, trồng tre lấy măng bát độ, thu lợi hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Và đấy là chân thung lũng Rắn, còn mái rừng Bồ Bồ vẫn khoanh nuôi bảo vệ cây chắn gió, cây lấy gỗ tứ thiết để trong tương lai không xa khi hàng vạn héc ta rừng đạt độ che phủ như thuở hồng hoang.
Lên thung lũng Rắn áp Tết Quý Tỵ, tôi không còn được hưởng cái thú ngồi nhà sàn uống rượu ngô với ông Châu nữa. Hai anh em ông kẻ trước, người sau rủ nhau về với Mường Trời xa tắp. Tôi thắp nén hương tưởng nhớ ông và chạnh nghĩ không biết ông có kịp truyền cho con cháu bài thuốc chữa rắn độc linh nghiệm từ thuở xưa xa.
Văn Hiền - Nguyễn Phê