1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

"Truy" trách nhiệm của thủy điện trong khắc phục hậu quả xả lũ

(Dân trí) - Đại biểu Nguyễn Văn Hải cho rằng, công trình thủy điện có 3 chức năng là cắt lũ, chống hạn, sau đó mới là phát điện. Thế nhưng 2 chức năng đầu thường bị “quên", các công ty thủy điện chỉ chăm chăm vào chức năng phát điện. Khi xả lũ gây thiệt hại, các công ty thủy điện chưa có trách nhiệm trong bồi thường, khắc phục hậu quả.

Mưa lớn cộng thủy điện xả lũ gây nên tình trạng ngập diện rộng tại huyện Con Cuông - vùng hạ du của thủy điện Bản Vẽ, cuối tháng 8/2018 (ảnh Nhật Lân)
Mưa lớn cộng thủy điện xả lũ gây nên tình trạng ngập diện rộng tại huyện Con Cuông - vùng hạ du của thủy điện Bản Vẽ, cuối tháng 8/2018 (ảnh Nhật Lân)

Theo báo cáo của UBND huyện Tương Dương (Nghệ An), trong đợt lũ lụt hồi cuối tháng 8, đầu tháng 9 vừa qua do ảnh hưởng của mưa lũ cũng như việc thủy điện xả lũ đã gây thiệt hại trên 70 tỷ đồng. Trách nhiệm của các công ty thủy điện trên địa bàn là vấn đề được ông Nguyễn Văn Hải – Bí thư huyện ủy Tương Dương “truy” gắt gao tại phiên thảo luận tổ, kỳ họp HĐND tỉnh Nghệ An khóa 8, diễn ra vào chiều ngày 10/12.

Phương án xả lũ được UBND tỉnh phê duyệt, trong này có ghi rõ sau khi xả lũ, thủy điện phải phối hợp với chính quyền địa phương để điều tra thiệt hại và bồi thường theo quy định. Tuy nhiên theo ông Hải, từ khi xả lũ đến bây giờ, động tác này chưa có. “Hiện tại các thủy điện chỉ mới hỗ trợ chứ không muốn gắn trách nhiệm xả lũ của họ. Đây là điều cần quan tâm”, ông Hải nói.

Vấn đề này đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở ngành hết sức quan tâm nhưng xét đến cho cùng trách nhiệm của thủy điện vẫn chưa có, dù rằng huyện Tương Dương đã được nhận được những “món quà” Thủy điện Khe Bố 2 tỷ, thủy điện Bản Vẽ 3 tỷ, toàn bộ số tiền này đã được chia cho người dân bị thiệt hại do các thủy điện xả lũ. Tức thủy điện mới dừng lại ở “hỗ trợ” chứ không phải là “bồi thường”.

Ông Nguyễn Văn Hải - Bí thư Huyện ủy Tương Dương: Xả lũ gây thiệt hại lớn nhưng thủy điện chỉ hỗ trợ chứ không bồi thường.
Ông Nguyễn Văn Hải - Bí thư Huyện ủy Tương Dương: Xả lũ gây thiệt hại lớn nhưng thủy điện chỉ hỗ trợ chứ không bồi thường.

“Chức năng của thủy điện là cắt lũ, chống hạn, sau đó mới là phát điện. Thế nhưng 2 chức năng đầu tiên thường bị “quên” mà chỉ chăm chăm vào chức năng phát điện”, ông Nguyễn Văn Hải nói.

Ông Hải cũng đề nghị các cơ quan chức năng rà soát đánh giá một cách tốt nhất hành lang xả lũ để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân. Lũ lụt, bồi lắng – hậu quả của thủy điện càng nặng nề, trải dài dọc sông Lam, kéo dài từ Tương Dương qua Con Cuông, Anh Sơn.

“Hạ du thủy điện Bản Vẽ đông dân cư sinh sống, cho phép xả lũ 7000m3/s, hàng lang không quản lý nổi. Nếu xả lũ như vừa rồi hoặc tăng thêm thì diện tích ngập lũ rất lớn. Cần đánh giá, rà soát lại, có chính sách di dời vùng hành lang xả lũ của các công trình thủy điện để tránh thiệt hại khôn lường có thể xảy ra. Đề nghị bộ, ngành nên điều chỉnh quy trình xả lũ cho phù hợp với tình hình hiện nay, khi có thêm nhiều thủy điện mới”, ông Hải kiến nghị.

Ngập sâu do thủy điện xả lũ với lưu lượng nước lớn khiến người dân vùng hạ du hết sức khốn đốn.
Ngập sâu do thủy điện xả lũ với lưu lượng nước lớn khiến người dân vùng hạ du hết sức khốn đốn.

Huyện miền núi do những đặc thù riêng nên hiện vẫn còn một khoảng cách rất xa so với sự phát triển của vùng đồng bằng. Vì vậy, các huyện miền núi cần có cơ chế đặc thù với những chính sách, dự án phù hợp với thực tế địa phương. Trong khi đó, đây cũng là những địa phương gánh chịu hậu quả trực tiếp và nặng nề từ các công trình thủy điện, đặc biệt là khi thủy điện xả lũ.

Ông Vi Văn Sơn - Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho rằng, để giúp các huyện miền núi phát triển, sắp tới cần thành lập Quỹ phát triển miền Tây Nghệ An. “Quỹ này sẽ giúp đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển xã hội khu vực miền núi. Trong đó, ngoài nguồn ngân sách ra thì các thủy điện trên địa bàn phải có trách nhiệm đóng góp”, ông Sơn nói.

Theo đại diện Sở Công thương Nghệ An, hiện nay lòng sông Lam, sông Nậm Nơn, Nậm Mô đã bị bồi lắng, nâng hẳn đáy sông dẫn đến thoát lũ chậm.

Đại diện Sở Công thương Nghệ An: Các lòng sông bị bồi lắng nên khi thủy điện xả lũ đã thoát lũ rất chậm, gây thiệt hại lớn cho vùng hạ du.
Đại diện Sở Công thương Nghệ An: Các lòng sông bị bồi lắng nên khi thủy điện xả lũ đã thoát lũ rất chậm, gây thiệt hại lớn cho vùng hạ du.

“Hồi tháng 4/2018, từ suối Khe Kiền (Tương Dương, Nghệ An) ra sông Nậm Mô bị bồi lắng, cản trở dòng chảy dẫn đến tình trạng ngập úng dù thủy điện Bản Ang đã hạ mức nước dâng bình thường, gây nên tình trạng ngập úng nặng nề nhất trong hàng chục năm trở lại đây. Đối với thủy điện Bản Vẽ, dung tích phòng chống lũ 300 triệu m3 ở mực nước 192,5m, nhưng đợt mưa lũ số 4 , dung tích phòng chống lũ chỉ còn 40 triệu m3, nên nước đổ về từng nào phải xả từng đó. Đây chính là nguyên nhân gây nên tình trạng ngập úng ở vùng hạ du”, đại diện Sở Công thương lí giải.

Để đảm bảo an toàn cho vùng hạ du, Sở Công thương Nghệ An đề xuất trước lũ phải hạ mực nước thủy điện Bản Vẽ xuống 190 để đảm bảo tăng dung tích phòng chống lũ (500 triệu m3). Tương tư, thủy điện Khe Bố cũng phải hạ mực nước trong hồ chứa trước mùa mưa bão.

Việc xả lũ của thủy điện Khe Bố trước đây đã gây tình trạng sụt lún quốc lộ 7. Nếu phía Công ty thủy điện Khe Bố không xử lý tình trạng hư hỏng của tuyến quốc lộ 7, UBND tỉnh Nghệ An sẽ đề nghị Bộ Công Thương hạ mức nước của thủy điện khe bố xuống so với mức nước hiện tại của hồ chứa.

Hoàng Lam